Cộng đồng hưởng ứng

MINH ĐỨC 09/07/2013 08:08

Xây đập trên sông để ngăn mặn – chuyện có vẻ “ngoài sức tưởng tượng” đối với người dân sống ven sông Vĩnh Điện (Điện Bàn). Thế nhưng con đập này cũng được triển khai xây dựng trên sông Vĩnh Điện vào đầu tháng trước trong bối cảnh mặn liên tục xâm nhập khiến ruộng đồng khô khốc, đất đai nứt toát và nông dân đang lo lắng cho vụ mùa trễ nải. Đây có thể được xem là sự kiện lịch sử đối với người dân địa phương bởi là cách giải cứu duy nhất cho những ruộng lúa thường xuyên thiếu hụt nguồn nước ngọt vào mùa khô khiến vụ mùa thất bát trong những năm qua; và bởi đây cũng là dịp để người dân có thêm niềm tin rằng từ bàn tay của chính mình có thể cải thiện điều kiện tự nhiên khắc nghiệt để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Có lẽ chính vì thế mà không khí đắp đập ngăn sông vừa qua rất sôi nổi, kẻ bưng người kéo khí thế bừng bừng trong cái nắng đổ lửa ập trên mặt sông...

Chuyện đắp đập ngăn sông để cải thiện điều kiện sinh kế như ở Vĩnh Điện rồi đây sẽ được triển khai ở nhiều nơi bởi đó là nhu cầu bức thiết trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng rõ nét. Theo kế hoạch chương trình hành động của tỉnh nhằm ứng phó với BĐKH,  giai đoạn 2013 - 2015 Quảng Nam đưa ra 27 chương trình hành động, dự án ưu tiên ứng phó với BĐKH và nước biển dâng; giai đoạn 2015 - 2030 có 38 chương trình, dự án. Quảng Nam xác định tiếp tục xây dựng mô hình thí điểm tại các vùng thường xuyên bị bão lũ do tác động của BĐKH có nơi tránh trú bão an toàn trong mùa mưa bão; giải quyết tình trạng xâm nhập mặn, củng cố hệ thống kênh mương thủy lợi, trạm bơm… với tổng kinh phí ước tính hơn 95 tỷ đồng. So với các công trình, dự án sẽ được triển khai nhằm kịp thời ứng phó với BĐKH, nguồn kinh phí này có lẽ quá ít ỏi. Vì vậy, để đảm bảo các mục tiêu ứng phó với BĐKH đặt ra, nhiều người cho rằng các hành động phải hợp lý, hiệu quả, chống thất thoát nguồn vốn…     

Người dân đã ý thức được thời tiết giờ đây không còn “thuận” như tính toán của họ nữa. Tuy không ít người vẫn chưa “nhận thức sâu sắc” về tác động của BĐKH nhưng chuyện hành động để ứng phó của người dân dường như đã mạnh mẽ hơn từ nhu cầu thực tế và những biểu hiện rõ nét về sự khắc nghiệt của tự nhiên. Đây là điều kiện thuận lợi để cơ quan chức năng có thêm “nguồn lực” cùng ứng phó với BĐKH, vấn đề còn lại là triển khai những hoạt động hợp lý, đúng lúc… để khơi dậy sự hưởng ứng của cộng đồng!

MINH ĐỨC

MINH ĐỨC