Ngôi nhà văn hóa ASEAN

LÊ QUÂN 03/07/2013 08:33

Những nền văn hóa trong khối ASEAN dù có nhiều điểm giao thoa nhưng vẫn giữ cho riêng mình bản sắc. Điều đó đã được minh chứng tại Festival Di sản Quảng Nam vừa diễn ra.
Kiến trúc độc đáo

Mang đến Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V - 2013 dù chỉ với những hình ảnh về các di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận và một số loại hình nghệ thuật diễn xướng truyền thống, nhưng cũng đủ để người dân Việt Nam hình dung được bản sắc của nền văn hóa các nước trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, những vùng chịu ảnh hưởng của Phật giáo chủ yếu như Myanmar, Thái Lan, Campuchia, nền văn hóa mang đậm hơi hướng của tôn giáo này. Từ những công trình kiến trúc nguy nga lộng lẫy đến các di sản văn hóa thế giới, những điệu nhảy truyền thống trong các ngày lễ hội trọng đại của quốc gia… đều mang đậm màu sắc của Phật giáo. Trong “ngôi nhà văn hóa chung” tại Hội An những ngày lễ hội vừa qua, người thưởng ngoạn được chiêm ngưỡng từng di sản văn hóa thế giới của khu vực Đông Nam Á thông qua hình ảnh và những lời giới thiệu cặn kẽ. Ở đây, có thể bắt gặp quần thể kiến trúc Phật giáo Angkor, hình ảnh về đền Preah Vihear (Campuchia), hay ngôi đền di sản Wat Phou (Lào) - được cho là do người Khmer xây dựng từ thế kỷ thứ V, cùng thời gian với Angkor Wat và xấp xỉ niên đại hình thành Mỹ Sơn. Trong quá khứ, ngôi tháp cổ này được sử dụng làm chỗ trú chân cho khách hành hương. Dù chỉ còn là phế tích, nhưng Wat Phou vẫn được công nhận là di sản văn hóa, và những gì còn lại ở hiện tại vẫn có thể thấy được rằng đây là một quần thể kiến trúc tôn giáo quan trọng của đế chế Khmer thời bấy giờ.

Trưng bày giới thiệu các nền văn hóa tại Ngôi nhà văn hóa ASEAN.Ảnh: L.QUÂN
Trưng bày giới thiệu các nền văn hóa tại Ngôi nhà văn hóa ASEAN.Ảnh: L.QUÂN

Không chỉ có Campuchia và Lào mới có nền văn hóa đậm màu sắc Phật giáo, đất nước Myanmar cho thấy các chùa chiền là trung tâm của đời sống văn hóa nơi đây. Ở Myanmar, cung điện đền đài đều dát ánh vàng của Phật giáo tiểu thừa. Một công trình Phật giáo lớn ở miền trung đảo Java - Indonesia, một di sản văn hóa thế giới là Borobudur - chùa thờ Phật trên ngọn núi cũng thu hút nhiều sự quan tâm của công chúng vì kiến trúc độc đáo của nó. Dù là ngôi đền mới được phục chế dựa trên ấn bản của ngôi đền cổ, vẫn thể hiện được dáng dấp của mình và một trong những kỳ quan nổi tiếng của châu Á. Rất nhiều những quần thể kiến trúc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới nằm ở khu vực Đông Nam Á được “trình diễn” bằng hình ảnh để giới thiệu với đông đảo người dân Việt Nam. Cuộc trưng bày “Không gian di sản văn hóa Việt Nam - ASEAN” nằm trong khuôn khổ festival tuy chỉ diễn ra ngắn ngủi trong vòng 6 ngày nhưng cũng đủ để người dân Quảng Nam nói riêng và du khách thập phương có những kiến thức cơ bản về các di sản văn hóa thế giới cùng những giá trị độc đáo của nó tại khu vực Đông Nam Á. Biết để tự hào và cùng nhau gìn giữ “Di sản chung của chúng ta” như UNESCO đã khuyến nghị.

Hội tụ nghệ thuật trình diễn

Mang đến Hội An những biểu hiện văn hóa đặc trưng không chỉ có hình ảnh về các quần thể kiến trúc mà còn là sự tổng hòa các loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian đặc sắc của các nước khu vực Đông Nam Á. Từ điệu múa truyền thống Fao Lau và Lam Tang Wai (Lào) đến Apsara và Sbekthom (Campuchia), hay điệu múa tổng hòa văn hóa đặc trưng của 4 vùng miền từ đất nước Philippines… đã thực sự làm mãn nhãn người dân xứ Quảng và du khách. Những nền tảng văn hóa đặc trưng được mang lên sân khấu, trong tiếng nhạc truyền thống không pha lẫn vào đâu được, các đoàn nghệ thuật đã cùng nhau làm nên những hình thái văn hóa đặc sắc và ấn tượng. Điệu múa Mengadap Rebab của Malaysia được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đã truyền tải được linh hồn của người dân vùng đất Hồi giáo.

Tiết mục biểu diễn của đoàn nghệ thuật Malaysia.
Tiết mục biểu diễn của đoàn nghệ thuật Malaysia.

Chị Trần Vịnh Giang - du khách đến từ Hà Nội tham quan “ngôi nhà văn hóa chung” nhận xét: “Mỗi quốc gia khu vực Đông Nam Á đến với lễ hội đều mang theo giới thiệu một loại hình nghệ thuật đặc sắc của mình. Nghệ thuật truyền thống của họ đẹp từ trang phục, vũ điệu đến âm nhạc. Chỉ có điều họ không đa dạng, phong phú nghệ thuật văn hóa các vùng miền như Việt Nam mình. Có lẽ do các nước khu biệt trong không gian văn hóa chung chứ không trải dài từ bắc chí nam như không gian Việt. Ngoài ngôi nhà chung, nếu mỗi quốc gia có thêm một không gian riêng, chắc chắn chúng ta sẽ còn được biết thêm nhiều loại hình nghệ thuật văn hóa đặc sắc của các nước”. Dù vậy, sự hội tụ này cũng đã là thành công lớn của nhà tổ chức lễ hội. Những loại hình diễn xướng của các nước có thể biểu diễn ở bất cứ góc phố, con đường nào chứ không cần phải trên sân khấu. Ông ChenJiong Shun - đoàn nghệ thuật Singapore chia sẻ, nghệ thuật trình tấu âm nhạc của Singapore hay những loại hình diễn xướng truyền thống của các quốc gia Đông Nam Á, rất cần sự tham gia của số đông. “Không có sự cuồng nhiệt cổ vũ của khán giả, hay sự tham gia nhiệt tình vào những lễ hội đường phố, thì nghệ thuật sẽ không thể vững bền” - ông Chenjiong Shun nói. Từ điệu Behinekadance đậm sắc dân gian vùng đảo của Indonesia đến điệu Rammora của Thái Lan, mỗi một vũ điệu là sự gợi nhắc về những miền văn hóa đầy huyền hoặc của những xứ sở xinh đẹp. Các quốc gia trong khối ASEAN với những màu sắc văn hóa khác nhau đã dệt nên một “ngôi nhà văn hóa phương Đông” đầy ấn tượng và lưu lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người.

Mùa lễ hội khép lại nhưng những thông điệp văn hóa và sự gìn giữ, trân trọng nó vẫn còn đọng lại với nhiều người.

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN