Thách thức mang tính toàn cầu
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, mặc dù chính phủ nhiều nước trên thế giới áp dụng những gói hỗ trợ tài chính cũng như các biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng lao động ở trẻ em nhưng đây vẫn là bài toán nan giải.
Theo thống kê của ILO, hiện nay trên toàn cầu có khoảng 215 triệu trẻ em phải lao động hàng ngày để kiếm sống. Trong đó, khoảng 115 triệu em làm những công việc nặng nhọc, tiếp xúc với môi trường độc hại, kể cả việc phải phục vụ các hoạt động trái phép như mại dâm… Riêng tại khu vực châu Á, lao động trẻ em vẫn ở mức cao với khoảng 153 triệu em và phần lớn làm việc trên những cánh đồng bông vải và lúa mì, tham gia sản xuất gạch đá, xi măng và cao su. Hàng triệu em khác làm những việc không phù hợp với độ tuổi và nguy hiểm cho sức khỏe như phun thuốc sâu cho hoa màu ở các trang trại, quấn thuốc lá, làm pháo hoa hoặc công việc liên quan đến linh kiện điện tử hay bị cưỡng bức tham gia vào các lực lượng vũ trang.
Nhiều trẻ em trên thế giới đang phải bươn chải trong điều kiện khắc nghiệt để kiếm sống. Ảnh: thenewstribe |
Các quan chức ILO nhận định, trẻ em là lứa tuổi cần được bảo vệ, chăm sóc và yêu thương. Thế nhưng, ở những quốc gia đang phát triển, do kinh tế và hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều em nhỏ vẫn phải cực nhọc đi làm kiếm sống. Ngoài việc phải lao động trong điều kiện nguy hiểm và đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng, hành hạ cả về thể chất lẫn tinh thần, các em còn không được đến trường. Đây là một trong những vòng luẩn quẩn của nghèo đói, là rào cản đối với sự tiến bộ xã hội. Do vậy, xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em là một trong những thách thức mang tính cấp thiết nhất hiện nay của thế giới.
ILO kêu gọi các chính phủ thông qua những chiến lược quốc gia, phối hợp hoạt động cùng tổ chức này để ngăn chặn tình trạng cưỡng bức lao động trẻ em. Để làm được điều này trước hết cần cải thiện đời sống cho các gia đình nghèo khó trong xã hội để con em họ không phải bươn chải lao động khi còn bé. Trong đó, ILO đặc biệt đánh giá cao mô hình của Brazil khi hằng tháng cung cấp một khoản tiền nhất định cho các gia đình nghèo, với điều kiện họ phải cho con đi học. Chương trình này đã giúp giảm đáng kể số trẻ em thất học ở Brazil, kéo theo đó hạn chế tình trạng lao động trẻ em một cách hữu hiệu.
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em năm nay và “Tháng hành động vì trẻ em”, với sự hỗ trợ của ILO tại Việt Nam, ngày 10.6 vừa qua, nhà hát Tuổi trẻ đã ra mắt vở kịch “Mẹ ơi, con sắp lớn” của tác giả và đạo diễn Sĩ Tiến. Vở diễn xoay quanh câu chuyện về một cô bé nông thôn phải bỏ dở việc học hành lên thành phố giúp việc cho một gia đình giàu có do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cô bé mang theo những ước mơ con trẻ, các vì sao và bầu trời của riêng mình. 14 tuổi, lứa tuổi trăng non thật đẹp với bao hoài bão về cuộc sống. Nhưng phải dối mặt với những vấn đề trong cuộc mưu sinh, sự vô tâm của người lớn, mối quan hệ chủ - tớ, khoảng cách giàu - nghèo, những quan niệm, thành kiến trong xã hội… khiến ước mơ của cô bé dần dần bị “gãy vụn”, chỉ còn giữ lại được cho mình niềm khát khao tình thương và sự chở che của cha mẹ… Vở kịch không chỉ thuần túy nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cho các đối tượng khán giả về phòng chống sử dụng lao động trẻ em. Câu chuyện cảm động đầy tính nhân văn góp phần mang lại nhiều suy ngẫm, trăn trở và những câu hỏi nhức nhối thúc đẩy chúng ta phải hành động vì thế hệ tương lai của đất nước.
QUỐC HƯNG (tổng hợp)