Nẻo vui đường rừng...
Chưa có doanh nghiệp lữ hành nào chính thức đưa tour khám phá đường Trường Sơn huyền thoại sau nhiều lễ hội văn hóa, du lịch được mở mấy năm qua. Chỉ có những lời mô tả của dân “phượt” về các thị trấn vùng cao phảng phất không khí như các thị trấn giang hồ dọc miền viễn Tây trong truyện Giắc Lơn-đơn và sinh cảnh kỳ vĩ của đại ngàn đã cuốn người mạo hiểm mở những cuộc thám du.
1. Tám mươi cây số từ ngã ba Cây Cốc (Thăng Bình) theo QL14E đến thị trấn Khâm Đức chỉ còn là vệt mờ trong ký ức. Con đường Hồ Chí Minh xẻ ngang lòng thị trấn lơ thơ cây cỏ ven đường và cánh rừng phía “cuối” phố chợt óng ả, tinh khôi sau cơn mưa chiều đẫm nước. Bữa cơm chiều chưa kịp tàn nơi một quán ăn không nhớ nổi tên thì bóng tối, sương mỏng và những tia sáng yếu ớt hắt ra từ các căn nhà, phủ lên thị trấn một màu “lành lạnh”. Thi thoảng vài ánh đèn pha, tiếng ô tô, xe máy… quét ngang qua phố núi rồi lẩn khuất cuối đường. Tiếng nhạc bolero rền rĩ suốt một dãy phố, tiếng trẻ con cười trong vài quán internet hòa lẫn tiếng chạm cốc, trò chuyện dọc các quán rượu bày trên phố, dưới tán cây ven đường… lao xao. Người thị trấn bảo, nhiều năm nay, thị trấn hoang liêu đang nuôi dưỡng trong lòng giấc mơ “Tây đô” này đã có thể dễ dàng liên lạc với cả thế giới bên ngoài từ internet và mạng di động đã phủ đầy sóng… Những lời đồn đại đầy “ám ảnh” về một thị trấn phảng phất hơi hướng lạnh lùng, kiêu bạc như các thị trấn cao bồi, giang hồ miền viễn Tây… đã dần nhạt phai, để chỉ còn lại một phố huyện vùng cao buồn tẻ như các thị trấn hoang liêu trên gió bụi dọc đường.
Đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. |
Đêm mịt mù trôi qua trong tiếng gió thảng thốt lướt qua mặt sân bay dã chiến cũ còn nguyên phi đạo 1km, rộng 50m, đập vào khe cửa khách sạn giữa trung tâm thị trấn…nghe chút gì ray rứt. Nhân viên khách sạn nói ngoài thị trấn còn lắm điều hay. Sáng lạnh, con đường từ thị trấn đến đèo Lò Xo quả là đẹp nhất trong suốt hơn 175km đường Hồ Chí Minh qua Quảng Nam. Những chiếc xe máy như trôi theo con đường hiểm trở, uốn lượn quanh sườn núi, như cầu vồng, đi qua nhiều cánh rừng rậm rạp, có lúc lọt thỏm giữa hai khe núi. Từ đỉnh đèo Lò Xo nhìn về dãy núi Ch’lum heo ở Ngọc Linh xa kia là cánh rừng lá vàng - màu vàng của Levitan, vàng suốt quanh năm. Cả đám người thám du sau khi vất vả leo lên cứ điểm Ngok Tak Vak (Phước Mỹ) cách Khâm Đức 7km, ở độ cao 378m so với mặt nước biển chỉ để nhìn ngắm dấu tích của sân bay trực thăng dã chiến lọt giữa đồi núi trập trùng trở lại thị trấn…
Rời thị trấn Khâm Đức giữa chiều thu se lạnh. Chẳng mấy chốc đã gặp Nam Giang, sau khi đi qua những cung đường uốn lượn giữa “mây trời” nhìn những dòng sông cạn đáy, trơ giữa lòng sông những dãy núi màu đỏ quạch như sau một cơn địa chấn của núi lửa phun trào. Trên con đường ấy, thi thoảng gặp vài ba người mang sản vật núi rừng trên những chiếc gùi thô mộc ngược dốc và dưới mái hiên nhà sàn ngợp gió ven đường có phụ nữ ngồi khâu áo cho chồng con, có người giã gạo chuẩn bị mùa mưa. Gần cây cầu sắt bắc ngang sông Giằng, 1,3km đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại nằm dọc bờ sông đầy gió và bên kia sông là cánh rừng nguyên sinh lô nhô đồi nhỏ. Chưa thấy lán trại, nhà ăn, trạm xá, hầm bò… của nguyên một binh trạm thời chiến như ý tưởng khi phục dựng con đường “kỷ niệm” này để làm du lịch hồi Festival Di sản Quảng Nam 2013, nhưng trên đoạn đường dốc đứng, cong cong ấy, vài ba bản nhỏ hắt ánh sáng vào rừng xanh thấp thoáng dưới chân đồi và vài đoạn đường mòn huyền thoại ẩn dưới thung sâu… cũng đã đủ sức “hớp hồn” du khách về sự kỳ vĩ của đại ngàn.
Trẻ em Cơ Tu. Ảnh: NAM KHA |
2. Đêm trung tâm hành chính huyện nơi Bến Giằng lạnh và buồn. Chỉ có gió luồn qua khe cửa hẹp, tiếng gầm réo của sông Giằng chảy qua chiếc cầu sắt thay cho chuyến phà tự hành đầy may rủi năm xưa và con đường không bóng người hắt ánh đèn vàng nhợt nhạt lên cánh rừng ven sông. Du khách buộc lòng phải dời chỗ về thị trấn Thạnh Mỹ cũ ở ngay giao lộ giữa QL14D, 14B và đường Hồ Chí Minh. Quãng đường 12km từ Bến Giằng tới thị trấn Thạnh Mỹ dọc con đường Hồ Chí Minh đã bắt đầu mọc lên nhiều nhà nghỉ, khách sạn và hàng quán với nhiều mơ ước xa xôi của một đô thị đang ươm mầm. Thi thoảng tiếng ô tô, xe máy vụt qua, mất hút đâu đó sau khúc cua hẹp, để lại ít bụi đỏ quạch màu đất nơi phố núi. Thị trấn cũ xưa Thạnh Mỹ đầy tiếng ồn và bụi bặm, nằm khép mình bên giao lộ, dường như đang sống trong một tấm áo chật hẹp trước “làn sóng” thương mại đang bùng phát. Tiếng nhạc rền rĩ, tiếng nói cười lao xao, mặc cả bán mua, lẫn với tiếng chất hàng trên các chuyến xe thồ chuẩn bị vượt dốc mỗi sáng. Cửa hàng tràn ra cả mặt đường chật hẹp đầy bụi, rác… dọc thềm chợ (sát mép đường) đã bày biện những gian hàng gà, vịt… óng mỡ, chuẩn bị một “cuộc buôn bán” về đêm. Chợ dường như xa lạ với thịt rừng, chỉ bày bán gia cầm cho tới 4h sáng. Nơi ấy có người nửa đêm chờ sáng bên ánh đèn vàng võ chợ đêm phố huyện. Sáng ra, có kẻ ngược biên giới, người xuôi đồng bằng mang vác hàng hóa… bắt đầu một ngày mới nơi rừng núi mơ xa.
Chín mươi cây số từ Thạnh Mỹ (Nam Giang) về A Lưới (Thừa Thiên Huế) buổi sáng mờ sương, vắng người, xe cộ. Chỉ có những con đường dốc đứng, cong cong, thấp thoáng dưới chân đồi vài ba bản nhỏ, mái tôn nhà hắt ánh sáng trắng vào rừng xanh, vài đoạn đường mòn Trường Sơn huyền thoại, khác nơi Pà Dồn, ẩn dưới thung lũng sâu và dân phơi quế đầy đường đoạn P’rao. Không đủ sức để ngược thêm 14km đường ĐT 606 dốc đứng lên Tây Giang để gặp làng truyền thống Cơ Tu như một bảo tàng nhà truyền thống của cộng đồng cư dân huyện và sống một đêm sương lạnh miền biên viễn, khách trở lại thị trấn P’rao (Đông Giang). Nếu như sự ồn ã, nhộn nhịp có đầy ở thị trấn Thạnh Mỹ về đêm thì trung tâm huyện lỵ này phảng phất chút buồn. Cả một đoạn đường Hồ Chí Minh qua thị trấn không nhiều căn nhà được xây dựng dọc đường. Cả “bảo tàng văn hóa dân tộc” như trước đây nhiều người dự định mở cửa để đón bước chân du khách cũng chỉ là một căn nhà truyền thống màu vàng gỗ, kín cổng cao tường với những chiếc bình gốm sứ Giang Tây to “khủng khiếp” bày khắp nơi giữa “làng”. Và món cá niên, rau dớn nơi quán ăn cuối đường 14G bày ra cho buổi tối đã giúp mọi người vợi đi mệt nhọc và chút hụt hẫng khi chẳng tìm thấy gì nơi thị trấn dọc đường này.
Cô chủ quán tên Phượng nói rằng rau dớn ngọt, thơm, có thể xào hoặc luộc chấm mắm cái - cũng là loại “đặc sản” của xứ miền Trung hoặc chấm với nước cá niên kho thì ngon tuyệt. Cá niên ăn “đúng điệu” là nướng, luộc và kho gừng, nghệ. Cái nhìn sắc như liếc dao cau kèm theo lời đồn đại loài cá nhỏ, dài như cá đối vùng sông nước, chỉ ăn rêu đá và phù du phiêu sinh sát mép suối… có thêm “chức năng” bổ thận tráng dương cho nam giới và trắng da dài tóc cho con gái… đã khiến lữ khách hồ hởi dự phần vào “tiệc đêm” kỳ thú. Thịt cá lẫn muối sống, ớt và tiêu rừng xanh, nhai và nghe vị đăng đắng, nồng cay của lòng cá; hớp một chút men tà vạt (còn được gọi là rượu đoác, được chế biến từ thân cây đoác - có hình dáng giống cây dừa nhưng thân to hơn, mọc tự nhiên trong rừng và làm bằng bí quyết của người bản địa Cơ Tu có màu trắng đục. Vị rượu ngọt và mát lạnh, giải cảm...), chưa kịp trôi xuống dạ dày đã thấy lâng lâng hương vị đất trời hoang sơ thấm vào hồn người du lãng, kéo người vào giấc mộng mị giữa những căn nhà nhỏ ở luôn làng, qua đêm, để rồi đón bình minh nguyên sơ trong sương lạnh nơi đại ngàn Trường Sơn, tiếp tục thêm những cuộc hành trình khác, cho những kẻ lãng du!
NAM KHA