Luật và cuộc sống

THẢO DÂN 18/10/2013 10:37

Một bạn đọc ở Núi Thành gửi thư đến Báo Quảng Nam với nội dung: chị bắt quả tang chồng ngoại tình. Để có cái làm “bằng chứng”, chị yêu cầu chồng mình viết giấy (viết tay) hứa không quan hệ “ngoài luồng” nữa. Thế nhưng sau đó người chồng vẫn chứng nào tật nấy, bỏ bê vợ con, đi theo nhân tình và chị đành... bất lực. Trường hợp khác, một phụ nữ ở Tiên Phước cũng nhờ Báo Quảng Nam can thiệp vì chị thường xuyên bị chồng đánh sau mỗi lần say rượu khiến chị và con gái nhiều khi phải “tá túc” nhờ nhà hàng xóm, không dám về nhà... Đó là 2 trong nhiều trường hợp phụ nữ có chồng ngoại tình, bị bạo hành mà không biết làm sao tự bảo vệ (quyền lợi) của mình.

Vấn đề ở đây là, dù đã có Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng chống bạo lực  gia đình nhưng nạn nhân không biết kêu ai. Trừ khi vụ việc quá ồn ào, nghiêm trọng, chính quyền cơ sở nhiều khi cũng ngại can thiệp những chuyện như vậy vì cho đó là “chuyện riêng” của mỗi gia đình. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân gia đình. Theo đó, người đang có vợ hoặc chồng mà kết hôn hay sống chung với người khác sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng. Nhiều người rơi vào trường hợp này cho rằng, vấn đề chính là họ mong người vợ/chồng trở về với gia đình, vun vén lại hạnh phúc chứ phạt tiền cũng chẳng để làm gì, thậm chí phạt kiểu ấy có khi còn gây tác dụng ngược là... tạo ra thêm những rạn nứt lớn hơn. Đó là chưa kể mức phạt như trên là quá nhẹ so với hạnh phúc của một gia đình, so với hậu quả mà người vi phạm Luật Hôn nhân gia đình, cụ thể ở đây là tội ngoại tình, gây ra.

Một vấn đề khác: Chính phủ vừa có Nghị định 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá, trong đó quy định muốn bán thuốc lá phải đăng ký và cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng. Thế nhưng trên thực tế người bán vẫn cứ vô tư bán, người hút cứ vô tư nhả khói ở nơi công cộng, đặc biệt là ở các cơ sở y tế mà hiếm thấy trường hợp nào bị phạt. Mới đây, dự thảo Nghị định của Chính phủ do Bộ Công an soạn thảo về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tư, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội cũng có quy định sẽ phạt đến 5 triệu đồng nếu nghe điện thoại ở cây xăng (cửa hàng xăng dầu). Nhưng nếu ban hành quy định này, chắc cũng sẽ khó áp dụng trong thực tế. Vấn đề ở đây là, pháp luật quy định cụ thể những gì được làm và cấm làm, nhưng lực lượng giám sát, theo dõi và thực thi các quy định ấy thì khá “mơ hồ”, không rõ khi có người vi phạm thì ai sẽ đứng ra xử phạt, rồi tiền phạt nộp vào đâu, ai kiểm soát... Cứ như thế này, dù có tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến đâu đi nữa thì luật vẫn khó đi vào cuộc sống.

THẢO DÂN

THẢO DÂN