“Điểm nghẽn”của dòng tiền

TRỊNH DŨNG 30/09/2013 14:57

Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn liên tục tăng trưởng với tốc độ tăng bình quân 42,43%/năm, nhưng thu hút đầu tư từ các tổ chức tín dụng (TCTD) cho khu vực này vẫn còn quá nhiều trở ngại. Đó là nhận định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Quảng Nam tại cuộc họp sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn do NHNN chi nhánh Quảng Nam vừa tổ chức.

Tăng trưởng liên tục

Theo nhận định của NHNN chi nhánh Quảng Nam, Nghị định 41 ra đời đã mở một con đường mới cho người dân và doanh nghiệp ở nông thôn tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng ngày một gần hơn. Nét “ưu việt” đầu tiên phải kể đến là sự mở rộng đối tượng, lĩnh vực vay vốn và nâng mức cho vay không tài sản bảo đảm cao hơn trước rất nhiều, giải quyết một lượng vốn khá lớn cho nông nghiệp - nông thôn. Nếu trước khi có nghị định này, tín dụng cho vay không tài sản bảo đảm tối đa chỉ 10 triệu đồng với nông dân, với trang trại là 50 triệu đồng và HTX là 100 triệu đồng thì khi nghị định có hiệu lực đã nâng mức vay không tài sản bảo đảm lên 50 triệu đồng, 200 triệu đồng và 500 triệu đồng theo từng đối tượng đã liệt kê.

Người dân nông thôn rất cần vốn để phát triển sản xuất, mua sắm thiết bị, cơ giới hóa nông nghiệp.                  Ảnh: T. Dũng
Người dân nông thôn rất cần vốn để phát triển sản xuất, mua sắm thiết bị, cơ giới hóa nông nghiệp. Ảnh: T. Dũng

Thống kê của NHNN chi nhánh Quảng Nam cho thấy, sau ba năm triển khai Nghị định 41, cơ cấu tín dụng trên địa bàn đã chuyển dịch mạnh sang hướng tập trung vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn lần lượt qua các năm 2010, 2011, 2012 và đến ngày 31.8.2013 là 15,83%, 23,15%, 27,27% và 30,42%. Một thống kê khác cũng được công bố là từ năm 2010 đến cuối tháng 8.2013, có 2.128.043 lượt khách vay vốn trên địa bàn nông thôn, ứng với 19.470 tỷ đồng. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn liên tục tăng trưởng qua các năm với tốc độ tăng bình quân 42,43%/năm. Đến 31.8.2013, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn đạt khoảng 6.796,84 tỷ đồng với 261.975 khách hàng còn dư nợ, chiếm tỷ trọng 30,41% tổng dư nợ, tăng 168,44% so với năm 2010 và tăng 169,18% so với năm 2009 (thời điểm trước khi Nghị định 41 được ban hành). Trong đó chủ yếu cho vay về chi phí sản xuất nông lâm ngư nghiệp 40,09%, cho vay sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn 25,75% (loại trừ dư nợ thủy điện và công nghiệp nặng), phát triển ngành nghề nông thôn 3,46%, chế biến, tiêu thụ nông lâm thủy sản và muối 0,77%, cho vay học sinh sinh viên vùng khó khăn 11,69%, cho vay tiêu dùng vùng nông thôn 3,46%. Các chương trình cho vay khác chiếm 14,78%.

Theo bà Nguyễn Thị Sương Thu - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Nam, các TCTD đã đề ra nhiều biện pháp nâng cao chất lượng tín dụng. Phương thức cho vay ngày càng đơn giản hóa thủ tục, phù hợp khách hàng nông thôn, bảo đảm an toàn, hiệu quả. Thông qua các tổ vay vốn – được xem là cánh tay nối dài của ngân hàng, vốn đến người dân nông thôn một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất. Chính điều này đã tránh được những tiêu cực cục bộ hoặc “cò” tín dụng ở nông thôn, khắc phục thực trạng lực lượng cán bộ tín dụng của ngân hàng có hạn trong khi địa bàn nông thôn rất rộng. Hoạt động của tổ vay vốn được đánh giá rất cao về hiệu quả hoạt động nhờ sử dụng vốn vay và thanh toán nợ, lãi đúng hạn, hạn chế tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay. Tổng nợ xấu phát sinh trong cho vay theo Nghị định 41 là 45,69 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,67% tổng dư nợ. Điều này cũng dễ hiểu bởi đặc thù sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chủ yếu kinh tế hộ với sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và dư nợ phát sinh trong lĩnh vực này phần lớn là những món vay nhỏ.

Vẫn khó khơi thông dòng tiền

“ngân hàng cần đẩy mạnh tốc độ cung cấp tín dụng để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nếu nguồn vốn này đến kịp thời với người dân thì tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn đã từng xảy ra sẽ hết đất sống. Các ngân hàng nên rà soát, chọn lựa những ai có khát vọng làm giàu ở nông thôn để giúp đỡ, cung cấp tín dụng, ưu tiên vốn phát triển nông thôn mới cho 50 xã. Vấn đề quan trọng nữa, cán bộ tín dụng phải là những người tư vấn, hỗ trợ cho người dân lập dự án vay vốn, sử dụng nguồn lực đúng, hiệu quả để vươn lên làm giàu”.
(Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang)

Theo bà Nguyễn Thị Sương Thu, mặc dù nhận được sự hỗ trợ từ phía chính quyền và sự hưởng ứng của người dân nhưng sự huy động, sử dụng các nguồn lực, nhất là việc thu hút đầu tư từ các TCTD cho nông nghiệp, nông thôn gặp rất nhiều trở ngại. Bà Lưu Thị Thảo - Giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Nam đã chỉ ra khá nhiều điểm yếu dẫn tới việc khó khai thông dòng tiền từ chính sách tín dụng này. Đó là hộ dân thiếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở. Hiện hầu hết các HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất dịch vụ, phục vụ nông nghiệp, nông thôn nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định 41 do không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thiếu vốn tự có và thiếu các dự án khả thi, chưa có sản phẩm chủ lực địa phương và sự liên kết của 4 nhà (nhà nước - nông dân - nhà khoa học - doanh nghiệp) còn quá lỏng lẻo. Mặt khác, khi lượng vốn huy động thấp nhưng chi phí huy động cao nên nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này hạn chế. Một số chương trình cho vay phục vụ chăn nuôi, chế biến gia súc, gia cầm, tôm… chưa đạt được kết quả mong đợi. Khu vực này chỉ chiếm 0,55% tổng dư nợ trên địa bàn (123,69 tỷ đồng tính đến 31.8.2013). Nguyên nhân được tính đến do việc cơ giới hóa trong nông nghiệp chưa cao, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa được đầu tư, thiếu các cơ sở chế biến nông nghiệp sau thu hoạch nên chính sách tín dụng gặp khó…

 Nghị định 41 vẫn còn hiệu lực. Chủ trương của nhà nước vẫn tiếp tục đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng ở nông thôn. Theo NHNN chi nhánh Quảng Nam, để đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư vốn hiệu quả cho khu vực này cần đẩy nhanh tiến độ khảo sát, quy hoạch xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, có đầu ra ổn định để ngân hàng có cơ sở nắm bắt nhu cầu vốn của người dân nhằm chủ động đầu tư. Chính quyền và các cơ quan quản lý tạo điều kiện tìm kiếm thị trường sản phẩm, hàng hóa, chủ yếu là thị trường nông sản. Bởi một khi có được thị trường tiêu thụ vững chắc thì mới kích thích các hộ sản xuất yên tâm bỏ vốn đầu tư khai thác tiềm năng, thu hút lao động, tăng thu nhập và cũng là điều kiện mở rộng cho vay của các ngân hàng. Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trang trại, ban hành các chính sách hỗ trợ về phát triển khoa học, công nghệ, tư vấn lựa chọn công nghệ… nhằm khuyến khích đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Quyền - Giám đốc Agribank Đại Lộc mong muốn chính quyền cần dành vốn ngân sách tiếp tục hỗ trợ lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn và đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề cho công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG