Làm thuê để nuôi con ăn học
Hơn 10 năm trước, khi điểm du lịch Suối Hoa (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) được hình thành, một số nông dân nghèo từ các huyện Quế Sơn, Núi Thành… đã đến đây làm thuê để kiếm thêm thu nhập, nuôi con ăn học thành người.
Như người một nhà
Cuối giờ chiều, phía trước công trình Nhà điều dưỡng tình thương Suối Hoa, hàng chục phụ nữ vẫn lặng lẽ với công việc trồng cỏ trên sườn đồi. Bà Nguyễn Thị Xuân (48 tuổi, quê ở xã Quế Phong, Quế Sơn) cho biết, phần lớn công nhân làm việc ở khu du lịch Suối Hoa đến từ Quế Sơn và Núi Thành. “Ở đây, chúng tôi coi nhau như chị em một nhà. Hễ ai gặp chuyện chi bất trắc, cả khu cùng nhau động viên, giúp đỡ” - bà Xuân chia sẻ.
Ông Nguyễn Phước Hùng - Giám đốc Khu du lịch Suối Hoa cho biết, có hơn 20 nhân công đang làm việc “dài hạn” cho khu du lịch, hầu hết gia cảnh rất khó khăn. Công việc hằng ngày của các công nhân chủ yếu là chăm sóc cây cảnh, nhổ cỏ vườn, trồng cây… cho khu du lịch. “Chỉ cách đây gần một năm, khi công trình Nhà điều dưỡng tình thương Suối Hoa được khởi công, họ lại có thêm công việc mới - đó là trồng cỏ xung quanh Nhà điều dưỡng và phụ hồ công trình. Tùy theo tính chất công việc nặng nhẹ mà tiền công được tính trả tương xứng” - ông Hùng nói.
Nữ công nhân trồng cỏ trên sườn đồi đầy hiểm trở. Ảnh: LĂNG A CÚI |
Được chủ đối đãi tốt, công nhân ở đây làm việc rất chăm chỉ, trừ khi có công việc cần thiết buộc phải về nhà, thông thường chỉ đến tết họ mới thăm quê một lần. Theo bác Trần Tư (72 tuổi, quê Núi Thành) - người có gần 10 năm gắn bó với Khu du lịch Suối Hoa, tùy theo mức độ công việc nặng nhẹ mà họ được trả công từ 100 - 200 nghìn đồng/ngày và được ăn ở miễn phí. Trong số hơn 20 người đang làm việc tại đây, bà Trần Thị Bốn (50 tuổi, quê xã Quế Phong, Quế Sơn) có hoàn cảnh đáng thương nhất. Vài năm trước, con trai thứ hai của bà bỗng mắc bệnh tâm thần sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự khiến mọi đồ đạc trong nhà đều bị đập phá mỗi khi lên cơn đau. Nỗi đau chưa kịp nguôi thì người con gái đầu bị các đối tượng bắt cóc bán làm gái mại dâm vào năm ngoái. Dù được giải thoát nhưng chị này lại mắc chứng mất trí nặng, không thể tự chăm sóc bản thân. Duy chỉ có đứa con gái út lành lặn nhưng cũng phải bỏ học từ năm lớp 7 để kiếm tiền mưu sinh với gia đình. Hiện người chồng của bà Bốn cũng mắc bệnh kinh niên suốt từ nhiều năm, không thể làm được công việc gì. Một mình làm lụng nuôi cả gia đình 5 miệng ăn khiến bà ngày càng gầy rộp vì lam lũ. Hay như hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Phận (50 tuổi, quê Quế Sơn) vì không chịu nổi đòn roi của người chồng vũ phu nên đã quyết định ly hôn, nhận nuôi hai đứa con hiện đang theo học đại học tại Đà Nẵng. Cũng như bà Bốn, bà Phận, những người còn lại đều có chung hoàn cảnh và sống với nhau bằng sự đồng cảm, sẻ chia.
Gieo niềm tin cho tương lai
Câu chuyện về phận nghèo ở miền quê dường như không ai còn kể cho nhau nghe nữa, bởi nói như bà Nguyễn Thị Hai thì “ai cũng hiểu được hoàn cảnh của nhau rồi!”. Bà Hai, một phụ nữ trạc 50 tuổi, quê ở tận thôn Thuận Long, xã Quế Phong lên đây làm công nhân đã hơn 10 năm. Số tiền bà dành dụm đều được gửi về cho 2 đứa con đang theo học đại học tại Đà Nẵng. “Chỉ mong chúng nó học tập thật tốt thôi!” - bà Hai tâm sự.
Bà Hai cũng chỉ là mảnh ghép nhỏ trong số mảnh đời khác đang bám rừng mưu sinh tại Khu du lịch Suối Hoa. Họ động viên nhau cùng vượt qua số phận bởi niềm an ủi lớn nhất mà họ có được đó là những đứa con đang miệt mài trên giảng đường đại học. Chồng mắc chứng không ngủ được từ hơn 2 năm nay, một mình bà Hồ Thị Hương (41 tuổi, ở xã Quế Minh, Quế Sơn) phải làm lụng nuôi chồng cùng hai đứa con nhỏ đang học phổ thông. Bản thân bà cũng mắc bệnh đau khớp nặng nên được chủ giao công việc chăm vườn rau mỗi ngày. Số tiền dành dụm được bà đều gửi về cho chồng con dưới quê chi tiêu cuộc sống hằng ngày.
Cũng như bà Hương, bà Nguyễn Thị Râng (50 tuổi, ở Quế Sơn), mỗi tháng cũng đều đặn tiết kiệm hơn 3 triệu đồng gửi về cho 3 đứa con ăn học. Suốt hơn 6 năm nay, bất kể trời nắng hay mưa, bà Râng cũng đều chăm chỉ hoàn thành công việc. Lúc nhàn rỗi, bà còn nhận thêm công việc tăng thu nhập. Bà Râng tâm sự: “Mình nhịn ăn, nhịn uống để có tiền gửi cho tụi nó ăn học. Ba mẹ làm cực nhọc chỉ biết hy vọng sau này chúng nó có nghề nghiệp ổn định, bớt khổ” - bà Râng bộc bạch. Hay như ông Trần Tư, dù đã ở phía bên kia con dốc cuộc đời vẫn miệt mài làm việc. Ông bảo phải làm để nuôi người vợ già cùng đứa cháu nội đang theo học tại trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam. Bố mẹ mất khi cháu được hơn một tuổi, ông Tư nhận nuôi và cho ăn học cho đến bây giờ. Hỏi ông dự định sẽ làm việc cho đến khi nào? Ông Tư cười hiền: “Tui còn khỏe là còn đi làm. Chỉ lo đến lúc tui không đủ sức khỏe để đi làm nữa, không biết cuộc sống sẽ ra sao?”. Lo vậy nhưng ông Tư biết vẫn còn niềm hy vọng ở đứa cháu nội sắp ra trường vào cuối tháng 6 năm nay.
Quên mọi cực nhọc để bám rừng, họ chỉ mong có tiền lo cho con cái ăn học. Niềm tin vào con chữ cứ thế giúp họ vơi đi gian khó trong cuộc sống mưu sinh hằng ngày.
LĂNG A CÚI - PHƯƠNG GIANG