Sự sống của sách
Mỗi cuốn sách có một đời sống riêng. Và những cuốn sách giáo khoa cũ thật đáng yêu biết mấy, khi có những người biết trân trọng, vuốt phẳng phiu đến từng gáy sách…
Chị Trần Thị Kim Thúy ở tiệm sách của mình. |
Ngày hè, chúng tôi tìm đến tiệm sách chị Trần Thị Kim Thúy (phường Trường Xuân, Tam Kỳ). Không khí ở đây thật náo nhiệt khi các em học sinh chộn rộn tìm cho mình quyển sách giáo khoa còn thiếu cho năm học mới. Cùng với tiệm sách cũ của anh Nguyễn Tấn Phẩm (đường Trần Cao Vân, Tam Kỳ), tiệm sách chị Trần Thị Kim Thúy là địa chỉ được những bậc phụ huynh và các em học sinh thường hay tìm đến.
San sẻ tri thức
Hơn 10 năm nay, tiệm sách chị Trần Thị Kim Thúy luôn nhộn nhịp người vào - ra. Ở không gian ấy, lối đi chỉ vừa đủ cho hai người qua nhau, còn lại là các kệ với cơ man sách giáo khoa các cấp. “Khoảng thời gian tiệm sách đông khách nhất là mùa hè, đặc biệt là thời điểm kết thúc năm học và chuẩn bị vào năm học mới. Từ đầu hè đến giờ, ngày nào tiệm sách cũng có phụ huynh dắt con ôm sách đến, hay một nhóm bạn rủ nhau khệ nệ ôm sách cùng vào, nhìn dễ thương chi lạ” - chị Thúy chia sẻ. Có lẽ vì những hình ảnh đẹp vậy mà chị vẫn duy trì tiệm sách hơn 10 năm nay. Với những người mà một bộ sách giáo khoa mới trị giá được đắn đo tính bằng mấy chục ký lúa, mới biết những cuốn sách cũ thật đáng quý chừng nào. Chị Thúy kể, có nhiều bà mẹ dắt con đến đổi sách, ngay lúc cầm trên tay bộ sách dành cho con bước vào năm học mới, vẫn không tin được chỉ với gần 50 nghìn đồng con của họ đã có bộ sách giáo khoa để đến trường như chúng bạn. “Các bà mẹ khi nhận sách đổi căn dặn con kỹ lưỡng lắm. Khuyên bảo con gắng giữ cho kỹ để năm sau còn đổi sách tiếp mà học. Có nhiều em giờ ra trường đi làm rồi, lâu lâu đến tiệm sách mình, nói ngày xưa không có tiệm sách của cô chắc giờ con không được vậy. Mình nghe mà vui chi lạ!” - chị Thúy kể.
Học sinh tìm chọn sách giáo khoa trong tiệm sách Kim Thúy. Ảnh: S.ANH |
Hầu như các bậc phụ huynh, học sinh ở Trường Xuân và những vùng lân cận đều biết tới tiệm sách chị Thúy. Từ những bà mẹ buôn gánh bán bưng, những ông bố quanh năm chỉ biết ruộng đồng đến thầy cô các trường, dường như ai cũng đã từng một lần tìm đến với hiệu sách của chị. Quy cách đổi sách dựa trên sự thỏa thuận mức giá cho từng bản sách cũ. Tùy theo độ cũ - mới của sách mà định ra một giá cả phù hợp. Thường mỗi bộ sách cũ, chị Thúy chỉ lấy lợi nhuận khoảng 5% so với giá đã mua. Xem qua vài bộ sách, từ lớp 1 đến lớp 12, mỗi quyển được bọc giấy gương kỹ càng, xếp theo bộ, mới thấy hết ý thức giữ gìn sách của các em học sinh vùng khó khăn. Cả những cuốn sách tham khảo, nâng cao và luyện thi đại học, tiệm sách chị không hề thiếu. Có nhiều học sinh khi thi đại học xong, ôm luôn cả chồng sách luyện thi của mình “gửi nhờ” tiệm sách Kim Thúy. Và những cuốn sách quý giá này lại đến tay những em học sinh cuối cấp không đủ điều kiện để học thêm, mua sách tham khảo, luyện thi.
Tiệm sách của anh Nguyễn Tấn Phẩm cũng vậy, chất chồng những bộ sách giáo khoa của đủ mọi cấp học. Mỗi năm học kết thúc, lượng sách cũng trở nên dày dặn hơn. Khi năm học mới bắt đầu, lượng sách vơi đi, cũng là lúc anh Nguyễn Tấn Phẩm có điều kiện rong ruổi khắp các ngõ ngách để “lùng sục” những cuốn sách cũ, quý giá. Các bạn trẻ ham đọc sách ở Tam Kỳ vẫn hay rỉ tai nhau về ông chủ cửa hàng sách trẻ tuổi và niềm đam mê kỳ lạ với sách của con người này.
Văn hóa đổi sách
Không chỉ xuất phát từ nhu cầu, có rất nhiều tấm lòng hào hiệp dành cho sách. Nhiều bạn đọc tự nguyện mang sách đến góp với các tiệm, những mong kiến thức được sẻ chia. Thử đảo một vòng quanh Tam Kỳ, dường như ngoài những nhà sách lớn với mục đích kinh doanh sách, rất ít những tiệm sách tư nhân tồn tại. Lợi nhuận từ sách không nhiều nên đa số những hiệu sách nhỏ chuyển sang kinh doanh hàng lưu niệm và các mặt hàng văn phòng phẩm… Việc vẫn còn những hiệu sách cũ hoạt động độc lập tại một thị trường nhỏ lẻ như Tam Kỳ là điều rất đáng quý. Hiện nay, cộng đồng mạng có khá nhiều chương trình quyên góp, đổi sách để gửi đến cho các em thiếu nhi ở vùng cao, vùng sâu vùng xa... nhận được sự ủng hộ của cộng đồng.
Thực tế đời sống của sách rất dài, nếu mỗi người tự nuôi trong mình một ý thức về văn hóa đọc và gìn giữ sách. Thêm nữa, nếu những cuốn sách được sẻ chia, việc duy trì sự “sống” của nó là điều nằm trong tầm tay người đọc. Sách cũ nhưng giá trị không hề cũ, những bản sách luôn hữu ích cho cộng đồng. Em Nguyễn Hoàng Thảo (học sinh trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, Tam Kỳ) chia sẻ, nhờ 2 tiệm sách cũ này mà em tìm được những cuốn sách nâng cao, tham khảo rất hay phục vụ cho việc học của mình, giá cả lại phù hợp với túi tiền ba mẹ. Hoạt động trao đổi sách cũ mang lại những giá trị to lớn về mặt tinh thần, khơi dậy những khả năng tiếp nhận tri thức trong nhiều thế hệ. Những con người lặng thầm như chị Thúy, anh Phẩm với nỗ lực mang sách đến những học sinh có điều kiện khó khăn… thật sự là những công việc đáng quý!
SONG ANH