“Trẻ hóa” bệnh nhân thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là một loại bệnh khá thường gặp, có thể để lại nhiều hậu quả, ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như sinh hoạt của người bệnh. Ngày càng nhiều bệnh nhân ở tuổi thanh niên, trung niên mắc phải chứng bệnh khó chịu này.
“Hội” những người bị thoát vị đĩa đệm
Là một bệnh khá phổ biến, đau cột sống và đau rễ thần kinh là các triệu chứng nổi bật nhất của bệnh thoát vị đĩa đệm. Cơn đau thường tái phát nhiều lần, có khi đau âm ỉ nhưng thường đau dữ dội, đau tăng khi ho, hắt hơi, cúi, tê cóng. Dần dần, đau trở nên thường xuyên, kéo dài hằng tháng nếu không được điều trị. Thoát vị đĩa đệm thường có 2 vị trí: đốt sống cổ hoặc đốt sống lưng, nếu không xác định đúng và điều trị theo phương pháp hợp lý rất dễ dẫn đến tàn phế. Tại Việt Nam, có tới 30% dân số bị chứng đau hông, đau cổ, đau lưng do thoát vị đĩa đệm gây nên. 17% số người trên 60% bị thoát vị đĩa đệm và ngày càng trẻ hóa.
Một ca mổ thoát vị đĩa đệm. |
Trên một số trang mạng xã hội hiện nay, các bệnh nhân mắc phải triệu chứng này cũng đã lập ra “Hội những người bị thoát vị đĩa đệm” để chia sẻ các phương pháp điều trị từ kinh nghiệm bản thân. Theo nhóm này, phần lớn các lứa tuổi lại rơi vào độ từ 30 đến 45 tuổi. Có người đã chia sẻ: Mình bị thoát vị đĩa đệm 5mm: triệu chứng đau nhức chân phải khi ngồi làm việc khoảng một giờ. Bác sĩ chấn thương chỉnh hình bảo phải mổ nếu uống thuốc 2 tuần không hết. Rất nhiều các trường hợp bị thoát vị đĩa đệm nhưng do chủ quan không theo đúng hướng dẫn của bác sĩ đã phải chịu đau đớn trong một thời gian rất dài và buộc phải làm phẫu thuật. Bác sĩ Phạm Ngọc Ẩn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết: “Đây là một loại bệnh phải tuân thủ nghiêm túc theo đúng phác đồ điều trị khi phát hiện bệnh. Trong tất cả các bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm, rất hiếm bệnh nhân buộc phải phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu bỏ cuộc giữa chừng khi thực hành vật lý trị liệu, rất khó để có thể điều trị về sau”.
Hình ảnh miêu tả thoát vị đĩa đệm. |
Bác sĩ Ẩn cũng cho biết, tùy theo vị trí đĩa đệm thoát vị có thể có các triệu chứng đặc trưng. Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ sẽ gây đau cột sống cổ, đau vai gáy, đau cánh tay, tê tay, teo cơ, đau đầu, hoa mắt... Nếu thoát vị đĩa đệm cột sống lưng sẽ có triệu chứng đau thần kinh liên sườn, đau lưng, đau tê chân, đùi, đau thần kinh tọa, chân tê bì, đi lại vận động khó khăn, thậm chí teo cơ. Khả năng vận động của bệnh nhân bị giảm sút rõ rệt. Bệnh nhân rất khó thực hiện các động tác cột sống như cúi ngửa, nghiêng xoay. Khi rễ thần kinh bị tổn thương thì bệnh nhân khó vận động các chi.
Điều trị và cách phòng tránh
Có rất nhiều nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm, nhưng chủ yếu là do sai tư thế khi lao động, làm việc, vận động quá sức. Tuổi tác và các bệnh lý cột sống bẩm sinh hay mắc phải như gai đôi cột sống, gù vẹo, thoái hóa cột sống cũng là các yếu tố thuận lợi để gây bệnh… Thoát vị đĩa đệm có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng và gây biến chứng cho người bệnh. Không chỉ ở lưng và cổ, rễ thần kinh cũng có thể bị tổn thương hoặc hội chứng đau khập khễnh cách hồi. Đây là một dạng đau rễ thần kinh ngắt quãng, nó xuất hiện khi đi được một đoạn làm bệnh nhân phải dừng lại để nghỉ. Khi đi tiếp một đoạn nữa, đau lại xuất hiện, buộc bệnh nhân phải nằm nghỉ…
Hội chứng đuôi ngựa với biểu hiện gồm đau một cách dữ dội, người bệnh không thể chịu nổi, đòi hỏi cấp cứu về thần kinh. Đau lại kèm theo liệt cơ, mất cảm giác, rối loạn cảm giác. Trường hợp chứng đuôi ngựa dưới có thể rối loạn cơ thắt kiểu ngoại vi, rối loạn cảm giác vùng đáy chậu, không có liệt hoặc chỉ liệt một số động tác của bàn chân...
Bác sĩ Ẩn cho biết, để điều trị thoát vị đĩa đệm cần lưu ý đến chế độ vận động. Nếu bị cấp tính, có thể sử dụng phương pháp vật lý trị liệu, như chườm nóng (túi nước, muối rang, cám rang, lá lốt, lá ngải cứu nóng), châm cứu hoặc dùng các loại thuốc chống viêm, giảm đau, giãn cơ, an thần và vitamin nhóm B liều cao. Nếu chứng thoát vị đĩa đệm mạn tính thì cần phẫu thuật can thiệp. Hiện y học tiến bộ, biện pháp phẫu thuật tự động qua da là phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm mới, hiệu quả, an toàn và không để lại biến chứng. Nhưng phần trọng tâm nằm ở phát hiện bệnh. Trong hai tuần đầu, thực hiện vật lý trị liệu, bệnh nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt. Sau đó mới dùng thuốc, kiểm tra hình ảnh MRI và có những bài tập thể dục dành riêng đối với người bị thoát vị đĩa đệm tùy theo cấp độ.
Một biện pháp điều trị quan trọng nữa là thông qua sự can thiệp phẫu thuật. Có đến trên 70% số trường hợp đĩa đệm mất nước và thoát vị mà không cần điều trị. Chỉ định điều trị dựa trên những gì mà khối thoát vị của đĩa đệm gây ra như đau, tê, yếu, liệt, mất chức năng. Để phòng ngừa thoát vị đĩa đệm cần loại bỏ nguyên nhân gây bệnh, trong đó chú ý tư thế hợp lý trong lao động, vận động và hoạt động, đặc biệt là tư thế lao động, tư thế ngồi, mang vác nặng. Khi bê vác vật nặng nên ngồi xuống bê vật rồi từ từ đứng lên, tránh thói quen đứng rồi cúi xuống, nhấc vật nặng lên, tập thể dục đúng cách. “Người bệnh cũng cần chọn cho mình một môn thể thao phù hợp, trong đó bơi lội là tốt nhất đối với những người thoát vị đĩa đệm đã được hướng dẫn điều trị bệnh” - bác sĩ Ẩn cho biết thêm.
ANH TRÂM