Đón thời cơ

PHAN HẠO NHIÊN 24/08/2013 08:57

Để đón đầu cơ hội mở rộng, gia nhập sâu vào thị trường thế giới, Quảng Nam đang nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ ngành dệt may phát triển.

Thiên thời, địa lợi

Theo nhận định của ngành chức năng, hiện tại thị trường dệt may Tây Âu đã khá bão hòa trong khi các thị trường khác tại châu Á lại đang phát triển rất mạnh mẽ. Mặt khác, với lợi ích từ Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU là 90% hàng hóa của Việt Nam nhập khẩu vào EU sẽ hưởng mức thuế 0% (hiện nay dệt may đang chịu mức thuế bình quân vào các thị trường khác là 11,7%) sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) dệt may phát triển mạnh hơn nữa.

Đóng thùng, kiểm tra mã hàng hóa để xuất theo từng đơn đặt hàng.
Đóng thùng, kiểm tra mã hàng hóa để xuất theo từng đơn đặt hàng.

Thời gian gần đây, ở Việt Nam đang hình thành một làn sóng đầu tư vào các dự án may mặc, bông, dệt, sợi nhằm đón đầu Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi TPP được ký kết sẽ có phạm vi điều chỉnh rộng với xu hướng đàm phán tự do mạnh mẽ, trong đó về thuế quan cắt giảm hầu hết các dòng thuế (ít nhất 90%). Đặc biệt là các loại thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên, thực hiện ngay hoặc thực hiện lộ trình rất ngắn. Hiệp định TPP đang được đàm phán với 12 nước, trong đó Mỹ là thị trường lớn, chiếm 43,65% kim ngạch xuất khẩu dệt, may của Việt Nam trong năm 2012. Trong các hiệp định thương mại, Mỹ thường dùng nguyên tắc xuất xứ (yarn – forward) đối với mặt hàng may mặc. Theo nguyên tắc này, sản phẩm may mặc được hưởng thuế ưu đãi chỉ khi có sợi, các công đoạn sau sợi (gồm vải, cắt và may) được thực hiện tại các nước tham gia hiệp định. “Vì vậy, Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng cần tạo điều kiện và cơ chế thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm của Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (3 nước mà Việt Nam nhập nguyên phụ liệu nhiều nhất) dịch chuyển các nhà máy sang Việt Nam. Sự dịch chuyển này thành công, chúng ta sẽ được hưởng lợi tương đối nhiều” - ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Giám đốc Sở Công Thương nói.

Dọn đường phát triển

Để tận dụng những cơ hội đối với ngành dệt may trong thời gian đến, mới đây UBND đã ban hành Quyết định 07 quy định hỗ trợ, khuyến khích đầu tư ngành dệt may, da giày, mây tre lá trên địa bàn nông thôn miền núi tỉnh giai đoạn 2013 – 2016. Theo đó, DN đầu tư vào khu vực nông thôn giải quyết việc làm cho 200 lao động và miền núi là 50 lao động đối với ngành dệt may, ngoài việc được hỗ trợ 100% chi phí mặt bằng, DN còn được hỗ trợ về xúc tiến thương mại, tín dụng đầu tư, đào tạo lao động. Đặc biệt, Sở Công Thương đang xây dựng đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 – 2020. Ông Quang cho biết: “Đề án sẽ đánh giá tổng quan hiện trạng ngành công nghiệp dệt may Quảng Nam và công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may nói riêng. Trên cơ sở phân tích các yếu tố tác động đến sự phát triển của ngành công nghiệp dệt may thời gian qua, đặc biệt khi chúng ta hội nhập sâu vào những thị trường lớn để có những đề xuất, giải pháp”.

Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, từ nay đến 2020, Quảng Nam không chỉ sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành công nghiệp dệt may mà còn trở thành trung tâm trưng bày sản phẩm thời trang và phân phối nguyên phụ liệu ngành dệt may trong tỉnh, khu vực và cả nước. Nhưng trước mắt để hiện thực hóa các đề án, vừa qua, UBND tỉnh triển khai bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatext). Theo bản ghi nhớ, Tập đoàn Dệt may Việt Nam sẽ giúp Quảng Nam lập quy hoạch dệt may của tỉnh. Ngoài ra, Vinatext sẽ đầu tư trồng bông nguyên liệu tại xã Đại Hồng, Đại Đồng, Đại Lãnh (Đại Lộc) với diện tích 450ha; Điện Trung, Điện Quang (Điện Bàn), Duy Châu (Duy Xuyên) và Bình Quý (Thăng Bình) với tổng cộng khoảng 220ha. Ngoài ra, với khu đất có diện tích gần 20ha tại Hương An (bên cạnh khu công nghiệp Đông Quế Sơn) được bố trí phục vụ cho phát triển công nghiệp sẽ xây dựng nhà máy sản xuất tơ, sợi và dệt nhuộm. “Đây được xem là vị trí chiến lược trong tầm nhìn quy hoạch ngành dệt may của tỉnh với trục đường dọc theo các tuyến giao thông chính, khu vực sản xuất xa khu dân cư, môi trường đảm bảo, nước thải được xử lý trước khi thải ra sông Ly Ly” - ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Công Thương cho biết.

PHAN HẠO NHIÊN

PHAN HẠO NHIÊN