Các chương trình mục tiêu quốc gia ở miền núi: Tạo diện mạo mới cho vùng cao
Những năm qua, các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai, lồng ghép cùng nhiều chương trình, dự án khác đã góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển dân sinh, từng bước mang lại diện mạo mới cho vùng cao.
Diện mạo miền núi thay đổi đáng kể nhờ các chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: PHƯƠNG GIANG |
Thúc đẩy giảm nghèo
Giai đoạn 2006 - 2012, tổng nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cho huyện Đông Giang là 175,297 tỷ đồng. Đối với một huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Đông Giang, đó chưa phải là số tiền lớn, nhưng hiệu quả từ các chương trình đã thể hiện khá rõ trong việc giảm nghèo, giải quyết việc làm, cải thiện các điều kiện cơ sở hạ tầng, dân sinh… Theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người/năm ở Đông Giang năm 2006 là 3,16 triệu đồng, đến năm 2012 đã tăng lên 7,63 triệu đồng. Năm 2012, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 47,95%, giảm hơn 10% so với năm 2010 theo chuẩn nghèo mới, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,75%. Giáo dục, y tế, cũng có những kết quả đáng mừng. Theo ông Đỗ Tài - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, sự kết nối trong việc triển khai các chương trình, dự án, trong đó có các chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn miền núi, tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, là yếu tố tiên quyết trong việc thúc đẩy sự phát triển của huyện Đông Giang nói riêng, các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh nói chung.
Đóng góp từ các chương trình mục tiêu quốc gia ở miền núi trong giai đoạn 2006 - 2012, nhìn từ Đông Giang, mở ra tín hiệu đáng mừng cho miền núi Quảng Nam. Xác định giảm nghèo và giải quyết việc làm cho đồng bào là một trong những ưu tiên hàng đầu, hàng loạt các dự án hỗ trợ nằm trong các chương trình này đã được triển khai một cách đồng đều tại các huyện. Thống kê của UBND tỉnh cho thấy, trong giai đoạn trên, đã có 183.800 lượt hộ nghèo được vay hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng nguồn vốn hơn 1.304 tỷ đồng; 52.574 lượt học sinh, sinh viên nghèo được vay vốn học tập với tổng số tiền 616,155 tỷ đồng; đào tạo nghề miễn phí cho 3.276 lao động; xây dựng và nhân rộng 14 mô hình giảm nghèo tại 8 xã đặc biệt khó khăn… Nhờ đó, trong giai đoạn này, tỷ lệ giảm nghèo bình quân tại 9 huyện vùng cao đạt 3,13%/năm. Bên cạnh đó, các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, về biến đổi khí hậu, đưa thông tin về cơ sở, miền núi, vùng sâu vùng xa… cũng từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào miền núi.
Linh hoạt lồng ghép các chương trình
Để các chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục là “đòn bẩy” tạo diện mạo mới cho vùng cao Quảng Nam, theo lãnh đạo các địa phương miền núi, việc linh hoạt lồng ghép các chương trình là yếu tố mấu chốt. Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho rằng, chính sách đầu tư hỗ trợ vùng dân tộc, miền núi ổn định và phát triển kinh tế xã hội hiện nay khá nhiều, tuy nhiên nguồn vốn phân bổ hàng năm còn khá hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ theo lộ trình. Điều đó dẫn đến việc các dự án thực hiện không đồng bộ, kéo dài và hầu hết các chương trình chưa hoàn thành các mục tiêu đề ra. Tình trạng trên đang diễn ra ở hầu hết các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức chia sẻ thêm: “Trong công tác giảm nghèo và giải quyết việc làm, tỷ lệ hộ nghèo tuy có giảm nhưng vẫn còn khá cao, một bộ phận người dân trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; trong khi nguy cơ phát sinh đột xuất tỷ lệ hộ nghèo do nguyên nhân thiên tai, bão lũ... là rất lớn. Việc quản lý các công trình phục vụ dân sinh sau khi đưa vào sử dụng cũng còn nhiều vướng mắc, ảnh hướng lớn đến hiệu quả sử dụng”.
Giải pháp được đưa ra, theo UBND tỉnh, là trong giai đoạn tới cần thống nhất cơ chế một bộ máy quản lý điều hành chung các chương trình chính sách dự án trên địa bàn khu vực miền núi. Có như thế mới đảm bảo thực hiện nguồn vốn đầu tư hỗ trợ từ ngân sách nhà nước tập trung, đồng bộ, tránh việc đầu tư chồng chéo, manh mún, dàn trải dẫn đến kém hiệu quả. “Tỉnh sẽ chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện phân cấp quản lý đầu tư, phát huy vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư về giải pháp lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn. Đồng thời tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành cấp tỉnh trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo đúng mục tiêu, đúng đối tượng của từng chương trình, chính sách, dự án. Trong thời gian tới, cần tổ chức rà soát đánh giá các chương trình, chính sách, dự án đầu tư dở dang chưa đạt mục tiêu để đề xuất trung ương, tỉnh tập trung nguồn lực thực hiện” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh nói.
PHƯƠNG GIANG