Quy hoạch phát triển và bảo vệ rừng giai đoạn 2011-2020: Nâng cao chất lượng rừng

TRẦN HỮU 05/07/2013 08:51

Đất lâm nghiệp màu mỡ, độ che phủ rừng khá cao so với cả nước nhưng kinh tế rừng của tỉnh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Trong khi đó, công tác quy hoạch (QH) 3 loại rừng, quản lý sử dụng đất rừng bộc lộ nhiều bất cập…

Rừng cần có chủ

Thời gian qua, công tác QH phát triển và bảo vệ rừng (BVR) trên địa bàn tỉnh đã gặt hái được nhiều kết quả. Giai đoạn 1999-2010, UBND tỉnh phê duyệt dự án trồng mới 5 triệu héc ta rừng; kết quả rà soát, QH lại 3 loại rừng năm 2007 và thực hiện các chương trình, dự án phát triển ngành lâm nghiêp nâng cao độ che phủ rừng mỗi năm tăng từ 0,7 - 0,8%. Theo QH phát triển và BVR giai đoạn 2011-2020, đất có rừng của tỉnh hơn 467.263ha. Trong đó, rừng đặc dụng 105.659ha, rừng phòng hộ chiếm 235.016ha và rừng sản xuất chiếm hơn 126.587ha. Đất chưa có rừng chiếm 206.698ha. So với QH 3 loại rừng năm 2007, QH đất lâm nghiệp giảm 3.820ha. Nguyên nhân giảm diện tích là do ngập các lòng hồ thủy điện A Vương, Sông Tranh 2, Đắc Mi, đầu tư lĩnh vực khai khoáng ở miền núi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, điều chỉnh địa giới hành chính… Hiện, trên địa bàn có 7 ban quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ nhưng chưa thực hiện việc giao rừng và đất lâm nghiệp. Trong khi đó, các địa phương đã giao 164.506ha cho cộng đồng dân cư và 63.279ha cho hộ gia đình, cá nhân.

Thị trường tiêu thụ gỗ nguyên liệu khá ổn định nên người dân an tâm phát triển rừng trồng. Ảnh: T.H
Thị trường tiêu thụ gỗ nguyên liệu khá ổn định nên người dân an tâm phát triển rừng trồng. Ảnh: T.H

Mô hình quản lý, sử dụng rừng hiện nay là các ban quản lý rừng, doanh nghiệp nhà nước, xí nghiệp liên doanh, công ty cổ phần, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, lực lượng vũ trang và chính quyền cấp xã. Lực lượng làm chủ rừng khá đông đủ nhưng rừng vẫn bị tàn phá, vì sao? Ngành kiểm lâm lý giải, diện tích đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý rất lớn (gần 40% diện tích), các ban quản lý rừng chưa giao rừng và đất. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm, cán bộ lâm nghiệp quá mỏng, chế độ ưu đãi còn hạn chế… khó có thể đáp ứng nhiệm vụ giữ rừng lâu dài. Do vậy, theo QH, công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất lâm nghiệp, có quyền sử dụng đất hợp pháp để quản lý, sử dụng hiệu quả. Hồ sơ quản lý rừng phải cụ thể đến từng khoảnh, tiểu khu rừng và “khớp” với thực địa. Các chủ rừng có diện tích 1.000ha trở lên phải có lực lượng BVR chuyên trách, được hỗ trợ công cụ thiết yếu khi thừa hành nhiệm vụ. Với các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng có 15.000ha trở lên, cần thành lập các hạt kiểm lâm trực thuộc để có lực lượng giữ rừng. Các chủ rừng cùng chia sẻ trách nhiệm quản lý, BVR, cùng hưởng lợi… Những chính sách phát triển rừng cần thực thi đồng bộ, tiền giao khoán rừng cho đồng bào chăm sóc tại 3 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/NQ-CP với mức 200 nghìn đồng/ha/năm cần ổn định.

Nâng cao giá trị rừng

Các địa phương lúng túng tìm đất trồng rừng
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, thực tế công tác quản lý và tổ chức trồng rừng thời gian qua còn nhiều vướng mắc. Việc sản xuất lâm nghiệp mới chỉ dựa vào quy hoạch 3 loại rừng chứ chưa xác định nhiệm vụ, mục tiêu phát triển và BVR cụ thể. Hầu hết các dự án sau khi được giao kế hoạch thì mới đi tìm đất để trồng rừng, khoanh nuôi rừng. Các dự án trồng cây cao su rất lúng túng trong khâu tìm đất sản xuất.

Rừng đã giúp cho nhiều người dân miền núi xóa đói giảm nghèo, sớm ổn định đời sống. Ngành chế biến nguyên liệu gỗ và thủ công mỹ nghệ gỗ phát triển cũng giúp cho kinh tế rừng có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Thống kê cho thấy, riêng chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đã có gần 4.000 cơ sở, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Hiện có 3 đơn vị tham gia sản xuất dăm gỗ với công suất thiết kế đạt hơn 1,2 triệu tấn dăm tươi, cùng với 12 nhà máy chế biến gỗ lớn ở các tỉnh lân cận sẽ là nơi tiêu thụ sản phẩm rừng trồng.

Theo quy hoạch phát triển và BVR giai đoạn 2011-2020, trong các giải pháp nâng cao chất lượng rừng trồng có sự điều chỉnh trong tổ chức quản lý, sản xuất. Đặc biệt, khoanh vùng nhân rộng mô hình trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế. Dự kiến đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 10.000ha rừng sản xuất (chiếm 8%) sẽ được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Trong đó, giai đoạn 2011-2015, lập thủ tục cấp chứng chỉ thí điểm cho 130ha rừng trồng của nhóm nông dân trên địa bàn huyện Hiệp Đức. Giai đoạn 2016-2020, tiếp tục cấp chứng chỉ rừng cho 8.500ha. Theo ngành lâm nghiệp, vì hạn chế về nhiều nguồn lực nên mức đầu tư cho phát triển lâm nghiệp còn khiêm tốn. Độ che phủ rừng của tỉnh khá cao song chất lượng của rừng còn thấp. Trong khi đó, cộng đồng đồng dân cư ven rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đa số có đời sống khó khăn sống dựa vào rừng nên sản xuất và khai thác cũng rất tự phát. Do vậy, để lấy rừng nuôi rừng, các địa phương miền núi đề nghị cần thiết phải xây dựng cơ chế cho các thành phần kinh tế tham gia sản xuất lâm nghiệp được tiếp cận vay vốn ưu đãi, dài hạn phù hợp với thời gian sản xuất, kinh doanh cây trồng. Cùng với đó là ban hành chính sách đầu tư hợp lý, hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật cho người dân trồng rừng quy mô nhỏ…

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU