Đạo đức người làm báo trong khai thác và xử lý nguồn tin: Cần có "TÂM" và "TẦM"

LÊ QUÂN 30/09/2013 08:31

Cuối tuần qua, tại TP.Tam Kỳ, hội thảo “Đạo đức người làm báo trong khai thác và xử lý nguồn tin” đã được tổ chức với sự tham gia của những đại biểu Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố khu vực Trung - Nam Trung bộ. Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam - Ngô Văn Hùng đến dự.

  • Hội thảo báo chí “Đạo đức người làm báo trong khai thác và xử lý nguồn tin”
“Đạo đức người làm báo trong khai thác và xử lý nguồn tin” là chủ đề hội thảo được tổ chức tại Quảng Nam vào cuối tuần qua.Ảnh: L.QUÂN
“Đạo đức người làm báo trong khai thác và xử lý nguồn tin” là chủ đề hội thảo được tổ chức tại Quảng Nam vào cuối tuần qua.Ảnh: L.QUÂN

Đằng sau thông tin

Thời gian qua, ở các hội thảo, tọa đàm… về hoạt động nghề nghiệp báo chí từ trung ương đến địa phương, vấn đề “đạo đức người làm báo” được đưa ra bàn luận khá nhiều, đặc biệt là trong “khai thác và xử lý nguồn tin”. Phát biểu đề dẫn hội thảo, nhà báo Lê Văn Nhi - Chủ tịch Hội Nhà báo, Tổng Biên tập Báo Quảng Nam đặt vấn đề: “Phải chăng, báo chí đã và đang đứng trước những thách thức ngày càng gay gắt về đạo đức nghề nghiệp? Phải chăng, báo chí đã tự phơi bày những điều bất bình thường, khiến dư luận xã hội tỏ ra hoài nghi, bức xúc, thậm chí phê phán, mất niềm tin đối với người làm báo? Và phải chăng, chính những “mảng tối” trong đời sống báo chí đương đại chưa được khắc phục một cách có hiệu quả, khiến những người làm báo chân chính ngày càng trăn trở, lo âu, đôi lúc thấy xấu hổ khi mang danh nhà báo”. Mỗi tác phẩm báo chí, có khi chỉ là bản tin hay một bức ảnh, đều có thể, hoặc nhân lên niềm tin yêu cuộc sống, lòng nhân ái, bao dung, cổ vũ cái tốt; hoặc vùi dập, đe dọa, phá hỏng một tổ chức, một con người. Theo nhà báo Lê Văn Nhi, trong vô số những biểu hiện của sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận những người làm báo hiện nay, vấn đề đáng quan tâm nhất, tác động tiêu cực đến cái nhìn của xã hội đối với báo chí, chính là “đạo đức người làm báo trong khai thác và xử lý nguồn tin”.

Đối với nhà báo, phải có bản lĩnh chính trị, có như thế mới xây dựng được đạo đức làm báo. Báo chí phải thực sự là cầu nối để Đảng nói dân nghe, dân nói Đảng nghe”.
(Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam - Ngô Văn Hùng)

Nhà báo Phan Thị Thủy (đến từ Hội Nhà báo TP.Đà Nẵng) thẳng thắn nhìn nhận: “Thật ra, không phải đến bây giờ vấn đề vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí mới diễn ra. Tuy nhiên, có thể nói, chưa bao giờ mức độ vi phạm về đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí lại khiến những người có tâm huyết với nghề cảm thấy đau lòng như hiện nay”. Khi khai thác, tiếp nhận thông tin và chuyển tải thông tin đó trên các phương tiện truyền thông, yêu cầu đạo đức nghề nghiệp của nhà báo hết sức quan trọng. Bởi, một bài báo đúng hay sai thì hệ quả tốt hoặc xấu đều vượt ra ngoài phạm vi của một bài báo cụ thể. Nhà báo Nguyễn Thanh Toàn (Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi) dẫn câu chuyện gần đây nhất ở Quảng Ngãi minh chứng, đó là thông tin về “cha con người rừng Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang ở xã Trà Khê, huyện Tây Trà 40 năm sống gần như biệt lập với dân làng, được chính quyền và người thân đưa về quê cũ, hòa nhập cộng đồng”. Câu chuyện có thật, nhưng theo nhà báo Nguyễn Thanh Toàn, việc khai thác và xử lý thông tin của một số phóng viên, xét về góc độ đạo đức nghề nghiệp cũng có nhiều chuyện để bàn. Trước hết, đó là sự thái quá trong khai thác và chuyển tải thông tin. Nhiều tờ báo khai thác chuyện “người rừng” chi tiết đến mức như muốn “lột trần” cha con ông Hồ Văn Thanh để đưa lên mặt báo. “Ở đây tính nhân văn của người làm báo không cao. Và chỉ có lương tâm và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo mới có thể điều chỉnh hành vi này - nhà báo Nguyễn Thanh Toàn nói.

“Tâm” và “tầm”

Trong thời đại bùng nổ thông tin và chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, mỗi thông tin trên báo chí đều có ảnh hưởng nhất định tới đời sống xã hội. Những thông tin không chính xác có thể ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị, lợi ích quốc gia; đến một cộng đồng người hoặc cá nhân. Vì vậy người làm báo phải giữ gìn, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, nhất là trong công đoạn khai thác, thu thập, xử lý nguồn tin, đăng tải thông tin. Điều này đỏi hỏi người làm báo phải có “TÂM” và “TẦM”.

Hội Nhà báo Việt Nam nhận diện 5 nguyên nhân  vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một số hội viên, nhà báo: (1) do nhận thức non kém về chính trị; (2) do thiếu kiến thức nói chung, trong đó có kiến thức về luật pháp nhất là Luật Báo chí và các văn bản pháp luật liên quan; (3) do ý thức công dân kém, cố tình vi phạm để mưu lợi; (4) do yếu kém về nghiệp vụ báo chí nhất là trong quy trình khai thác và xử lý nguồn tin; (5) do thiếu rèn luyện và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.

Về nguyên nhân “xuống cấp đạo đức trong nghề báo”, nhà báo Phan Thị Thủy đặt một góc nhìn trách nhiệm đối với công tác đào tạo đội ngũ những người làm báo tương lai ở các trường đại học, khi chưa hoặc ít chú trọng đến việc giáo dục đạo đức nghề báo. Mặt khác, theo nhà báo Nguyễn Thanh Toàn, bên cạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức Hội Nhà báo cần mở những lớp bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp cho hội viên và người làm báo. Bởi lâu nay Hội Nhà báo chỉ tập trung bồi dưỡng về nghề báo mà còn xem nhẹ việc bồi dưỡng về “đạo làm báo”.

Nhìn từ góc độ thực tiễn, hiện nay đội ngũ nhà báo, phóng viên đang vấp phải những hạn chế như viết tin, bài chạy theo lợi ích kinh tế, câu khách, rẻ tiền. Nhà báo Đoàn Minh Long - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa nhận định: “Một số phóng viên và tờ báo đang coi nhẹ việc kiểm chứng và xác thực các nguồn tin, dẫn tới hậu quả thông tin đưa lên mặt báo sai sự thật và ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của báo chí đối với nhân dân”. Nhiều người đồng tình với ý kiến này và cho rằng, một trong những phẩm hạnh, đạo đức của người làm báo là hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật. Để có được đức tính tốt đẹp đó đòi hỏi người làm báo phải làm việc nghiêm túc, khoa học và cẩn trọng. Người làm báo phải thật bình tĩnh, thật sáng suốt trước mọi nguồn tin khởi phát. Quá trình khai thác, xử lý thông tin phải thận trọng; để thông tin không sai lệch, đạt độ chính xác cao, khâu kiểm chứng thông tin qua nhiều nguồn là điều quan trọng và hết sức cần thiết.

Nhà báo Võ Xuân Phụng - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bình Định:
“Không chỉ nhà báo mới cần có bản lĩnh và đạo đức. Nhưng vì đặc thù nghề nghiệp, nhà báo đòi hỏi phải tự rèn luyện, xây dựng cho mình một nhãn quan chính trị vững vàng, một vốn sống, vốn kiến thức toàn diện, một tinh thần trách nhiệm cao trước xã hội, để từ đó có những bài viết mang hơi thở cuộc sống, đúng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước”.
Nhà báo Đoàn Minh Long - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa:
“Hiện nay, với thời đại internet bùng nổ, nạn sao chép thông tin, “đạo báo” là một thực tế nhức nhối. Về mặt pháp luật, đây là hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ; về dư luận xã hội, sẽ tạo nên hiệu ứng thiếu tích cực. Cần có một hệ thống chế tài đủ mạnh để xử lý các hành vi vi phạm đạo đức người làm báo trong khai thác và xử lý thông tin. Khi có sai phạm, cần xử lý các cá nhân, tập thể ấy một cách nghiêm khắc. Với những tờ báo thường xuyên đưa thông tin sai lệch hoặc giật gân, để tạo sự chú ý của công luận cần kiểm điểm, kỷ luật, thậm chí là đình bản để nâng cao tính trách nhiệm và chất lượng cho tờ báo”.
Nhà báo Hoàng Mai Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Ninh Thuận:
“Hoạt động báo chí bị chi phối bởi Luật Báo chí và những điều luật khác liên quan đến báo chí. Tuy nhiên, cũng có những chuẩn mực khác rất quan trọng mà những người làm báo cần phải tuân thủ dưới sự dẫn dắt của lương tâm và trách nhiệm. Trong dòng chảy thông tin đa phương tiện, đa chiều hiện nay rất cần thiết phải nâng cao sức đề kháng trước những thông tin tiêu cực trong xã hội, vì vậy cần phải nâng cao đạo đức báo chí, coi trọng chuyên môn nghề nghiệp từ khâu khai thác, xử lý nguồn thông tin, đến nội dung thể hiện, cách trình bày chuyển tải thông tin.
Nhà báo Dương Tấn Huy - Trưởng đài Truyền thanh, truyền hình huyện Điện Bàn:
“Bản thân các nhà báo đòi hỏi phải công phu trong khâu thu thập thông tin, lắng nghe ý kiến từ nhiều phía để có cái nhìn toàn diện, đa chiều, tạo cơ hội cho những người liên quan đến vấn đề được trình bày ý kiến của mình. Nhà báo viết sao cho đúng, không được hư cấu, không tô hồng hay bôi đen làm sai lệch với thông tin ban đầu, không áp đặt cảm tính cá nhân vào trang viết của mình. Nếu cá nhân nhà báo hay cơ quan báo chí có sai phạm cần phải được xử lý nghiêm minh và được thông tin trên báo chí”.
                                                                                                       L.QUÂN (ghi)

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN