Người con quê lụa

LÊ MINH CHIẾN 17/08/2013 09:25

Làng Thi Lai, xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên) được bồi đắp bởi một nhánh sông Thu Bồn, nổi tiếng cả nước với câu ca: “Duy Xuyên tơ, lụa mỹ miều/ Buổi mai mắc cửi, buổi chiều giăng tơ”. Đó cũng là quê hương của chiến sĩ cách mạng kiên trung Ngô Phú, người luôn mang khát vọng vực dậy nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống của quê hương.

Một đời theo Đảng

Ông Ngô Phú sinh năm 1920, trong một gia đình làm nghề trồng dâu nuôi tằm nổi tiếng của làng Thi Lai. Cha ông là Ngô Chương, một trong ba chủ hộ giàu có nhất làng Thi Lai nhờ nghề trồng dâu nuôi tằm (Cửu Diễn, Trùm Sự, Ngô Chương). Cụ Ngô Chương sinh được 7 người con, có 5 người theo nghề truyền thống của gia đình, riêng 2 người con út là Ngô Phú và Ngô Xuân Hạ chọn con đường theo Đảng, làm cách mạng.

Ông Ngô Phú trong một lần đi cơ sở tìm hiểu thực tế nghề trồng dâu nuôi tằm. Ảnh tư liệu
Ông Ngô Phú trong một lần đi cơ sở tìm hiểu thực tế nghề trồng dâu nuôi tằm. Ảnh tư liệu

Năm 1936, phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ diễn ra mạnh mẽ đã tác động sâu sắc đến ý thức cách mạng, giúp ông Phú sớm nhận ra con đường phải đi cho mình. Ông lao vào hoạt động trong phong trào thanh niên dân chủ ở xã, huyện, xây dựng các tổ chức quần chúng, vận động, thu thập nguyện vọng của nhân dân để lập các bản dân nguyện, đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, chống sắc thuế… Năm 1937, ông Phú vinh dự được kết nạp vào Đảng. Từ đây, ông đã tận hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cần mẫn, bền bỉ, kiên trì như con tằm nhả tơ.

Năm 1939, ông Phú bị bắt khi tham gia tổ chức cuộc mít tinh lớn tại cầu Chiêm Sơn (Duy Xuyên). Không khai thác được gì, giặc kết án ông 6 tháng tù vì tội đi nghe mít tinh. Năm 1940, mãn hạn tù trở về, ông được phân công vào Sài Gòn móc nối hoạt động. Dưới vỏ bọc là người buôn bán tơ lụa, ông thường xuyên đi về giữa Sài Gòn - Duy Xuyên để vừa cung cấp nguồn tài chính, cung cấp thông tin, tài liệu tuyên truyền cho chi bộ ở quê, vừa tham gia tích cực các hoạt động cách mạng ở Sài Gòn.

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Ngô Phú được phân công là Ủy viên Thường trực Mặt trận Việt Minh và Ủy viên Thường vụ Ban Bạo động khởi nghĩa huyện Hòa Vang. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền cho cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên (6.1.1946), Tỉnh ủy điều ông sang nhận công tác xây dựng phong trào hợp tác xã của tỉnh. Từ đây, cuộc đời hoạt động cách mạng của ông gắn liền với sự nghiệp xây dựng kinh tế của Đảng. Từ năm 1946 đến năm 1952, ông được Đảng giao đảm nhiệm các chức vụ: Ủy viên Đảng đoàn chính quyền tỉnh, Ủy viên Ban Kinh tế - Tài chính Liên khu 5, Bí thư Ban Cán sự Liên đoàn Hợp tác xã nông nghiệp tỉnh, Trưởng ty Kinh tế, Trưởng ty Công thương tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Trong những năm tháng ấy, mặc dù ông lăn lộn khắp các vùng tự do, nhiều lúc phải vào sâu trong vùng địch kiểm soát như Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc… để động viên nhân dân tăng gia sản xuất...

Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Ngô Phú tập kết ra miền Bắc, công tác tại Bộ Công nghiệp nhẹ. Năm 1964, khi đang là Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công nghiệp, ông được Trung ương cử về tỉnh Ninh Bình, đảm nhận các chức vụ: Trưởng ty Công nghiệp, Trưởng ban Công nghiệp Tỉnh ủy rồi Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình.

Đóng góp khôi phục kinh tế

Tháng 4.1975, từ Ninh Bình, ông Ngô Phú được điều về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, rồi lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, Phó ban Kinh tế Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch và kinh tế tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Lúc này, Quảng Nam - Đà Nẵng là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do chiến tranh. Ngô Phú nhận nhiệm vụ mà trong tâm trí vẫn đau đáu câu hỏi như thách thức của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh: “Tiếp quản rồi thì làm gì tiếp theo để phát triển kinh tế địa phương?”. Và ông tìm ra câu trả lời: “Muốn xây dựng và phát triển kinh tế, cần phải nghiên cứu một cách thấu đáo đặc điểm từng vùng… Cần phải tiến hành sớm để khảo sát, điều tra cơ bản, từ đó chia tỉnh thành các vùng kinh tế đặc thù và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho từng địa phương”. Từ đề xuất của ông, qua điều tra, xây dựng đề án phát triển, bức tranh kinh tế của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng từng bước được định hình rõ nét với 4 vùng cơ bản: vùng ven biển, đồng bằng và đô thị, trung du, vùng núi. Để phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, ông đề xuất chú trọng xây dựng hệ thống thủy lợi, cùng với Bộ Thủy lợi lập bản thiết kế rồi bám ngày đêm thi công xây dựng hồ chứa nước Phú Ninh. Ông chủ trì các đề án đưa nghiên cứu ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào các ngành nông - lâm - ngư nghiệp, đưa các giống lúa ngắn ngày, bắp lai vào sản xuất, thay giống dâu tằm cũ bằng giống dâu tằm Hà Bắc có năng suất, chất lượng cao hơn, nhập giống heo Móng Cái vào nuôi thử nghiệm, khôi phục các trại heo giống… Những hướng đi đó đã góp phần đưa Quảng Nam - Đà Nẵng từ một tỉnh thiếu ăn trở thành tỉnh có đời sống kinh tế ổn định. Duy Xuyên quê ông trở thành địa phương đầu tiên ở miền Nam cơ bản hoàn thành xây dựng hợp tác xã, được Trung ương khen ngợi, biểu dương. Khi ông Lưu Ban có ý tưởng xây dựng thủy điện Duy Sơn, ông là người đầu tiên ủng hộ và hăng hái vận động để ông Ban có điều kiện thực hiện ước mơ của mình.

Còn vương tơ lòng...

Bên cạnh những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp, ông Ngô Phú là người đã có công lớn làm “hồi sinh” nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống của xứ Quảng. Với ông, niềm đam mê trồng dâu nuôi tằm đã ngấm vào máu thịt, trở thành một khát vọng cháy bỏng. Ông không chịu đứng nhìn nghề truyền thống từng một thời hưng thịnh của quê hương rơi vào cảnh lụi tàn. Ông lao vào nghiên cứu các tài liệu về sinh lý của con tằm, khảo sát, phân tích chất đất ở khắp bãi bồi ven sông nhằm tìm ra nơi phù hợp để trồng dâu. Với cương vị công tác của mình, ông lặn lội vào tận TP.Hồ Chí Minh, An Giang đặt mối quan hệ công tác, mở rộng thị trường tơ tằm cho tỉnh. Tranh thủ những chuyến công tác ở phía Nam, ông tìm đến khu Bảy Hiền (quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) vận động bà con quê Quảng Nam đem máy móc, kinh nghiệm về xây dựng cơ sở dệt Hòa Khánh, dệt khăn mặt 29.3, lập xưởng nhuộm in hoa; vận động doanh nghiệp ngành dệt may đầu tư cho ngành dệt ở Quảng Nam - Đà Nẵng.

Ông Ngô Phú đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Tháng 6.2011, gia đình cùng đồng chí, đồng đội của ông đã hoàn thành tập hồi ký “Ngô Phú, một đời theo Đảng”, do NXB Đà Nẵng ấn hành, khái quát trọn vẹn cuộc đời hoạt động cách mạng của ông.

Bằng kinh nghiệm thực tiễn và khát vọng vực dậy nghề trồng dâu nuôi tằm, ông chính là tác giả của hầu hết những nghị quyết, chỉ thị về ngành dâu tằm của tỉnh lúc bấy giờ như Nghị quyết số 24/NQ-TU, ngày 27.10.1981 của Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng về “Phát triển dâu tằm tơ lụa để giải quyết tốt phần nào về mặc cho nhân dân trong tỉnh vào năm 1982 - 1985 và năm 1982”. Ngô Phú luôn tìm cách kêu gọi, thuyết phục các cơ quan, các ngành có liên quan ủng hộ cho ngành dâu tằm. Nghề trồng dâu nuôi tằm sau đó phục hồi nhưng duy trì chẳng được bao lâu. Đầu ra thu hẹp dần, nghề cũng lụi tàn.

Cho đến những năm tháng cuối đời, ông Ngô Phú vẫn dành chút sức lực cuối cùng cho niềm mơ ước khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm. Ông cần mẫn đọc báo, tra cứu các tài liệu liên quan đến dâu tằm, tơ lụa rồi góp nhặt, nhờ con cháu gửi cho xã Duy Trinh quê ông. Dăm bữa nửa tháng lại thấy ông tìm về Duy Trinh, lúc thì con cháu chở, có khi đi xe buýt về Nam Phước rồi bắt xe ôm đến cơ quan xã, tìm gặp cho được các đồng chí lãnh đạo xã, hay đến tận nhà riêng từng người để trao đổi tài liệu về hướng dẫn cách trồng dâu nuôi tằm mới, thông tin một số cơ sở thu mua mà ông mới dò biết. Những ngày cuối cùng trên giường bệnh, khi người thân, bạn bè, đồng chí từ quê ra thăm, ông vẫn cố thều thào: “Cây dâu quê ta sao rồi?”.

Ngày 13.10.2009, ông Ngô Phú vĩnh biệt cõi đời. Hẳn, trước lúc đi xa, hình ảnh cuối cùng còn đọng lại trong ông vẫn là những cánh đồng dâu xanh ngát, âm thanh cuối cùng ông nghe thấy vẫn là tiếng thoi đưa lách cách của quê nhà.

LÊ MINH CHIẾN

LÊ MINH CHIẾN