Đưa pháp luật vào cuộc sống
Những năm qua công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh đã được triển khai sâu rộng đến từng đối tượng, địa bàn. Hình thức phổ biến có nhiều cách làm hay, đưa pháp luật đi vào đời sống.
|
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang tặng bằng khen cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong 5 năm phổ biến, giáo dục pháp luật.Ảnh: X.NGHĨA |
Đa dạng tuyên truyền
Trong những năm qua, ngoài hình thức tuyên truyền miệng, nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã sáng tạo kết hợp nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mới, đem lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với điều kiện của từng địa bàn dân cư. Ở các huyện miền núi, hình thức tuyên truyền miệng kết hợp với phát tờ rơi, tài liệu hỏi đáp, giải đáp thắc mắc… được nhân rộng đến tận bản làng, thôn nóc. Nhiều huyện đồng bằng, trung du chọn hình thức tuyên truyền bằng pa-nô, áp phích, tổ chức các cuộc thi. Nhờ vậy, công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh được nâng cao, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật.
Trong công tác hòa giải ở cơ sở, các hòa giải viên linh hoạt vận dụng để tuyên truyền phổ biến, đưa pháp luật ngày càng gắn với đời sống sinh hoạt của người dân. Hiện nay, mạng lưới hòa giải viên rộng khắp ở 18/18 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, với hơn 8 nghìn người có tâm huyết, uy tín ở khắp cộng đồng dân cư. Đây là nhân tố quan trọng tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Ngoài ra, nhiều địa phương thường xuyên lồng ghép tuyên truyền với phát động các đợt cao điểm, tháng cao điểm trong việc thực hiện, chấp hành pháp luật. Có nơi tổ chức nhân dân ký cam kết gia đình không có thành viên vi phạm pháp luật, tham gia giao thông an toàn; xây dựng các điểm sáng về chấp hành pháp luật ở cộng đồng dân cư.
Những cách làm hay
Chia sẻ về hình thức tuyên truyền bằng tổ chức hội thi của địa phương mình, bà Huỳnh Thị Trợ - Trưởng phòng Tư pháp huyện Phú Ninh nói: “Nhiều vở kịch được dàn dựng với lối hát dân ca mượt mà mang đậm chất dân quê, hay qua các tiết mục tấu nói dí dỏm… các đơn vị dự thi đã khéo léo sử dụng lồng ghép tuyên truyền những quy định của pháp luật. Điều dễ nhận thấy, các tiểu phẩm dự thi đã tập trung phê phán mạnh mẽ hành vi bạo lực gia đình, xử sự thiếu văn hóa và thiếu hiểu biết pháp luật trong đời sống xã hội làm ảnh hưởng đến việc chăm sóc, giáo dục con cái, cũng như phong trào xây dựng nông thôn mới”. Qua các hội thi, những quy định pháp luật đã đi vào cuộc sống, đọng lại trong lòng người nghe do được “phổ” theo điệu ca lời hát nên dễ nhớ, dễ hiểu. Hình thức hội thi đã góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong việc chấp hành và thực thi pháp luật.
Hiện nay, cấp tỉnh có 99 báo cáo viên pháp luật, cấp huyện có 326 báo cáo viên. Hầu hết báo cáo viên cấp tỉnh và 1/3 báo cáo viên cấp huyện có trình độ đại học luật; 2/3 báo cáo viên cấp huyện còn lại đã tốt nghiệp đại học khác. Toàn tỉnh có 2.143 tuyên truyền viên, trong đó có 302 người có bằng đại học luật, 96 đại học khác, 390 trung cấp luật, 1.355 trung cấp khác. Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có hơn 8.000 hòa giải viên và gần 2.000 tổ hòa giải cơ sở. Trong đó, hơn 50% hòa giải viên có trình độ đại học luật. Từ năm 2008 đến nay, các tổ hòa giải đã thụ lý 45.248 vụ việc và hòa giải thành công 38.368 vụ việc (đạt 87,8%), chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết hơn 6.000 vụ việc. |
Mô hình “Ngày pháp luật” cũng được nhiều địa phương, đơn vị lồng ghép vào các đợt sinh hoạt, học tập nhằm triển khai một số điểm quan trọng trong các văn bản pháp luật. Đây là hình thức tuyên truyền phát huy tinh thần tự giác tìm hiểu pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân theo phương châm “Cán bộ biết pháp luật để thực thi pháp luật, nhân dân hiểu pháp luật để chấp hành pháp luật”.
Tại xã Tam Ngọc (TP. Tam Kỳ) mô hình “Ngày pháp luật” được triển khai từ 5 năm qua. Ông Nguyễn Văn Phương - cán bộ tư pháp xã Tam Ngọc cho hay: “Để thu hút nhân dân đến tham gia học tập và tìm hiểu pháp luật, bên cạnh chất lượng đội ngũ báo cáo viên tuyên truyền viên tốt, việc lựa chọn văn bản phù hợp với nội dung nhân dân quan tâm để truyền đạt là vô cùng quan trọng. Thời gian tổ chức tuyên truyền phải vào buổi tối, không trùng với thời điểm vào vụ mùa sản xuất hoặc thu hoạch... thì việc phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ đạt kết quả”.
Ông Lê Sáu - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng, tổ chức đối thoại cũng là một cách làm hay và hiệu quả, qua đối thoại sẽ giải quyết nhanh nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân, nhất là mâu thuẫn giữa người lao động và người sử dụng lao động. “Theo tôi, thời gian qua trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều trường hợp đình công, lãn công tại các doanh nhiệp là do người quản lý tại các doanh nghiệp cũng như người lao động chưa nắm rõ các văn bản pháp luật, dẫn đến nảy sinh mâu thuẫn. Trong thời gian đến, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền cho các đối tượng trên, có như vậy mới giảm tình trạng đình công, lãn công tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh” - ông Sáu nói.
Giám đốc Sở Tư pháp - ông Lê Đạo khẳng định, trong những năm qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với địa bàn, đối tượng, đã tác động tích cực đến nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó góp phần hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
TAM THĂNG