Bắt “bệnh” để giúp thoát nghèo

BÍCH HẠNH 23/04/2013 08:47

Bắt đúng “bệnh” nghèo của người dân và bằng các chương trình, hành động cụ thể, huyện Bắc Trà My đã thành công bước đầu trong thực hiện lộ trình giảm nghèo bền vững.

“Phao cứu sinh” cho người nghèo

Bắc Trà My có tỷ lệ hộ nghèo rất cao (năm 2012 chiếm hơn 57%). Từ nhiều năm, cái nghèo nơi đây kéo dài dai dẳng do hạ tầng cơ sở yếu kém, khó đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ. Cái khó lớn nhất ở xứ “cao sơn ngọc quế” là địa hình miền núi xa xôi, chia cắt nhiều vùng miền. Từ tháng 9.2012 đến nay, rung chấn động đất mạnh liên tục xảy ra trên địa bàn cũng tác động đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Trong khi đó, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Trà My còn giữ thói quen canh tác lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào rừng, chưa mạnh dạn thay đổi tư duy kinh tế. Hộ nghèo ở nhiều xã đặc biệt khó khăn chiếm tỷ lệ cao. Do vậy, tranh thủ các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, tận dụng nội lực địa phương, Bắc Trà My đã cụ thể hóa thành hành động cụ thể.

Cây cao su được kỳ vọng sẽ xóa đói giảm nghèo cho vùng cao huyện Bắc Trà My. Trong ảnh: Vườn ươm cao su tại xã Trà Nú (Bắc Trà My).
Cây cao su được kỳ vọng sẽ xóa đói giảm nghèo cho vùng cao huyện Bắc Trà My. Trong ảnh: Vườn ươm cao su tại xã Trà Nú (Bắc Trà My).

Đầu tiên, lãnh đạo huyện giao nhiệm vụ cho các ngành chuyên môn đôn đốc chính quyền cơ sở điều tra thực tế, mổ xẻ, chẩn đoán chính xác “bệnh” nghèo của từng hộ, đặc điểm từng thôn nghèo. Đồng thời, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng thoát nghèo chính đáng của người dân, từ đó mới đưa ra cách hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực. Tại xã Trà Đông, chương trình đào tạo nghề cho 67 lao động nông thôn với các mô hình trồng rau sạch, chăn nuôi heo, gà và nuôi cá nước ngọt đem lại hiệu quả. Các lớp thợ nề đang triển khai cho 3 xã Trà Giác, Trà Giáp, Trà Ka. Thanh niên các xã Trà Nú, Trà Tân, Trà Đông còn được dạy nghề trồng, chăm sóc cây cao su. Ngoài ra, các hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất trực tiếp đến tay người nghèo. Hiện, đồng bào các xã Trà Đốc, Trà Giang, Trà Sơn, Trà Tân và Trà Nú còn được trao “cần câu” là con giống, cây giống phục vụ sản xuất. Điểm tương đồng ở các xã vùng cao của huyện là bà con không thiếu tư liệu sản xuất, không thiếu việc làm trong trồng trọt lẫn các nghề phi nông nghiệp khác, song do tư duy làm ăn lạc hậu, manh mún, trông chờ ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước đã khiến họ… nghèo triền miên.

Thời gian qua, những đồng vốn từ chính sách tín dụng ưu đãi được ví như “phao cứu sinh” cho người nghèo ở Bắc Trà My. Tính đến hết năm 2012 có 6.608 hộ trên toàn huyện vay vốn ưu đãi theo chương trình giảm nghèo với tổng dư nợ hơn 180 tỷ đồng. Trong đó, phục vụ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh hơn 146 tỷ đồng (chiếm hơn 81%), phục vụ ổn định an sinh xã hội hơn 3 tỷ đồng (gần 19%). Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bắc Trà My, thời gian qua bà con đã sử dụng đúng mục đích vay vốn vào phát triển chăn nuôi, làm vườn, sản xuất lúa nước, buôn bán nhỏ. Phần lớn đối tượng vay vốn bước đầu ổn định được kinh tế gia đình, tình trạng thiếu đói cơ bản được đẩy lùi. Cán bộ ngân hàng xuống cơ sở giám sát chặt chẽ nguồn vốn vay cho hộ nghèo nên nợ quá hạn cho đối tượng này đã khống chế dưới 1%.

Thưởng cho hộ thoát nghèo

Theo thống kê của UBND huyện Bắc Trà My, toàn huyện có 5.563 hộ nghèo (24.355 nhân khẩu), chiếm tỷ lệ hơn 57% tổng số hộ trên địa bàn. Điều tra, khảo sát cho thấy, có 326 hộ thiếu phương tiện sản xuất, 438 hộ thiếu lao động, gia đình có đông người 897 hộ, 1.567 hộ không biết cách làm ăn, 243 hộ không có tay nghề, 293 hộ có người đau ốm nặng…

Không giảm nghèo theo phong trào, gần đây, chính quyền huyện Bắc Trà My tổ chức thu thập thông tin, điều tra xã hội học, khảo sát hộ nghèo, thôn nghèo rất chi tiết và “cột” người nghèo vào thế phải phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Theo bà Huỳnh Thị Kim Dung – Phó Chủ tịch UBND huyện, đối với các chương trình hỗ trợ trực tiếp sẽ áp dụng theo hình thức lấy ý kiến nhân dân về đăng ký nhu cầu được hỗ trợ bằng tiền mặt, hay hiện vật tùy theo mục đích và nhu cầu sử dụng. Mỗi thôn, bản có đặc thù nghèo riêng, nên giao cho các địa phương chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp và thực hiện các chính sách về hỗ trợ giảm nghèo. Mục tiêu cuối cùng là tạo điều kiện để đồng bào nhận thức vươn lên thoát nghèo, xóa bỏ tư tưởng… “muốn được nghèo” của bộ phận người dân.

Ngoài cơ chế, chính sách giảm nghèo, cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện còn tích cực “đồng hành với người nghèo”. Nhận nhiệm vụ giúp đỡ hai hộ nghèo tại xã Trà Đông, cuối năm 2011, Phòng Tài nguyên - môi trường huyện đã bàn bạc với chính quyền sở tại lên phương án hỗ trợ bò, heo giống cho hộ ông Võ Văn Kiểm và Trà Phước Hòa - là 2 hộ đồng bào dân tộc thiểu số của xã Trà Đông. Con vật nuôi hiện phát triển, đang sinh sản, việc thoát nghèo của hai hộ trên chỉ là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, không phải hộ nghèo nào cũng được hỗ trợ “cần câu”. Đơn cử như hộ nghèo Võ Văn Dương (thôn Dương Thạnh - xã Trà Dương) dù có đến 8ha đất lâm nghiệp, 5 sào ruộng nhưng do không biết cách làm ăn nên vẫn thu nhập ở mức… hộ nghèo. Qua khảo sát, chẩn đoán đúng “bệnh nghèo”, Văn phòng HĐND&UBND huyện quyết định không hỗ trợ vốn mà đưa cán bộ, kỹ sư trực tiếp đến tư vấn, hướng dẫn phương thức sản xuất, trồng trọt cho hộ ông Dương.

Chương trình “Cán bộ, đảng viên huyện Bắc Trà My đồng hành với người nghèo” thu hút 105 đơn vị, cơ quan tham gia giúp đỡ 118 hộ nghèo trên địa bàn. Qua một năm triển khai, đến nay có 14/118 hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Năm 2013, địa phương phấn đấu giảm 60 hộ nghèo (50% tỷ lệ hộ nghèo). Điều đáng nói là cán bộ, đảng viên nơi đây đã “cầm tay chỉ việc” đồng hành với người nghèo về phương pháp, cách thức tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, kinh nghiệm làm ăn… Để khuyến khích, Bắc Trà My còn “treo” thưởng 2 triệu đồng cho hộ nào thoát được nghèo.

BÍCH HẠNH

BÍCH HẠNH