Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khoa học - công nghệ

Triêu Nhan 08/05/2013 08:37

Dù Nghị định 80/2007/NĐ-CP và Nghị định 96/2010/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học công nghệ (DN KH-CN) đã được ban hành nhưng khái niệm trên vẫn còn mới lạ với nhiều DN trong tỉnh. Vì vậy, việc tiếp cận, phổ biến các văn bản luật, các quy định về DN KH-CN của Bộ KH-CN là thiết thực. Theo TS. Phạm Văn Diễn - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và KH-CN, Quảng Nam là tỉnh có tiềm năng và thế mạnh phát triển KH-CN nhưng hiện vẫn chưa đơn vị nào được công nhận là DN KH-CN. Bộ đang từng bước cùng với Sở KH-CN phổ biến các thông tư hướng dẫn, các chương trình hỗ trợ để giúp DN hội đủ điều kiện đăng ký thủ tục, lập hồ sơ xét công nhận. Khi được công nhận, DN đó sẽ được hưởng các quyền lợi nhất định. Chẳng hạn, DN được miễn giảm thuế thu nhập DN, 5 năm đầu được miễn 100%, những năm tiếp theo chỉ phải nộp 5%, được ưu tiên cho thuê đất phát triển sản xuất cùng nhiều chính sách ưu đãi khác.

Cả nước có khoảng 2.000 DN hoạt động trong phạm vi KH-CN nhưng chỉ mới 200 DN được công nhận là DN KH-CN. Theo quy định, DN KH-CN là đối tượng hoàn thành việc ươm tạo và làm chủ công nghệ từ kết quả KH-CN được sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp thuộc các lĩnh vực: công nghệ thông tin - truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, bảo vệ môi trường, năng lượng mới… Ngoài ra, các DN chuyển giao công nghệ hoặc trực tiếp sản xuất trên cơ sở công nghệ đã ươm tạo và làm chủ các công nghệ nói trên cũng được công nhận.

Tại buổi đối thoại giữa Cục Phát triển thị trường và KH-CN (Bộ KH-CN) với DN trên địa bàn tỉnh được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thế Phước Hải - Giám đốc hành chính nhân sự Công ty CP Tập đoàn Điện Bàn cho biết, công ty thành lập từ năm 2008, chuyên về sản xuất, cung ứng vật tư nông nghiệp, các giống cây trồng, phân bón hữu cơ sinh học. Công ty còn phối hợp với các viện, trường đại học sản xuất, mua bản quyền các giống lúa chất lượng cao như lúa thuần DT 34, lúa lai QH5… Hiện, những sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật như Dibuta, thuốc trừ cỏ Diphosat… mà công ty cung ứng rộng rãi cho bà con được Bộ NN&PTNT, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền. “Chúng tôi vẫn chưa tiếp cận được các văn bản, tiêu chuẩn DN KH-CN. Công ty rất mong nhận hỗ trợ từ chương trình về vốn, ưu đãi về đất đai để triển khai làm các chương trình khảo nghiệm” - ông Hải nói.

Trong khi đó, Công ty CP Vật tư y tế Quảng Nam độc quyền trên thị trường đối với hàng loạt sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển dược liệu quý này. Dược sĩ Lê Văn Tin - Trưởng phòng Sản xuất - nghiên cứu và phát triển công ty chia sẻ: “Khi tham gia chương trình, chúng tôi bắt đầu nhận thức rõ về DN KH-CN. Khó khăn của DN là vốn đầu tư công nghệ dây chuyền sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm đặc trưng đáp ứng nhu cầu sức khỏe con người. Vì vậy, rất mong Sở KH-CN, Bộ KH-CN sớm thẩm định, có cơ chế hỗ trợ kịp thời để giúp DN phát triển”. Bà Nguyễn Thảo Tiên - Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Vân Long (Đại Lộc) cũng góp ý: “Công ty chúng tôi đã đầu tư nghiên cứu công nghệ tấm hút chân không giúp tăng sản lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng lương lao động với chi phí hơn 3 tỷ đồng, nhưng DN chỉ nhận được hỗ trợ 100 triệu đồng từ Nhà nước. Gần đây, DN đang nghiên cứu đưa cát vào sản xuất tấm Fibrocement nhằm giúp hạ giá thành sản phẩm, bảo vệ môi trường. Công ty mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước”.

Triêu Nhan

Triêu Nhan