Đưa anh về đất mẹ
Từ sự tình cờ, hài cốt liệt sĩ Dương Húy - con trai của liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Xướng (quê thôn 4, Bình Dương, Thăng Bình) đã được tìm thấy sau 47 năm.
Nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Dương (Thăng Bình) - nơi hài cốt liệt sĩ Dương Húy được đưa về chôn cất. |
Từ một viên đá đẹp
Một ngày cuối tháng Ba, trong lần đi rẫy ở thôn 1, xã Phước Gia (Hiệp Đức), Nguyễn Văn Nhân (SN 1999, ở thôn 4, Quế Lưu) chợt nhìn thấy một viên đá có đường kính khoảng 40cm rất đẹp. Dù đã đi qua khỏi vị trí viên đá, nhưng lòng Nhân lại thấy bâng khuâng, hình ảnh viên đá cứ hiện ra trước mắt. Thế là Nhân quay lại, nhặt viên đá lên với ý định mang về nhà làm cảnh. Khi cầm viên đá trên tay, Nhân nhìn thấy hai chữ QN. Thấy lạ, Nhân gọi điện thoại di động ngay cho chú mình là ông Huỳnh Văn Tình (SN 1967, cùng ở thôn 4, Quế Lưu) đang làm rẫy gần đó. Với kinh nghiệm của một người lớn tuổi, ông Tình bảo cháu đặt hòn đá lại vị trí cũ và lập tức chạy đến. Khi đến nơi, ông Tình dùng bình nước uống mang theo kỳ cọ, rửa sạch viên đá. Sau khi được gọt bỏ lớp cát bụi, viên đá sáng ngời, hiển hiện trên bề mặt khắc dòng chữ: “Dương Húy 24 tuổi, Hy sinh ngày 10.9.1966, Quê quán: thôn 4, Bình Dương, Thăng Bình, QN”.
Qua bài viết này, anh Dương Văn Điểm xin thay mặt gia đình gửi lời cám ơn đến Huyện đội Hiệp Đức, ông Huỳnh Văn Tình và cháu Nguyễn Văn Nhân đã mang đến cơ hội tìm được người anh trai đã 47 năm xa cách. Và anh cũng ước ao một ngày nào đó, gia đình sẽ tiếp tục tìm được phần mộ của liệt sĩ Dương Ngạn để đưa anh về với đất mẹ Bình Dương… |
Ông Huỳnh Văn Tình vui mừng khôn xiết, bởi ông biết, dưới hòn đá đẹp kia có thể sẽ là ngôi mộ của liệt sĩ có danh tính được khắc ghi trên viên đá. Không chần chừ, ông liền điện báo chính quyền địa phương. UBND xã Quế Lưu lập tức thông báo với Cơ quan Quân sự huyện Hiệp Đức. Và chỉ trong vòng nửa ngày, Huyện đội Hiệp Đức đã tra cứu và xác nhận thông tin về liệt sĩ có tên Dương Húy. Đó chính con trai của nữ liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Xướng (SN 1915, ở thôn 5, Bình Dương, Thăng Bình).
Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, ngày 13.4.2013, Huyện đội Hiệp Đức cùng gia đình anh Dương Văn Điểm - Phó Chánh Thanh tra Công an tỉnh, em trai của liệt sĩ Dương Húy đã đến xã Phước Gia để đưa hài cốt liệt sĩ Dương Húy về nghĩa trang xã Bình Dương. Trong xúc động, anh Điểm tâm sự, gia đình anh rất vui mừng khi tìm được mộ của anh trai. Sau khi anh Dương Húy hy sinh, đồng đội có đến nhà trao giấy báo tử và tư trang của anh. Tuy nhiên, việc mộ anh Húy ở đâu, đơn vị chỉ biết rằng anh hy sinh ở chiến trường Quảng Nam, dọc sông Thanh. Sau ngày giải phóng, gia đình cũng đã nhiều lần đi tìm mộ của anh Húy nhưng không có tin tức.
Nhà có 5 liệt sĩ
Về Bình Dương (Thăng Bình) hỏi thăm nhà mẹ Võ Thị Xướng hầu như ai cũng biết. Và ngay lập tức, người dân nơi đây sẽ xác nhận địa chỉ này bằng một câu rất đỗi tự hào: “Đó là nhà có 5 liệt sĩ”.
Sinh ra, mẹ được đấng sinh thành đặt tên “Xướng” với mong muốn sẽ là người có bản lĩnh, dám đương đầu với khó khăn, thử thách. Và mẹ đã sống như ước nguyện của cha mẹ. Đất nước chiến tranh, mẹ hăng hái tham gia cách mạng. Là đảng viên, Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Bình Dương, hết làm giao liên, mẹ lại nuôi giấu cán bộ, rồi đứng đầu các cuộc đấu tranh ở địa phương. Khi các con bắt đầu biết nhận thức, mẹ Xướng đã truyền cho các con tinh thần cách mạng, lòng căm thù giặc. Trừ 2 người con nhỏ, 6 người con lớn của mẹ đều cầm súng bảo vệ đất nước. Và trong số 6 người con kiên trung của mẹ, 4 con trai đều hy sinh, được công nhận là liệt sĩ, 2 người con gái là thương binh. Năm 1950, con trai đầu của mẹ - anh Dương Ngạn (SN 1934), Trung đội trưởng thuộc Sư đoàn 2, Quân khu 5, đã hy sinh tại chiến trường Quảng Ngãi. Đến năm 1966, người con trai thứ tư của mẹ là anh Dương Húy (SN 1942) hy sinh bên bờ sông Thanh. Sau đó 3 năm, mẹ Xướng hy sinh trong trận đấu tranh không cho quân lính Mỹ đốt nhà, hãm hiếp phụ nữ. Và rồi năm kề sau đó, người con trai thứ bảy là anh Dương Ánh (SN 1950) - dũng sĩ diệt Mỹ của xã Bình Dương đã hy sinh trên chính mảnh đất quê hương. Đến năm 1970, anh Dương Minh (SN 1935) hy sinh trong một trận đấu giáp lá cà với địch. Trong hồi ức, anh Dương Văn Điểm (người con trai còn lại duy nhất của mẹ Xướng) kể: “Khi nghe tin anh trai đầu của tôi mất, mẹ không khóc, nhưng mẹ thức trắng cả đêm. Sau đó, mẹ lại lao vào những nhiệm vụ cách mạng. Ngày nhận giấy báo tử của anh Húy, mẹ cũng vậy. Không rơi giọt nước mắt, nhưng người mẹ gầy rạc đi. Rồi mẹ lại lấy công việc làm nghị lực để vượt qua nỗi mất mát lớn lao ấy. Cho đến khi mẹ ngã xuống…”.
Phương Nam