Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân vùng thủy điện Sông Tranh 2: Chưa hết vướng!
Chính quyền huyện Bắc Trà My vừa tiến hành cấp 861 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đất ở và đất sản xuất, còn gọi là sổ đỏ - PV) cho 348 hộ dân tại xã Trà Bui. Trong đó, có 144 hộ tái định cư (TĐC), 204 hộ dân sở tại, với tổng diện tích 924ha. Có được sổ đỏ là ước mơ của người sử dụng đất. Trưởng thôn 4 - Hồ Văn Đồng nói: “Vui chứ, có sổ là xác định chủ quyền của mình”. Tuy nhiên, ông cũng nói: “Nhà tôi nhận 2 sổ đỏ với tổng diện tích hơn 2ha, nhưng so với thực tế là không đủ. Anh cứ nghĩ, diện tích đất ở đây không phải vuông vức như đồng bằng mà phải qua đèo dốc, nhưng cán bộ đo đạc lại đi tắt cho nhanh. Nhiều hộ cũng nói diện tích đất trong sổ đỏ nhà họ cũng không đúng với thực tế”. Ông Hồ Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã cho biết, việc cấp sổ đỏ còn nhiều vấn đề cần lưu ý. Tại Trà Bui, có 2 nhóm đối tượng là dân sở tại và dân TĐC từ thôn 6 lên ở thôn 4. Khi tiến hành đo đạc, nhiều trường hợp đất sở tại bị cán bộ đo đạc làm chồng lấn lên thành đất TĐC, mà lẽ ra phải có quyết định thu hồi và bồi thường cho dân sở tại. Muốn TĐC thì phải thu hồi đất, cấp mới hoặc bồi thường, sau đó chia lô, bốc thăm để hạn chế việc lấn chiếm khai thác bừa bãi đất rừng, nhưng đằng này không phân lô, nên dẫn đến tình trạng người có người không. Tình trạng chồng chéo trên là không ít. Dân sở tại tưởng quy hoạch xong, cấp sổ đỏ, là bồi thường, nhưng rồi không có nên bà con thắc mắc. Một số bà con không chịu phối hợp dẫn đi đo đạc, không làm sổ đỏ, cũng từ những nguyên nhân đó. Hiện còn 177 hộ TĐC từ thôn 6 lên thôn 4 ở chưa có sổ vì không có đất. Bà Hồ Thị Lê - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã cưới chồng từ 2008, di dời từ thôn 6 lên, bây giờ vợ chồng sống trên mảnh đất người khác cho mượn. Không có đất sản xuất, chồng bà là anh Nguyễn Đình Ương đi làm thuê. Em ruột bà là anh Hồ Văn Lường cùng vợ con cũng ở đất mượn, không đất rẫy. “Họ cho mượn 2 - 3 năm, hết hạn, không biết sẽ ở đâu” - anh Lường nói.
Việc cấp sổ đỏ cho người dân vùng thủy điện Sông Tranh 2 vẫn còn nhiều vướng mắc.Ảnh: TRUNG VIỆT |
Bài toán thiếu đất sản xuất, không có đất ở là chuyện “nóng” ở vùng thủy điện Sông Tranh 2. Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho rằng, cấp sổ đỏ là đảm bảo sự quản lý của nhà nước về đất, nhằm xác định cụ thể đất của từng hộ, tránh tình trạng nhiều người có đất mà nói không có, ngăn chặn việc xâm phạm đất rừng vốn thường xảy ra. Cấp đất cho dân vùng TĐC đã và đang là mối quan tâm lớn của huyện. Một đề án cấp, cải tạo đất, phát triển cây lương thực, chủ yếu là lúa nước đi kèm hệ thống thủy lợi với kinh phí hơn 40 tỷ đồng đang được thực hiện, chờ tỉnh thông qua, cố gắng đưa vào thực hiện nhanh để giúp bà con phát triển sản xuất, ổn định đời sống lâu dài.
Đảm bảo đời sống cho người dân TĐC vùng thủy điện Sông Tranh 2 là trách nhiệm chính trị của chính quyền. Họ phải có đất ở, đất sản xuất. Tuy nhiên có một vấn đề thuộc về tập quán mà người dân không khỏi lấn cấn: đất rẫy, lâu nay họ làm chừng 3 mùa là bỏ, đi làm chỗ khác; xong 3 mùa, quay lại chỗ cũ, phát đốt làm lại. Họ có lý do, bởi đất rẫy vốn khô cằn, phải chờ cho nó được nghỉ vài mùa để “lại” đất, làm mới có năng suất. Ngôn ngữ hiện đại gọi chuyện đó là du canh và thường hay có cái nhìn sai lệch về nó, chung quy gọi là đốt phá rừng, nhưng thực tế họ đâu có phá rừng. Bây giờ ai cũng có một miếng như thế, chấm dứt việc du canh, vậy làm thế nào để trên miếng đất xấu ấy, người dân canh tác liên tục mà vẫn có cái ăn?
TRUNG VIỆT
|