Hiệu quả từ sự phối hợp
Sau 10 năm đi vào hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Thăng Bình đã cho gần 21.300 lượt hộ vay với tổng số tiền xấp xỉ 500 tỷ đồng, trong đó có 400 dự án giải quyết việc làm. Với sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức hội - đoàn thể, nguồn vốn ngân hàng CSXH đã giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo.
Cơ sở sản xuất cá bò của chị Trần Thị Hồng. Ảnh M.Đ |
Cơ nghiệp từ 50 triệu đồng
Chị Trần Thị Hồng ở thôn Tân An (xã Bình Minh, Thăng Bình, chủ cơ sở chế biến hàng thủy sản Hồng Kiệt) cho biết: “Hàng ngày nhìn hàng tấn cá do các ngư dân trong thôn khai thác bán cho các thương lái chở đi nơi khác để chế biến, trong khi đó chị em phụ nữ ở nhà lại quá nhàn rỗi, tôi suy nghĩ tại sao mình lại không mở cơ sở chế biến thủy sản ngay tại địa phương để tạo công việc làm cho mình và thu nhập cho chị em”. Nhiều đêm trăn trở, năm 2005 chị quyết định vay của Ngân hàng CSXH huyện Thăng Bình 50 triệu đồng, cộng với nguồn vốn tích cóp được sau nhiều năm bươn chải để mở xưởng chế biến cá.
Xưởng chế biến thủy sản của chị Hồng thu hút gần 20 lao động địa phương, chủ yếu là chị em phụ nữ với mức thu nhập từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/tháng/người. Làm ăn hiệu quả, mỗi năm chị thu lãi từ 100 - 200 triệu đồng, đời sống gia đình và người lao động được nâng lên. Sau khi hoàn trả gốc và lãi cho ngân hàng, chị tiếp tục vay và trả lãi theo chu kỳ quy định để tiếp tục đầu tư cho sản xuất. Hiện nay chị đã mở 2 cơ sở sản xuất, gia công cá bò tại xã Bình Minh và 1 xưởng hấp cá tại thôn An Lương (xã Duy Hải, Duy Xuyên). Sau 7 năm gắn bó với đồng vốn vay của Ngân hàng CSXH, làm ăn có hiệu quả, mới đây chị lập phương án và được ngân hàng cho vay 300 triệu đồng, cộng với nguồn vốn của gia đình, chị mở rộng nhà xưởng, sân phơi, kho lạnh, đặc biệt xây dựng lò hấp cá mới bằng hơi nước với công nghệ hiện đại. Chị Hồng khẳng định, nếu không có nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng CSXH thì cơ sở của chị khó có thể phát triển như hiện nay.
Đoàn thể vào cuộc
Ông Trịnh Minh Khiêm - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Thăng Bình cho biết, hơn 99,4% dư nợ cho vay của ngân hàng bằng phương thức ủy thác từng phần qua kênh các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Các Hội Phụ nữ và Nông dân huyện là những đoàn thể có dư nợ nhiều nhất, mỗi hội có trên 6.000 hộ hội viên vay vốn, 140 tổ tiết kiệm và vay vốn với số tiền trên 103 tỷ đồng. Hội Cựu chiến binh (CCB) và Đoàn thanh niên huyện cũng có trên 3.000 hội viên vay vốn với số tiền khoảng 100 tỷ đồng. Ông Khiêm cho rằng, vốn vay qua các kênh đoàn thể được giải ngân nhanh chóng, bình xét hộ vay công khai đúng đối tượng. Các đoàn thể còn tư vấn, giám sát người vay vốn sử dụng đúng mục đích, đôn đốc thu hồi nợ gốc và lãi đạt kết quả.
Theo bà Đỗ Thị Liên - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Thăng Bình, công tác quản lý vốn vay là một nội dung quan trọng của nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế nên hằng năm hội đều có giao ước thi đua và chỉ đạo thực hiện. Hội phối hợp với ngân hàng ký văn bản thỏa thuận, tổ chức mở lớp tập huấn nghiệp vụ cho các tổ trưởng tổ vay vốn. Đặc biệt, trong công tác quản lý vốn, hội đã thực hiện tốt 6 công đoạn trong quy trình cho vay ủy thác của Ngân hàng CSXH. “Trong 10 năm, tổng số vốn vay thông qua kênh phụ nữ tăng 11 lần, hộ vay tăng 1,7 lần, dư nợ tăng gần 12 lần. Nhờ vậy, 1.226 hộ phụ nữ làm chủ hộ đã thoát nghèo, mức sống của chị em đã được nâng cao” - bà Liên nói.
Ngoài Hội Phụ nữ, Hội CCB huyện cũng được đánh giá là đoàn thể tổ chức tốt quản lý vốn vay ủy thác. Ông Nguyễn Văn Hồng - Chủ tịch Hội CCB xã Bình Quế cho biết, đến nay tổng dư nợ ủy thác qua 5 chương trình tín dụng do Hội CCB xã đang quản lý là 3,7 tỷ đồng với 207 hộ vay. Ban Chấp hành Hội CCB xã đã cử một ủy viên ban thường vụ hội có năng lực, am hiểu kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ phụ trách, đồng thời tuân thủ tuyệt đối các quy định của ngân hàng. Nhờ đó, 100% hội viên CCB xã Bình Quế sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, trả lãi, gốc đúng thời gian quy định, tỷ lệ thu lãi hằng năm đạt trên 90%, 31 hội viên CCB đã thoát nghèo.
Nam Quang