Muốn bền phải vững từ gốc

MINH KIỆT 22/06/2013 12:34

Du lịch bền vững không chỉ là sự quan tâm của lãnh đạo chính quyền, người dân Quảng Nam mà có là sự kỳ vọng nhiều trăn trở của những doanh nghiệp gốc Quảng đang sống trên mọi miền đất nước. Bên cạnh những sẻ chia, đóng góp ý tưởng cho du lịch tỉnh nhà, phần lớn các doanh nghiệp đều khẳng định: Du lịch Quảng Nam muốn bền phải vững từ gốc…

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Phước - người gốc Điện Bàn - hiện đang làm việc cho tổ chức phi chính phủ tại Hà Nội: “Phải xem du lịch sinh thái là lợi thế”.

Điều mà những doanh nghiệp du lịch nước ngoài nói với tôi khi về thăm Quảng Nam đó chính là “một vùng đất tuyệt vời và du lịch sinh thái là cơ hội tiên quyết để phát triển du lịch bền vững”. Dĩ nhiên, những khu du lịch sinh thái đang được mở ra khắp tỉnh cũng cho thấy được con người ta đã nhìn thấy được tính khả thi của nó. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng đây là một sự bộc phát, hoặc phần lớn sự đầu tư vào các khu du lịch sinh thái ở đây đang ở trong tình trạng nửa vời, không có sự quy hoạch hoặc định hướng cụ thể. Địa phương giao cho doanh nghiệp khai thác và quản lý nhưng hiệu quả đem lại dường như rất ít. Đơn cử như Khu du lịch sinh thái Suối Mát ở Quế Sơn, Khu du lịch sinh thái thủy điện Duy Sơn 2, Khu du lịch sinh thái Bồ Bồ… Du lịch sinh thái, bản chất của nó là phải giữ nguyên hiện trạng những gì thuộc về thiên nhiên và con người chỉ được phép đưa vào đó những dịch vụ hợp lý để phục vụ khách đến nghỉ ngơi, vui chơi. Nói thì nghe đơn giản, nhưng phần lớn các khu du lịch sinh thái đã khai thác quá mức hiện trạng thiên nhiên và những dịch vụ ở đó chỉ là sự tự phát của một số gia đình… Quảng Nam có tiềm năng nhưng chưa thể khai thác hiệu quả. Sẽ là không muộn nếu ngay từ bây giờ, địa phương có sự kêu gọi hợp tác với các doanh nghiệp về du lịch sinh thái. Nên có một cuộc kêu gọi đầu tư và trình bày ý tưởng của các doanh nghiệp có ý định về đầu tư phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt nên ưu tiên những doanh nghiệp gốc Quảng, vì còn ai hiểu quê hương hơn họ!

Ông Văn Hồng Hải - Chủ cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Signature Crafts & Arts: “Quà lưu niệm truyền thống nhưng phải hợp thời!

Có thể nói rằng, nhắc đến quà lưu niệm của Quảng Nam, người ta nói ngay đến đèn lồng, chứ cũng khó có thể nói đến một món quà nào khác, mặc dù là ở Hội An hiện tại đang bán rất nhiều quà lưu niệm, nhưng đó không phải là đặc trưng Quảng Nam và những món quà này có thể mua được ở bất cứ điểm du lịch nào. Phát triển du lịch bền vững là điều tôi và nhiều cộng sự đang theo đuổi, một món quà lưu niệm có nguyên vật liệu được lấy từ Quảng Nam, do chính bàn tay của người Quảng làm… sẽ đem lại cho du khách nhiều cảm nhận hơn. Đó là chuỗi phát triển bền vững cho du lịch, vì xu hướng du lịch cộng đồng cũng đang được địa phương định hướng. Hằng năm, Hội An vẫn tổ chức những cuộc thi nhằm tìm ra những quà lưu niệm mới. Tuy nhiên nhìn qua nhìn lại vẫn không thấy có gì đổi mới ngoài sự thay đổi chút xíu của đèn lồng. Ở các nước phát triển về du lịch, quà lưu niệm là thứ khiến khách phải bỏ tiền ra nhiều chỉ đứng sau các dịch vụ của khách sạn, thế nhưng ở ta thì số tiền khách bỏ ra quá ít cho quà lưu niệm. Vì mắc quá? Vì quà không đặc biệt? Theo tôi được biết, thì dù là khách Việt hay khách nước ngoài thì dường như ai cũng thích mua một món đồ thủ công về làm quà hơn là những quà được làm công nghiệp. Thủ công có nghĩa là mang tính truyền thống, nhưng ít ra phải linh hoạt làm sao cho món quà đó nó hợp thời và tính năng sử dụng phải được chú trọng. Quà lưu niệm phải đi vào cuộc sống thì khả năng quảng bá hình ảnh của điểm du lịch đó mới được phát huy. Du lịch cộng đồng… mục đích cuối cùng là phát triển du lịch bền vững, du khách sẽ thấy thật tuyệt vời khi được giới thiệu một chiếc nón cói làm từ cói Cẩm Kim, một túi xách được làm từ lá dừa Cẩm Thanh…

Tiến sĩ Trần Anh Tuấn - Việt kiều Pháp: “Người Quảng là yếu tố quan trọng làm nên tính bền vững cho du lịch Quảng

Nhiều du khách đến với Quảng Nam, trước khi ra về đều nói rằng họ thực sự ấn tượng với sự hồn hậu, gần gũi của người Quảng. Họ cảm thấy như đang ở ngay trong nhà mình bởi những tình cảm rất tự nhiên từ người bán hàng đến người phục vụ khách sạn.

Thương mại hóa rất dễ tác động đến con người địa phương, tuy nhiên đáng mừng là người Quảng mình không bị tác động. Nhiều lần về thăm nhà, tôi đều dẫn theo một số bạn bè bên Pháp, có những người làm cho nhiều tập đoàn du lịch lớn của thế giới thì phần lớn họ đều rất thích Quảng Nam. Có nhiều người còn có ý định về Quảng Nam đầu tư, phát triển du lịch và họ đặc biệt thích du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng hiện tại có quá ít những thông tin về thu hút đầu tư của tỉnh, địa phương hoặc vẫn chưa có những cơ chế rõ ràng để doanh nghiệp có thể nắm bắt và biết được mình nên bắt đầu từ đâu. Sự quảng bá hình ảnh du lịch vẫn còn mang tính địa phương và phạm vi nhỏ hẹp. Ngay cả bản thân mình, tôi cũng có nhiều dự định về đầu tư phát triển du lịch tại quê hương và tôi mong muốn sẽ nhận được nhiều thông tin hơn nữa từ phía chính quyền địa phương. Nếu được, tôi sẽ kết nối nhiều hơn nữa với bà con kiều bào ở nước ngoài để có thể đem đến cho quê nhà những chương trình hỗ trợ tốt nhất trong việc phát triển du lịch bền vững.

MINH KIỆT

MINH KIỆT