Hướng mới trong tuyển sinh
Dựa trên nền tảng nhân văn, nhìn nhận con người một cách đa chiều, toàn diện, phương án tuyển sinh của trường
Sinh viên trường Đại học Phan Châu Trinh tham gia mùa tư vấn tuyển sinh 2013 do Báo Thanh niên tổ chức. Ảnh: UYÊN NGUYÊN |
Nhà văn Nguyên Ngọc - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học Phan Châu Trinh cho biết, phương án tuyển sinh này xuất phát từ một triết lý giáo dục nhân văn. Theo ông, có lẽ trừ một số ít trường hợp cá biệt, ở rất ít người có thể bị “tai nạn” tổn thương về mặt sinh lý thế nào đấy. Còn thường, ở mỗi người, mỗi học sinh, mỗi sinh viên đều có một điểm gì đó đặc sắc.
Đề án tuyển sinh của trường Đại học Phan Châu Trinh đã trình Bộ GDĐT. Đề án này gồm 3 phần chính: 1 - Đề án tuyển sinh tổng thể; 2 - Lộ trình thực hiện đề án (giai đoạn 2013 - 2016); 3 - Phương án tuyển sinh cụ thể năm 2013 theo lộ trình. |
Theo đó, phương án tuyển sinh của trường Đại học Phan Châu Trinh là một bộ tiêu chuẩn xét tuyển gồm 5 tiêu chí. Các tiêu chí này xem xét một cách toàn diện những kết quả đạt được của thí sinh (TS) trong quá trình học phổ thông. TS sẽ chứng minh khả năng học đại học của mình thông qua: Tiêu chí 1 - kết quả điểm thi đại học theo đề thi 3 chung của Bộ GDĐT; tiêu chí 2 - điểm thi tốt nghiệp THPT; tiêu chí 3 - kết quả điểm tổng kết 3 năm học THPT (theo học bạ); tiêu chí 4 - kết quả kiểm tra về khả năng tư duy (do nhà trường tổ chức); tiêu chí 5 - kết quả phỏng vấn trực tiếp của hội đồng tuyển sinh nhà trường về kiến thức tổng hợp, thái độ, kỹ năng, hành vi, sở thích...
Năm tiêu chí xét tuyển sẽ được áp dụng tăng dần theo từng năm: năm 2013 áp dụng 3 tiêu chí (1-2-3), năm 2014 áp dụng 4 tiêu chí (1-2-3-5), từ năm 2015 trở đi áp dụng cả 5 tiêu chí. TS sẽ được quen dần với cách xét tuyển mới, đặc biệt là tiêu chí 4 (kiểm tra tư duy) và tiêu chí 5 (phỏng vấn trực tiếp). Mỗi tiêu chí chiếm tỷ trọng 20% trong tiêu chuẩn xét tuyển, tương đương 20 điểm. Tổng điểm xét tuyển 100, trường sẽ lấy TS từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Phương án này sẽ đánh giá TS trong cả quá trình học tập nên sẽ tránh yếu tố “học tài thi phận” vẫn xảy ra từ trước đến nay, khi việc xét tuyển chỉ dựa vào điểm sàn của kỳ thi “3 chung”. Việc xét tuyển dựa vào nhiều tiêu chí như trên sẽ có thể đánh giá được năng lực của người học một cách toàn diện. Theo đó, điểm sàn đại học chỉ là một trong nhiều tiêu chí xét tuyển, TS không cần trên điểm sàn vẫn có thể vào đại học nếu đáp ứng đủ các tiêu chí còn lại.
“Tôi có một niềm tin rằng người nào cũng có một điểm gì đấy nổi trội, nên cố gắng làm sao thăm dò tìm ra khả năng giỏi của mỗi thí sinh, để giúp các em trên đường phát triển. Nếu công tác tuyển sinh không đúng, khác nào chúng ta đã loại bỏ đi quyền lợi, cơ hội học tập của thí sinh”. (Nhà văn Nguyên Ngọc ) |
Để tăng độ chính xác trong việc xét tuyển, nhà trường đã thêm 2 bước, cũng là 2 tiêu chí hiện đang được các học sinh và phụ huynh đặc biệt quan tâm. Đó là kiểm tra tư duy và phỏng vấn trực tiếp. Điểm đặc biệt trong tiêu chí này là nhà trường không chú trọng kiểm tra kiến thức. Hội đồng tuyển sinh quan niệm kiến thức phải được biến thành tư duy nên sẽ có những câu hỏi nhằm thăm dò xem TS đã “tiêu hóa” kiến thức được học ra sao. Như vậy, TS không cần phải học thuộc lòng, chỉ cần hiểu vấn đề và diễn đạt trong sáng. Nhà trường cũng sẽ có những câu hỏi, hoặc trao đổi để thăm dò tố chất cho những ngành học mà TS đăng ký. Nhà văn Nguyên Ngọc chia sẻ: “Tôi có một niềm tin rằng người nào cũng có một điểm gì đấy nổi trội, nên cố gắng làm sao thăm dò tìm ra khả năng giỏi của mỗi TS, để giúp các em trên đường phát triển. Nếu công tác tuyển sinh không đúng, khác nào chúng ta đã loại bỏ đi quyền lợi, cơ hội học tập của TS”.
Thạc sĩ Đỗ Thế - Hiệu phó trường Đại học Phan Châu Trinh cho hay: “Trong phương án cụ thể của năm 2013, nhà trường đã đề xuất với Bộ GDĐT áp dụng 3 tiêu chí 1-2-3 theo tỷ trọng điểm xét tuyển lần lượt là 20%, 30% và 50%. Các tiêu chí 4 và 5 không áp dụng để xét tuyển mà sẽ tiến hành vào đầu năm học nhằm giúp nhà trường hiểu hơn về sinh viên. Đồng thời, phát hiện những năng khiếu, sở trường của sinh viên… để có kế hoạch phát huy sự nổi trội trên lĩnh vực nào đó của sinh viên ngay từ đầu”. Em Nguyễn Thạch Thảo (học sinh trường THPT Trần Quý Cáp, Hội An) cho biết: “Lực học của em nhiều năm nay đều đạt khá, giỏi. Tuy nhiên, em rất lo lắng với kỳ thi trước mắt, nhất là với những môn yêu cầu TS học thuộc lòng kiến thức. Nếu được xét tuyển dựa trên những tiêu chí khác như khả năng thuyết trình, các kỹ năng mềm, tư duy phản biện xã hội em sẽ cảm thấy tự tin hơn”.
Nền giáo dục nhân văn phải làm cách nào tìm, khơi gợi và phát huy được ở người học những sở trường, khả năng nhất định. “Chúng tôi quyết tâm phấn đấu để phương án này được thông qua không chỉ vì sự nghiệp của trường Đại học Phan Châu Trinh mà còn vì sự phát triển chung của nền giáo dục Việt Nam. Chúng tôi đưa ra phương án tuyển sinh mới với mong muốn mang đến sự đổi mới trong nền giáo dục, hướng đến xây dựng một nền giáo dục nhân văn hơn” - nhà văn Nguyên Ngọc nói.
UYÊN NGUYÊN