Trường học lớn của những người cộng sản: Trở lại Phú Quốc
Sau 40 năm kể từ ngày được trao trả theo Hiệp định Paris (3.1973), hôm nay, những cựu tù binh của TP.Tam Kỳ mới có dịp trở lại nhà tù Phú Quốc, nơi từng giam cầm, tra tấn mình. Trong những ngày lưu lại đây, họ đã đến đặt vòng hoa viếng hương anh linh các liệt sĩ, những người đã từng chiến đấu và anh dũng hy sinh, đồng thời ôn lại truyền thống hào hùng, động viên nhau tiếp tục phát huy khí tiết năm xưa.
Ông Phạm Hồng Thương (ở phường An Xuân) bên mộ của đồng đội ở nghĩa trang Phú Quốc.Ảnh: Điện Ngọc |
Những cựu tù binh của Tam Kỳ ra thăm nhà tù Phú Quốc hầu hết đã lớn tuổi. Vượt qua chặng đường dài, sức khỏe giảm sút, nhưng khi đặt chân lên bến phà Thạnh Thới (huyện đảo Phú Quốc) họ hồ hởi, phấn khởi hẳn lên, thúc lái xe đưa nhanh đến Khu di tích trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc. Tuy khu trại giam đã phục dựng, diện tích thu nhỏ nhưng các lớp hàng rào thép gai, lính canh và những hình thức đánh đập, tra tấn dã man đối với những người chiến sĩ cách mạng vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Họ nhớ ngày trước đã từng bị giam ở chuồng cọp, loại phòng giam làm bằng dây kẽm gai, đặt ở ngoài trời dùng để nhốt 3 - 5 người. Tù nhân chỉ được ngồi lom khom, hoặc nằm và chỉ mặc mỗi chiếc quần cụt. Ngoài ra, cai ngục còn dùng nhiều thủ đoạn để tra tấn làm cho người tù chết dần, chết mòn như đục răng, rút móng tay móng chân, đóng đinh vào người, đục lấy xương bánh chè, ném người tù vào chảo nước sôi, chích điện, chôn sống tù binh... Đối với ông Phan Đình Ty (ở thôn Thạch Tân, xã Tam Thăng), người đã có 6 năm bị giam cầm tại nhà tù Phú Quốc, những mô hình được phục dựng với các hình thức tra tấn dã man của địch đã thể hiện chân thực, là minh chứng rõ nhất về tội ác của địch.
Đài tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày đã hy sinh tại nhà tù Phú Quốc (ở thị trấn An Thới), với tên gọi Nắm Đấm, là biểu tượng của lòng quả cảm, đức hy sinh cao cả của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Đây cũng là nơi đã quy tập gần 1.500 hài cốt liệt sĩ được tìm thấy ở các hố chôn tập thể tại Phú Quốc. Trước tượng đài trầm mặc và trang nghiêm, nhiều người không cầm được nước mắt khi dâng lên anh linh các liệt sĩ những nén hương lòng. Thương binh Phan Đình Nghĩa (ở phường An Xuân) năm nay đã ngoài 70 tuổi, đi lại khó khăn, nhưng ông vẫn quyết tâm đi Phú Quốc chuyến này. Ông chia sẻ rằng, nguyện vọng của ông lâu nay là được ra thăm nơi đã từng chiến đấu, thắp cho đồng đội nén nhang, cho dù một mai có đi về với tổ tiên, ông cũng được vui lòng.
Nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc thuộc thị trấn Dương Đông, nơi có hơn 3.300 anh hùng liệt sĩ an nghỉ. Trong đó hiện có 18 mộ liệt sĩ là những người con của quê hương Quảng Nam. Dù ở hai thế giới khác nhau, nhưng khi đặt chân đến cổng nghĩa trang, những cựu tù binh có cảm giác như được về với đồng đội, đồng chí. Họ rưng rưng xúc động trong nước mắt, trong nghi ngút khói hương. Họ chia nhau thắp hương trên mỗi ngôi mộ. Đến phần mộ nằm ở cuối Khu B, mọi người dừng lại và đồng thanh hô lớn: “Chỗ nằm của Huỳnh Quang Mãi đây rồi!”. “Huỳnh Quang Mãi là một chiến sĩ trẻ, quê ở Bình Lâm, Hiệp Đức. Trong một lần bị địch bắt đi làm tạp dịch, anh chống cự, quyết không thi hành mệnh lệnh, bị địch dùng gót giày đá tới tấp vào người khiến bàng quang bị bể. Và anh đã chết trên tay đồng đội” - cựu tù binh Mai Hồng Sơn (ở phường An Xuân) kể.
Những cựu tù hôm nay vẫn nhớ, ngày xưa, trước mọi thủ đoạn gian xảo, cả khủng bố và mua chuộc, của kẻ thù, các tù binh đã tổ chức thành công các cuộc vượt ngục; giành thắng lợi trong nhiều cuộc đấu tranh. Nổi bật là những cuộc đấu tranh đòi được học văn hóa; chống chào cờ và chào sĩ quan ngụy; chống học hoặc đọc tiêu lệnh; chống đánh đập, phạt vạ, nổ súng bắn giết tù binh; chống cưỡng ép chiêu hồi... Trước sự đấu tranh ngày càng diễn ra mạnh mẽ và quyết liệt của tù binh, địch đã dùng mọi thủ đoạn để đàn áp, khủng bố. Nhiều người phải mang thương tật hoặc mãi mãi nằm xuống trước những trận đòn roi hiểm ác, trước họng súng tàn bạo của quân thù.
Ngày gặp lại, trong những ký ức đầy nước mắt, tình cảm thiêng liêng giữa những người đang sống và những người đã khuất cũng đong đầy. Tình cảm ấy càng dâng trào khi những dòng thơ bi tráng nhưng đầy vinh quang và rất đỗi hào hùng, được đội văn nghệ di tích nhà tù Phú Quốc biên soạn và diễn ngâm: “Vừa đặt chân xuống sân bay/ Miệng trào máu dưới gót giày vô lương/ Thịt xương pha thắm phi trường/ Phủ lên máu đỏ con đường vào khu/ Lửa nung cặp mắt đã mù/ Trăm nghìn tang tóc hay dù bao nhiêu/ Mẹ ơi! Thôi đứa con yêu/ Xác bay theo ngọn gió chiều đồi xa/ Cộng lời mẹ tiễn con ra/ Nằm đây để có bài ca khải hoàn...”.
(Còn nữa)
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC