Dạy học ở thung lũng Prum B
Vào đầu năm học tới, thầy trò trường Tiểu học Zuôih (thôn Prum B, xã Zuôih, huyện Nam Giang) sẽ được chuyển đến ngôi trường mới. Nhưng trong ký ức của thầy và trò nơi đây, hẳn sẽ không bao giờ quên một thời gian khó…
.Học sinh trường Tiểu học Zuôih đưa khách qua sông bằng thuyền nhỏ. |
Từ trên đồi cao, nơi những căn nhà tái định cư thủy điện Sông Bung 4 đang còn xây dang dở, phóng tầm mắt xuống thung lũng sâu, trường Tiểu học Zuôih lấp ló dưới những tán cây cổ thụ và chia cách bởi dòng sông Bung. Giữa trưa, đang loay hoay tìm đường vào trường thì một người dân địa phương nói lớn: “Muốn vào đó phải lội sông thôi, cầu bị bão cuốn trôi lâu rồi…”. Trước mắt chúng tôi là dòng sông Bung đục ngầu, nước chảy cuồn cuộn. Hôm nay nước lớn nên mấy em nhỏ đưa thuyền qua đón khách. Con thuyền nhỏ được cột vào dây thép giăng qua sông, liệng qua liệng lại giữa dòng nước chảy xiết khiến chúng tôi không khỏi thót tim.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Nhụ - người đã có hơn 7 năm gắn bó với ngôi trường này cho biết, bao năm nay nhà trường phải dạy trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn. Điện không, nước không, sóng điện thoại không… Khi dự án thủy điện Sông Bung 4 được phê duyệt, khu vực trường nằm trong lòng hồ phải di dời. Bởi họ bảo đầu tư làm gì cho phí vì sau này chìm trong nước cả thôi. Vào mùa mưa, trường như cách biệt với thế giới bên ngoài. “Có lúc 3 - 4 ngày thầy trò phải ăn cá khô và rau rừng liên tục vì không thể qua sông mua thực phẩm. Nhưng khổ nhất vẫn là không có điện, không có sóng điện thoại. Để có điện thắp sáng cho học sinh học tập, sinh hoạt ban đêm trường phải dùng máy phát điện. Mỗi khi cần gửi văn bản báo cáo gì về phòng giáo dục phải ôm máy tính chạy tuốt lên trên ngọn đồi cạnh trường mới gửi và nhận văn bản được” - thầy Nhụ kể.
Hiện trường có 16 cán bộ, giáo viên với tổng số học sinh là 135 em, trong đó có hơn 50 học sinh ở nội trú đang phải sống trong cảnh thiếu thốn. Vất vả nhất vẫn là giáo viên nữ. Tại điểm trường chính, có 2 giáo viên nữ trẻ tuổi, chưa lập gia đình là cô Brô Thị Ám và Lê Thị Phước. Ban đầu, nhận công tác ở một ngôi trường quá khó khăn, thiếu thốn, cả hai cô giáo trẻ đều cảm thấy tủi thân. “Hồi đầu mới chuyển tới trường, em khóc suốt. Điện không có, sóng điện thoại không có, buồn lắm! Mùa mưa, không qua sông được nên toàn đi hái rau rừng về ăn thôi” - cô Brô Thị Ám kể.
Sắp tới, ngôi trường này chỉ còn trong ký ức. Ảnh: VINH ANH |
Điều kiện thiếu thốn chưa thấm gì với lần cả hai cô giáo trẻ suýt mất mạng vì liều mình vượt sông. Cô Phước nhớ lại vào tháng 8 năm ngoái, vì quá nhớ nhà nên sau buổi học cuối tuần, cả hai cô quyết định bơi qua sông để về thăm nhà. Do cả hai người không biết vượt nên mới nghĩ ra cách dùng can nhựa loại 20 lít để qua sông. Ra đến giữa sông, nước xoáy và chảy xiết khiến cho can nhưa bị lắc mạnh làm 2 cô suýt chết. Mặc dù đối mặt với muôn vàn khó khăn như vậy nhưng khi hỏi các cô đã bao giờ có ý định bỏ nghề chưa, cả hai đều nói, đó là ý nghĩ ban đầu thôi, bởi sống một thời gian lòng yêu nghề, yêu trò đã lấn át đi ý nghĩ đó. Cả hai cô đều quyết tâm bám trường đến cùng.
Sau bao nhiêu năm chờ đợi, đầu năm học tới, trường sẽ được dời ra chỗ mới để nhường chỗ cho thủy điện ngăn đập. Và khi đó, dấu tích của một người trường chỉ còn trong ký ức. Hiện nay, những hạng mục cuối cùng của ngôi trường mới đã gần hoàn thành. Thầy Nguyễn Nhụ cho biết: “Sau khi tổng kết, chúng tôi sẽ tiến hành di dời một số trang thiết bị học tập ra trước để chuẩn bị cho năm học sau. Nghe tin sắp được chuyển đi ai cũng vui mừng, háo hức và hồi hộp lắm. Những buổi học hôm nay là những buổi học cuối cùng đầy ý nghĩa đối với thầy trò chúng tôi”. Biết tin chuẩn bị được ra trường mới, em Võ Thị Lành (lớp 3) nói: “Năm sau em lên lớp 4 là được học gần nhà rồi, không phải ở nội trú nữa. Em và các bạn vui lắm vì năm sau được học ở trường mới đẹp hơn trường cũ nhiều, lại không phải vượt sông”.
Dưới tán cây gạo cổ thụ đứng vững hàng chục năm nay với ngôi trường này, các em học sinh vẫn nô đùa hồn nhiên trong giờ ra chơi. Ngôi trường mới chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều so với trường cũ nhưng trong sâu thẳm ký ức của những giáo viên đã từng gieo chữ ở đây hẳn sẽ không bao giờ quên một thời gian khó…
Vinh Anh