10 năm Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về kinh tế tập thể: Chuyển biến tích cực
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), nền kinh tế tập thể của tỉnh đã có chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển.
Sau 10 năm thực hiện NQ TW5, nền kinh tế tập thể tỉnh có bước tiến bộ rõ rệt. TRONG ẢNH: Nhiều xã viên có việc làm ổn định tại các HTX sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Ảnh: N.D |
Khởi sắc
Để đánh giá một cách toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (NQ TW5) về tình hình kinh tế tập thể trên toàn quốc, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành trên cả nước. Theo ông Nguyễn Thanh Tài - Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh, sau 10 năm thực hiện NQ TW5, nền kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực cả về chất lẫn về lượng. Các loại hình kinh tế hợp tác, HTX ngày càng đa dạng, từng bước đổi mới hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Từ khi bắt đầu thực hiện NQ TW5 đến nay, trên toàn tỉnh có 70 HTX được thành lập mới, 63 HTX hoạt động yếu kém đã tiến hành giải thể, 109 HTX chuyển đổi hoạt động theo luật HTX mới… Với cơ chế, chính sách được hỗ trợ, các HTX đã từng bước khắc phục tình trạng thua lỗ kéo dài, đổi mới quan hệ quản lý, từ đó nhiều HTX đã thể hiện được vai trò “bà đỡ” của mình, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Hiện nay, toàn tỉnh có 179 HTX và trên 3 nghìn tổ hợp tác đang hoạt động trên các ngành, lĩnh vực, thu hút hơn 161 nghìn xã viên, 230 nghìn hộ tham gia, giải quyết cho gần 25 nghìn lao động có việc làm thường xuyên. Đó là một dấu hiệu chuyển biến rất tích cực cho nền kinh tế tập thể hiện nay.
Theo ông Nguyễn Văn Gặp - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, tình hình kinh tế HTX trên địa bàn, đặc biệt là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp sau 10 năm thực hiện NQ TW5 đã có sự tiến bộ rõ rệt. Nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu sản xuất, tổ chức các hoạt động kinh doanh có hiệu quả như HTX Nông nghiệp Điện Quang, HTX Điện Phước, HTX Duy Thành… Sau 10 năm thực hiện NQ TW5, tổng doanh thu của khu vực HTX nông nghiệp là 1.512 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 64,8 tỷ đồng.
Hỗ trợ phát triển HTX
Theo Liên minh HTX Quảng Nam, một trong những vấn đề cấp bách cần được giải quyết hiện nay chính là việc đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, nhân lực đối với kinh tế tập thể. Một khi đội ngũ cán bộ vững mạnh, đủ sự nhạy bén để nắm bắt tình hình kinh tế thị trường, đổi mới phương thức quản lý, hoạt động của HTX thì mới có thể làm cho kinh tế hợp tác phát triển bền vững. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh đã ban hành một số cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác. Bên cạnh cơ chế hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ HTX. Riêng cán bộ quản lý và dạy nghề ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số được hỗ trợ 100%. Trong 10 năm qua, các cơ sở dạy nghề của tỉnh đã tổ chức được hơn 300 lớp dạy nghề cho gần 10 ngàn lượt người là xã viên và người lao động trong các tổ hợp tác, HTX…
Ông Nguyễn Thanh Tài cho biết, thời gian tới, để phát triển một cách toàn diện nền kinh tế tập thể, cần phải có sự sâu sát, đổi mới trong tư duy, định hướng đúng đắn để HTX hoạt động đúng bản chất; tăng cường, phát huy vai trò của HTX trong việc phát triển kinh tế, nhất là trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, cần để HTX tham gia nhiều hơn các chương trình kinh tế xã hội của địa phương. Đồng thời chú trọng phát triển HTX ở các ngành nghề khác chứ không riêng gì HTX nông nghiệp.
NGUYỄN DƯƠNG