Đào tạo nghề du lịch: Khoảng trống giữa nhà trường và doanh nghiệp
Doanh nghiệp du lịch đang đối mặt với sự thiếu hụt lao động, nhưng các trường đào tạo lại không thể cung ứng đủ nhân lực theo yêu cầu thực tế. Đây là khoảng trống khó lấp đầy giữa nhà trường và doanh nghiệp hiện nay.
Khó tuyển dụng
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, chất lượng kỹ năng nghề du lịch đã phù hợp với yêu cầu doanh nghiệp. Tuy nhiên, họ đang gặp phải khó khăn rất lớn là không thể tuyển dụng lao động đúng như mong muốn và nhu cầu của doanh nghiệp. Một cuộc khảo sát hồi đầu năm của SIT/ILO Quảng Nam đã công bố chỉ có 26% doanh nghiệp cho rằng việc tuyển dụng lao động theo nhu cầu khá dễ dàng, khoảng 54% doanh nghiệp không tuyển được lao động đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm làm việc, 34% doanh nghiệp không tuyển được lao động đáp ứng yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật và tay nghề lao động. Chính vì việc tuyển dụng lao động khá khó khăn dù trên địa bàn có rất nhiều trường đào tạo nghề du lịch, nên dường như doanh nghiệp đã phải tự hài lòng với chất lượng lao động địa phương thay vì thu hút nhân lực từ ngoài tỉnh. Cũng theo cuộc điều tra này cho thấy lao động trong ngành du lịch Quảng Nam không tập trung nhiều ở trình độ chuyên môn kỹ thuật nào mà rải đều với số lao động có trình độ công nhân kỹ thuật không có bằng cấp chiếm tỷ lệ lớn nhất (20.4%), nhân lực trung cấp nghề chiếm 19.1%, sơ cấp nghề 17.1%, chưa qua đào tạo 15.1% và chứng chỉ học nghề dưới 3 tháng 13%. Lao động có trình độ đại học và lao động có trình độ cao đẳng nghề rất thấp, chỉ khoảng 10,4% và 5.1%. Hầu hết nghề phổ biến trong ngành du lịch đều khó tìm người lao động. Điều này cho thấy nguồn cung lao động chưa sẵn có cho doanh nghiệp. Theo các doanh nghiệp du lịch, hình thức tuyển dụng của họ thường theo cách tự đăng tuyển, thông qua mối quan hệ quen biết mà không thông qua các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch. Ông Lê Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An nói, gần như doanh nghiệp vẫn phải bỏ tiền ra để đào tạo lại theo yêu cầu thực tế doanh nghiệp với lượng sinh viên từ các trường đã đào tạo. Chất lượng đào tạo nghề là quan trọng bậc nhất với doanh nghiệp nhưng thực tế các trường không đáp ứng nổi. Ông Lê Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng trường Đào tạo nghề Đà Nẵng thừa nhận rằng đào tạo nghề du lịch ở các trường thiếu thực tế. Thông thường các trường đều đào tạo không tập trung đúng ngành nghề mong muốn. “Đào tạo xa rời nhu cầu thực tế doanh nghiệp nên không thể đáp ứng nhu cầu, dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng, còn sinh viên thì khó tìm kiếm được việc làm như mong muốn” - ông Sơn nói.
Doanh nghiệp du lịch tư vấn nghề cho sinh viên. |
Không dễ liên kết đào tạo
Quảng Nam đã có mạng lưới dạy nghề phát triển với 49 cơ sở (trong đó có 19 trung tâm dạy nghề), nhưng nguồn cung lao động từ các cơ sở dạy nghề này vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu lao động của thị trường. Các doanh nghiệp du lịch vẫn phải tuyển dụng lao động từ các trường nghề chất lượng cao hơn ở các tỉnh lân cận. Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nhận định rằng, đa số doanh nghiệp (82%) chọn phương án tuyển lao động có tay nghề vào làm việc hơn là tuyển lao động phổ thông để tự đào tạo. Lý do chọn phương án này là vì người lao động có tay nghề sẽ làm việc có hiệu quả ngay, không mất thời gian và chi phí đào tạo lại. Theo ông Võ Văn Vân, Giám đốc khách sạn Công đoàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, mặc dù hiện tại đã có sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong dạy nghề, nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp chưa tham gia gắn kết doanh nghiệp và nhà trường. Lý do là sinh viên thực tập không đáp ứng đủ theo yêu cầu về ngoại ngữ và kiến thức chuyên môn để thực tập tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp còn có nhiều hạn chế về cơ sở vật chất chật hẹp, không bố trí được thời gian cho việc nhận thực tập, không có cán bộ bố tham gia hướng dẫn đào tạo sinh viên... và thiếu hẳn những mô hình thí điểm. “Các doanh nghiệp du lịch đang thiếu nhân lực trong khi các trường không thể thu hút đủ sinh viên tham gia học du lịch ở các bậc đào tạo khác nhau. Những động thái liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa có hiệu lực về mặt thực tiễn”- ông Vân nói. Còn ông Trần Ngọc Trung, Giám đốc Vina Golf Hội An thì cho biết, doanh nghiệp rất khó tuyển dụng được nhân sự đào tạo từ các trường dạy nghề tại khu vực. Doanh nghiệp sẵn sàng không đòi hỏi bất kỳ kinh phí nào từ các trường trong việc liên kết đào tạo sinh viên. Nhưng theo ông Trung, nếu không xúc tiến việc kết nối doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề để xây dựng chương trình đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp hoặc cơ sở đào tạo không nắm bắt được nhu cầu, kỹ năng đào tạo thiết thực cho sinh viên…thì khoảng trống giữa đào tạo và thực tế doanh nghiệp sẽ vẫn mãi vời xa. “Quan trọng là ngành đào tạo và đào tạo như thế nào. Các trường đào tạo rất thiếu ngành nghề và dường như chỉ đào tạo ra những giám đốc khách sạn! Phải hiểu một điều rằng nhà trường là một đơn vị sản xuất, doanh nghiệp là người tiêu dùng. Nếu nhà trường đáp ứng được nhu cầu thì doanh nghiệp sẽ “mua”, dù đắt. Không thể buộc doanh nghiệp tiếp nhận những “sản phẩm giáo dục” thiếu chất lượng” - ông Trung nói
NAM KHA