Khi tuổi trẻ mở lòng

THANH XUÂN 12/08/2013 08:06

Lần đầu tiên, tại một chương trình cộng đồng mà thanh thiếu niên đã mạnh dạn nói lên suy nghĩ của mình về vấn đề “sức khỏe sinh sản trong lứa tuổi vị thành viên và thanh niên”. Đó là cuộc thi “Xử lý tình huống và vẽ tranh tuyên truyền sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên” nhân hội trại do Đoàn phường An Xuân, TP.Tam Kỳ vừa tổ chức. Với sự tham gia của 11 tuyên truyền viên là học sinh - sinh viên về sinh hoạt hè tại địa phương, hội thi đã thu hút hơn 300 bạn trẻ đến dự.

Hội thi “Xử lý tình huống và vẽ tranh tuyên truyền sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên” thu hút nhiều bạn trẻ tham dự.Ảnh: Thanh Xuân
Hội thi “Xử lý tình huống và vẽ tranh tuyên truyền sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên” thu hút nhiều bạn trẻ tham dự.Ảnh: Thanh Xuân

Khác với những buổi tuyên truyền sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên do cán bộ ngành chuyên môn tổ chức, tại hội thi, chính các học sinh - sinh viên, đoàn viên thanh niên qua các phần thi đã tuyên truyền về vấn đề này cho bạn bè cùng trang lứa. Từ những tình huống được Ban tổ chức đặt ra sát với thực tế đời sống, các bạn trẻ đã mạnh dạn và tự tin nói lên tâm sinh lý của tuổi mới lớn, những mong muốn của chính các bạn trong các mối quan hệ xã hội.

Bạn Phan Thị Huyền Trân - sinh viên trường Đại học Quảng Nam, hiện là Phó Bí thư Chi đoàn Khối phố 11 phường An Xuân đã nêu lên thực trạng “sống thử” đang được nhiều bạn trẻ xem là “mốt”. Về bản thân mình, Trân nhận thức rất rõ và chia sẻ với hội thi: “Theo số liệu khảo sát đã được công bố, cứ 100 cặp yêu nhau mà sống thử, chỉ có chưa tới 30% trong số đó thành vợ chồng. Và khi không đến được với nhau, chính phụ nữ là người chịu thiệt thòi. Vì thế theo tôi không nên sống thử”.

Hậu quả của việc “sống thử” hay quan hệ tình dục sớm cũng được các bạn trẻ nêu lên. Đó là có thai ngoài ý muốn dẫn đến nạo phá thai, hoặc kết hôn khi chưa trưởng thành... tất cả đều ảnh hưởng đến sức khỏe, tương lai của bản thân và là nỗi lo của gia đình. Bùi Lê Khánh Huyền - học sinh lớp 10 trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa ra cách xử lý rất tinh tế khi được đặt trong tình huống một người bạn của mình lỡ có thai. “Nếu một người bạn lỡ có thai với người yêu, tôi nghĩ rằng, điều quan trọng nhất trước hết là bạn ấy cần một người biết chia sẻ để trấn an ngay lúc bạn ấy đang rất hoang mang. Và những người thân cần bình tĩnh để giúp bạn ấy lựa chọn con đường phù hợp nhất trong hoàn cảnh này. Vì thường thì cha mẹ sẽ la mắng, bạn bè dè bỉu... dễ khiến bạn ấy có hành động dại dột” - Huyền nói.

Và để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra trong quan hệ với người khác giới. Bạn Nguyễn Nhân Hòa - trường THPT Lê Quý Đôn cho rằng: “Tuổi trẻ rất cần những thông tin chính thống về kiến thức sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên, cũng như muốn được chia sẻ những vấn đề tâm sinh lý của tuổi mới lớn. Vì trên thực tế, mình cũng như các bạn cùng lứa không dám hỏi ba mẹ mà chỉ tìm hiểu thông tin trên mạng, hoặc nói cho nhau nghe, mà điều đó nhiều khi không đúng, lại dễ làm cho tuổi mới lớn tò mò, có khi phạm những sai lầm đáng tiếc”.

Đến với hội thi, các bạn trẻ cũng chia sẻ những mong muốn chính đáng, những cảm xúc rất tự nhiên của lứa tuổi. “Cuộc sống không thể thiếu tình yêu. Tuổi nào cũng có những rung động rất riêng. Nhưng cần để tình yêu làm cho nhau tốt đẹp hơn” - Phạm Thị Pha Lê, học sinh lớp 11 trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm bày tỏ quan niệm về tình yêu.

Ở diễn đàn này các bạn trẻ đã chân thành bày tỏ những suy nghĩ của bản thân cũng như bạn bè trang lứa. Chính vì thế, những chia sẻ của các bạn được đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên đến với hội thi chăm chú lắng nghe, vỗ tay hưởng ứng. Không khí đó cho thấy, cách thức này đã đem lại hiệu quả tuyên truyền cao.

THANH XUÂN

THANH XUÂN