Nhọc nhằn qua sông “cõng” chữ...
Cứ mỗi ngày hai lượt, rất nhiều học sinh trên địa bàn 4 thôn của xã miền núi Đại Sơn (huyện Đại Lộc) phải qua sông bằng thuyền rồi đi bộ gần 3km để đến trường để kiếm cái chữ. Vì điều kiện đi lại quá khó khăn nên không ít em phải đành chấp nhận dang dở chuyện đèn sách...
Mỗi ngày hai lượt, các em học sinh ở Đại Sơn phải qua đò để đến trường. Ảnh: L.D |
Xã Đại Sơn hiện có tất cả 7 thôn, trong đó Tân Đợi, Đồng Chàm, Tam Hiệp, Đầu Gò là 4 thôn nằm bên kia bờ sông Vu Gia nên các em học sinh buộc phải đi đò qua sông mới có thể đến trường. Chủ thuyền Nguyễn Văn Tâm nói: “Thường mỗi chuyến đưa khách qua sông, tôi thu 10 nghìn đồng/lượt. Riêng các em học sinh ở 4 thôn trên, hằng tháng tôi chỉ lấy mỗi cháu 30 nghìn đồng nhằm tạo điều kiện cho các cháu đến trường”. Dù được ông lái đò lấy giá rất “mềm” nhưng 30 nghìn đồng phải nộp mỗi tháng cho hành trình đi tìm cái chữ đối với những học sinh nơi đây là chuyện không hề nhỏ. Bởi, hầu hết các em đều có cuộc sống gia đình rất khó khăn, trong khi đó còn phải lo đóng học phí, mua sách vở, bút mực, áo quần. Em Võ Như Phương - một học sinh lớp 6 chia sẻ: “Hiện ở thôn Tân Đợi của em vẫn còn nhiều bạn đi học, chứ tại thôn Tam Hiệp và Đồi Gò thời gian qua đã có không ít bạn cùng trang lứa phải nghỉ học vì gia đình quá nghèo, nhà lại ở rất xa trường”. Những ngày mưa lớn, nước sông dâng cao, gió giật mạnh, ông Tâm không thể đưa đò nên các em phải nghỉ học.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Tài Liệu - Chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho biết, hiện trên địa bàn 4 thôn Tân Đợi, Đồng Chàm, Tam Hiệp, Đồi Gò có hơn 100 em học sinh trong độ tuổi đến trường. Tuy nhiên, vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, việc đi lại quá cách trở nên thời điểm này số học sinh theo học tại các trường chỉ khoảng 40 em. Ông Liệu cho biết thêm: “Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, chính quyền và hàng nghìn người dân xã miền núi Đại Sơn luôn ước mơ có được một cây cầu kiên cố nối đôi bờ sông Vu Gia. Tuy nhiên, mơ ước ấy rất khó thành hiện thực nếu không có sự quan tâm hỗ trợ từ nhiều phía”.
LÊ DIỆU