Tình nguyện nơi bản Lào

VĨNH YÊN 12/09/2013 08:37

Năm 2013 là năm thứ 5 liên tiếp Tỉnh Đoàn Quảng Nam tổ chức đoàn sang hoạt động tình nguyện trên đất bạn Lào. Đây là hoạt động thường niên theo giao ước giữa lãnh đạo Tỉnh Đoàn Quảng Nam và Tỉnh Đoàn Sê Kông (Lào).

Khám bệnh cho người dân bản Đắc Rưng (Đắc Chưng – Sê Kông).  Ảnh: Vĩnh Yên
Khám bệnh cho người dân bản Đắc Rưng (Đắc Chưng – Sê Kông). Ảnh: Vĩnh Yên

Vượt quãng đường hơn 300km dọc theo tuyến đường núi từ Tam Kỳ ngược lên cửa khẩu Đắc Tà Oọc - Nam Giang, chúng tôi về với bản nghèo Đắc Rưng thuộc vùng sâu vùng xa của huyện Đắc Chưng tỉnh Sê Kông. “Việt - Lào sa ma khi” (Việt - Lào đoàn kết), sa bai đi (xin chào), khọc chay lay lay (cảm ơn rất nhiều), kin khẩu leo bo (bạn ăn cơm chưa)… là vốn từ vựng mà các đồng chí bộ đội biên phòng Cửa khẩu Nam Giang đã bổ túc cho chúng tôi suốt dọc đường đi. Ngoài ra, các anh còn thông tin thêm về một số phong tục tập quán ở nơi đây. Vì thế, ai cũng phấn khích mong chờ được tiếp xúc với nét đẹp văn hóa trên đất bạn Lào.

Bản Lào ngày vui

Đắc Rưng là bản hết sức khó khăn. Cả bản có 32 hộ dân với 217 nhân khẩu đều là người dân tộc Tà Riềng (một nhánh người dân tộc Giẻ Triêng ở Việt Nam). Bản nơi đây chưa có điện, chưa có hệ thống nước sinh hoạt, cuộc sống của người dân vẫn chủ yếu dựa vào săn bắn, hái lượm. Gần đây người dân bắt đầu biết trồng cây cà phê, trồng cây sâm đất để cải thiện kinh tế, nhưng do chưa biết kỹ thuật trồng và chăm sóc nên cây cà phê chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong 4 ngày tình nguyện, đoàn được bố trí ở tại trường tiểu học, có lẽ đây là nơi khang trang nhất của bản. Trong những ngày ở đây, đoàn thanh niên tình nguyện thường thức khuya, dậy sớm để lo mọi việc. Trong giờ hành chính họ là bác sĩ, kỹ sư nông lâm, kỹ sư xây dựng…, ngoài giờ, họ lại trở thành đầu bếp, dọn dẹp vệ sinh nơi ở. Vất vả là thế song ai cũng thấy vui. Anh Nguyễn Ngọc Thủy - Phó Bí thư Đoàn Sở NN& PTNT chia sẻ: “Khí hậu lạnh và thay đổi đột ngột nên rất khó chịu, nhưng nhìn thấy người dân nói cười bằng tiếng Lào và dõi theo các hoạt động từ khi đoàn đặt chân đến bản, tôi chắc rằng họ rất vui. Có lẽ lâu lắm rồi bản mới có những vị khách đặc biệt đến đây”.  

Tại đây nhiều hoạt động tình nguyện diễn ra như: trao tặng 31 suất quà gồm áo, dầu ăn, nước mắm, cá khô… cho các  gia đình nghèo khó; tặng 50 tập vở, bút cho học sinh; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 200 người dân; phối hợp với thanh niên huyện Đắc Chưng  xây dựng bể nước công cộng, sửa chữa công trình hệ thống nước sạch và vệ sinh môi trường; hướng dẫn kỹ thuật trồng  cây cà phê và tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao giữa đoàn tình nguyện với tuổi trẻ địa phương.

Ông Chăn Thạ Vi Sang - Trưởng bản Đắc Rưng hết sức vui mừng khi thấy đoàn tình nguyện về giúp làm bể chứa nước sạch. Ông bảo: “Lâu nay dân bản chúng tôi chưa có cái bể nước sạch, mọi sinh hoạt của người dân đều ở dưới suối và phải đi cõng nước ở dưới suối lên để nấu ăn, đến mùa mưa nước trên núi về bẩn không dùng được. Hôm nay đoàn tình nguyện thanh niên Việt Nam giúp chúng tôi làm bể nước sạch, bản chúng tôi mừng lắm, từ nay cả bản có nước sạch để nấu ăn và nước sinh hoạt rồi”.

Thêm nhiều trải nghiệm

Ở Lào đang là mùa mưa. Khi đoàn tình nguyện thi công bể nước sạch phải ở ngoài trời, mưa và gió làm cho các tình nguyện viên ai cũng ướt sũng, lạnh căm. Thế nhưng sự có mặt của đông đảo dân bản đã “sưởi ấm” các chiến sĩ tình nguyện. Trung úy Alăng Xuân - chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang chia sẻ: “Trời mưa to, việc vận chuyển nguyên vật liệu và thi công rất khó khăn, bọn mình cũng thấy nản. Nhưng nhìn những ánh mắt yêu thương và nụ cười thân thiết mà người dân và các em nhỏ nơi đây dành cho bọn mình và nghĩ đến việc cả bản đều được hưởng lợi từ nguồn nước sạch, thì cái lạnh và mọi mệt mỏi đều tan biến, cảm giác như có một sức mạnh để hoàn thành công việc. Mình cảm thấy rất vui và ý nghĩa khi được góp sức công sức nhỏ bé của mình giúp đỡ mọi người nơi đây để cuộc sống bớt khó khăn”.

Năm giờ sáng, khi mây mù trên núi còn chưa tan, trong mưa lạnh của núi rừng, chị Phan Thị Hoàng Trang - cán bộ Tỉnh Đoàn phải dậy sớm để nấu cơm cho cả đoàn. Dụi mắt vì khói bởi củi khô bị ẩm, chị nói: “Không có quán xá, nhìn mọi người làm mệt nên tôi chỉ mong nấu cơm ngon, canh ngọt như ở gia đình để mọi người được đảm bảo sức khỏe”. Còn  bác sĩ Huỳnh Ngọc Tin (Bệnh viện Đa khoa  Quảng Nam) nói: “Đoàn chỉ có mình tôi làm bác sĩ khám chính, ở đây lại không biết tiếng Lào nên có phần khó khăn như khám bệnh cho người dân phải nhờ phiên dịch. Thế nhưng nhìn mọi người ai cũng muốn được khám, có nhiều người  khám tới 3 lần. Tôi hỏi vì sao lại khám nhiều lần như vậy thì người dân nói mấy khi được bác sĩ về đây khám và cho thuốc nên khám cho hết con bệnh”. Nơi đây điều kiện khó khăn, người dân chưa ý thức nhiều về phòng bệnh, nên ngoài khám anh còn tư vấn cho họ cách giữ sức khỏe và cách phòng bệnh. Bận rộn là thế nhưng nhìn anh lúc nào cũng tươi cười nhờ phiên dịch chúc người dân sức khỏe. “Mình phải làm việc cho xứng với thanh niên tình nguyện quốc tế, tình nguyện phải hết mình, sao cho xứng với mong mỏi của người dân nước bạn” - anh Tin nói.

VĨNH YÊN

VĨNH YÊN