Chợ sớm vùng cao
Hơn 4 giờ sáng, trên một khoảng không gian rộng trước chợ trung tâm thị trấn P’rao (huyện Đông Giang), những mặt hàng nông sản đã được các phụ nữ Cơ Tu xếp gọn để chào khách. Phiên chợ sớm này xuất hiện từ nhiều năm nay, giúp đồng bào có thêm cơ hội giao thương, cải thiện đời sống.
LỤC đục thức dậy từ hơn 3 giờ sáng, chị Alăng Thị Chăm, thôn A Xing (thị trấn P’rao) cùng chồng sắp xếp gọn những bó rau rừng vào gùi để đem ra chợ sớm. Chiếc xe máy cà tàng mua cách đây hơn 4 năm trở thành người bạn đồng hành với hai vợ chồng trẻ đến chợ vào mỗi buổi sớm. Do đặc thù của phiên chợ nên mọi người phải tranh thủ đi sớm để tìm chỗ bán hàng ưng ý. Vừa đến nơi, vợ chồng chị Chăm vội vàng lấy từng món hàng nông sản từ trong chiếc gùi ra để bày bán. Dưới sân đất, từng bó rau, củ sắn, quả dưa… được bày dọn sẵn, gọn gàng chờ khách ghé mua. Cạnh gian hàng của chị Chăm, có đến 6 - 7 gian hàng của các chị em phụ nữ Cơ Tu vừa đến cũng đang bận rộn bày hàng chờ khách.
Một góc chợ sớm vùng cao. |
Trời vừa hửng sáng, những dòng người đổ về chợ càng tấp nập. Bên gian hàng ẩm thực của mình, bà Alăng Thị K’dó (42 tuổi, trú làng Trao, thị trấn P’rao) không ngớt lời chào khách đến mua. Cũng như nhiều chị em khác, các mặt hàng của bà K’dó đều được hái về từ trong rừng như: dứa, chuối, rau má, măng rừng… nên được nhiều người ưa chuộng. Theo bà K’dó, tại khu vực chợ này có đến hàng chục phụ nữ Cơ Tu khác cũng tìm đến trao đổi, mua bán những mặt hàng nông sản vào mỗi buổi sáng. Thông thường, họ phải thức dậy lúc 3 giờ sáng, lục đục chuẩn bị các mặt hàng rồi đến chợ sớm để mong có chỗ ngồi bán ổn định. Ngoài ra, đây cũng là nơi tạo “đầu ra” cho các mặt hàng nông sản của đồng bào vùng cao lâu nay vốn không được chú trọng.
Những phiên chợ sớm giúp đồng bào vùng cao cải thiện đời sống. Ảnh: GIANG CÚI |
Ông Nguyễn Đức, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho biết: “Dạo một vòng chợ vùng cao, mới thấy bà con đã bắt đầu có tư duy sản xuất hàng hóa. Đây là một điều rất đáng mừng bởi từ trước đến nay bà con chủ yếu sản xuất để phục vụ nhu cầu trong gia đình. Điều này sẽ mở hướng thay đổi cách nghĩ của đồng bào, từng bước phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”. |
Cụ Coor Thị Bớp (90 tuổi, ở thôn K’đắp, xã Arooih) bán nông sản ở chợ phiên này đã gần 5 năm nay. Ngày trước, khi chợ chưa phát triển, hầu hết nông sản mà cụ trồng được đều phục vụ cho cuộc sống gia đình. Nhưng nay đã khác, những bó rau, củ sắn, buồng chuối… không chỉ cung ứng cho nhu cầu cuộc sống gia đình mà còn tạo thêm thu nhập. Cứ mỗi buổi sáng, cụ gùi mớ rau rừng lặn lội vượt dòng A Vương để đến chợ thật sớm. “Mỗi sáng chỉ bán được khoảng 40 ngàn đồng thôi, đến mùa có nhiều chuối, bắp thì được 60 - 70 ngàn đồng. Tiền bán rau góp thêm lo công việc gia đình, cũng đỡ” - cụ Bớp cho hay.
Từ trường Tiểu học xã Tà Lu, sáng nào cô giáo Trần Thị Giang cũng ghé chợ mua các mặt hàng nông sản. Theo cô Giang, nông sản của đồng bào giá rẻ lại vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vì người dân không sử dụng hóa chất độc hại. “Mua củ sắn hay nải chuối, bó rau mình cũng đều yên tâm, không lo ảnh hưởng đến sức khỏe” - cô Giang nói.
Hơn 7 giờ 30, phiên chợ ít dần người qua lại. Những phụ nữ Cơ Tu cũng lần lượt xếp gùi chuẩn bị ra về. Phía trong chợ lớn, những chiếc gùi lại một lần nữa được trĩu nặng với những ký gạo, gói muối, mì chính theo chân các ati, amế về nhà.
Phiên chợ độc đáo này đã thu hút đông đảo người dân và du khách tìm đến lựa chọn mua sản phẩm và thường kết thúc sau 7giờ 30 buổi sáng các ngày trong tuần.
LĂNG A CÚI - PHƯƠNG GIANG