Bếp người Triêng
Người Triêng (một nhóm địa phương thuộc dân tộc Giẻ Triêng) ở miền núi Quảng Nam luôn xem bếp là một hình ảnh thân thương. Với họ, đời sống sản xuất và tín ngưỡng dân gian cộng đồng đều có mối quan hệ mật thiết với bếp.
Nét văn hóa độc đáo
Nằm về phía nam của dải Trường Sơn, giáp với nước bạn Lào và trải dài theo trục của sông Thanh, sông Đắk Pring, yếu tố địa hình này đã phân chia vùng cư trú của người Triêng thành một “hành lang” nối liền với các bản làng của đồng bào Cơ Tu, Ve trong vùng. Trên địa bàn Quảng Nam, người Triêng sống tập trung ở các xã La Dêê, Đắk Tôi, La Êê, Đắk Pring và một phần xã Tà Bhing (Nam Giang) với số dân khoảng 3.750 người. Chủ yếu đồng bào quy tụ ở những nơi có nguồn nước quanh năm không cạn để ăn uống, sinh hoạt gia đình và canh tác nương rẫy... Hiện tại, ở các làng Đắk Rế, Đắk Ro cao chót vót, đồng bào Triêng có thế mạnh về săn bắt và phát núi làm lúa rẫy; ở làng Công Tơ Năng, Đắk Tà Vâng vùng thấp thì mạnh về trồng lúa nước; ở làng Đắk Ôốc mạnh về làm rẫy; làng Đắk Zric thì giỏi trồng trọt và chăn nuôi...
Thiếu nữ Triêng bên ngôi nhà sàn.Ảnh: N.V.SƠN |
Người Triêng vốn có nền văn hóa đặc sắc, là bộ phận không nhỏ góp phần hình thành nên bức tranh tổng thể của văn hóa các dân tộc thiểu số trên dải Trường Sơn - Tây Nguyên. Xuất phát từ đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt, tín ngưỡng... mà họ sở hữu những nét văn hóa độc đáo, đặc biệt là bếp thiêng và quan niệm về thần lửa.
Xưa, người Triêng sống trên những dãy núi cao bằng nghề săn bắt, hái lượm và đốt rừng làm nương rẫy. Đêm đêm, họ đốt những đống lửa rất to để sưởi ấm và chống lại sự tấn công của thú rừng. Trải qua bao đời nay, hình ảnh ngọn lửa trở nên quen thuộc, gần gũi và đi vào tâm thức của cộng đồng người Triêng. Theo quan niệm cổ truyền, người Triêng luôn tin tưởng vào thần lửa. Trong làng, bất cứ nhà nào cũng phải có bếp lửa đặt ở giữa nhà để nấu ăn hằng ngày và phục vụ cho các lễ hội truyền thống như đâm trâu, mừng lúa mới, Choóc đăil… Ngọn lửa cũng được đốt lên vào các dịp sinh hoạt, nhảy múa. Hình ảnh của bếp là hiện thân của vị thần may mắn phù hộ trong gia đình, cộng đồng làng được tôn thờ. Bếp thiêng luôn đem lại sự bình yên cho dân làng, mang đến sự hòa thuận, cuộc sống ấm no hạnh phúc, tạo ra của cải vật chất dồi dào cho mỗi gia đình…
Bếp của gia đình bà Zơrâm Thị Nhá, người Triêng thôn Đắk Ôốc, xã La Dêê (Nam Giang). |
Bếp xưa và nay
Đối với người Triêng, bếp luôn được chủ nhà bảo vệ hết sức cẩn thận và nghiêm ngặt; trẻ em, người lạ mặt tuyệt đối không được đến gần. Đặc biệt, không được sờ mó, lấy đũa hoặc cây củi gõ vào bếp vì theo quan niệm làm như vậy là xúc phạm đến thần lửa, sẽ có điều xấu đến với gia đình. Theo truyền thống, xưa các gia đình người Triêng sống cùng trong một ngôi nhà gồm nhiều bếp, mỗi gia đình nhỏ có một bếp riêng để nấu ăn. Vì vậy, khi đặt bếp cho mọi thành viên trong nhà là việc làm hết sức hệ trọng và mang nhiều ý nghĩa tâm linh. Trong gia đình, thường chủ nhà có tuổi mới đặt bếp. Sau khi thực hiện các nghi lễ liên quan, chủ nhà tổ chức giết heo, gà để cúng thần lửa trước khi các thành viên vào nhà ở, sinh hoạt, nấu nướng. Nếu trong nhà có bao nhiêu thành viên (cặp vợ chồng) thì có bấy nhiêu bếp được đặt, và lễ đặt bếp phải diễn ra trong một ngày.
Bếp của người Triêng được kê 3 hòn đá lấy từ đầu nguồn, nơi có máng nước dân làng dùng để uống hằng ngày. Kể từ giờ phút đặt bếp, mỗi gia đình nhỏ là người đại diện cho bếp riêng của mình và chịu trách nhiệm tổ chức các nghi lễ cúng liên quan theo phong tục của làng. Trong căn nhà dài, ngọn lửa trong bếp chính (bếp của tiểu gia đình người cao tuổi nhất) không bao giờ tắt. Đêm, sau bữa cơm tối, cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa chính. Ngọn lửa ấy không chỉ có giá trị sưởi ấm mà còn là vị thần chứng giám những điều giáo huấn mang tính dòng tộc, cộng đồng. Việc làm này đến nay đã ăn sâu vào tiềm thức mà còn nét văn hóa cổ truyền của người Triêng.
Khi người Triêng chuyển cư hoặc dời làng đến nơi ở mới, việc di chuyển chỗ ở không tổ chức riêng lẻ từng hộ mà bắt buộc phải tập trung cả làng theo phán quyết của Hội đồng già làng. Theo truyền thống, bao giờ họ cũng mang những hòn đá ở bếp cũ để làm bếp mới.
Bếp lửa gắn liền với đời sống của người Triêng từ bao đời nay. Ngày nay, kinh tế phát triển và để phù hợp với môi trường sống mới, nhiều cặp vợ chồng người Triêng sau khi cưới xong đã xin phép hai bên gia đình ra ở riêng, làm nhà riêng. Cái bếp nguyên mẫu bằng 3 hòn đá cũng được họ thay bằng bếp có chân bằng sắt, nhưng nhìn chung những tập tục liên quan đến bếp luôn được người Triêng vùng núi Quảng Nam gìn giữ và bảo tồn.
NGUYỄN VĂN SƠN