Định hình sản phẩm chất lượng

NAM KHA 13/04/2013 08:29

Phát triển và định hình chất lượng sản phẩm du lịch (DL) mới là “mệnh lệnh tự thân” của cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp Quảng Nam ngay trong năm tái trình diễn lễ hội di sản.
Làng DL cộng đồng Mỹ Sơn (Duy Xuyên) đã chính thức mở cửa đón du khách gần 1 tháng trước (ngày 14.3), dù chưa biết hiệu quả của sản phẩm mới này đến đâu nhưng lời hứa “sẽ mang khách đến” của các công ty lữ hành đã khiến nhiều người kỳ vọng, đặc biệt là việc giúp người dân cải thiện sinh kế. Trong mắt của các nhà tổ chức DL, làng DL cộng đồng thành hình, xem như đã “hiện thực hóa” ý tưởng chọn năm 2013 là Năm phát triển và định hình sản phẩm DL chất lượng cho ngày trở lại của “Hành trình di sản Quảng Nam” vốn tạm dừng 4 năm qua (với tên gọi khác là Festival di sản).

Làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng. Ảnh:T.D
Làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng. Ảnh:T.D

Sản phẩm mới này mở ở ngoại biên Hội An cũng được xem là “dấu chấm hết” cho những day dứt bấy lâu khi muốn giải bài toán phức tạp về việc định hình, phát triển DL bền vững. Đây cũng là dấu ấn, tạo động lực đóng góp trở lại cho việc bảo vệ, làm giàu dựa trên các tài nguyên văn hóa, lịch sử, chia sẻ lợi ích từ DL, cải thiện đời sống của cộng đồng cư dân địa phương. Chuyên gia bảo tồn, DL Randy Durband của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng những sản phẩm DL mới sẽ giữ được giá trị văn hóa chân thực, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân, dù ít du khách nhưng chi tiêu nhiều hơn như DL cộng đồng. Đây là cơ hội cho Quảng Nam mở đường khai thác tối đa lợi thế phát triển DL mà vẫn bảo tồn được di sản.

Giới DL nhận định, con đường mở rộng không gian phát triển DL theo “tam giác vàng” di sản Cù Lao Chàm - Hội An - Mỹ Sơn và lên phía tây theo đường Hồ Chí Minh là một lựa chọn đúng đắn. Theo họ, tốc độ tăng trưởng DL bình quân 30% mỗi năm trong hơn một thập kỷ qua, cho thấy hình ảnh Quảng Nam đã được thay đổi đáng kể. Nhưng không ít sản phẩm từng thành công đã bắt đầu có dấu hiệu thoái trào. Điều đó đang trở thành thách thức với cơ quan quản lý, doanh nghiệp khi chưa biết cách nào “làm mới” và sự thiếu vắng sản phẩm đặc hiệu đã khiến DL Quảng Nam “hụt hơi”. Vì vậy, việc phát triển, định hình chất lượng sản phẩm DL đặc hiệu là điều cần thiết trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường DL ngày càng khốc liệt.

Tuyên bố và khát vọng của cơ quan quản lý đã được cộng đồng DL hưởng ứng để hướng tới xây dựng thương hiệu riêng cho Festival di sản Quảng Nam kể từ năm 2013 không còn là chuyện bàn cãi. Tuy nhiên, giới lữ hành vẫn lo ngại liệu các sản phẩm này có định hình bền vững hay cũng chỉ là những show diễn hoành tráng, tưng bừng trong ngày khai trương để rồi… chết yểu, như các sản phẩm trước đó tại Bông Miêu (Phú Ninh), Lộc Yên (Tiên Phước)… Giám đốc Sở VH-TT&DL, ông Đinh Hài, nhìn nhận các sản phẩm đã mở những năm trước bị “chết yểu” vì cách trở giao thông, thiếu sự quảng bá, đầu tư và không có mô hình cụ thể nào để phát triển, nhân rộng. Còn năm nay, Nhà nước sẽ tăng cường ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng, quảng bá, xúc tiến và hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp. Nếu như sản phẩm “không gian ẩm thực 3 miền” tại Golden Sand hay “ăn trên đường phố” của Hội An Travel đều được những doanh nghiệp DL hàng đầu tổ chức… thì sản phẩm mới như Phú Ninh, đường mòn Hồ Chí Minh, DL cộng đồng tại làng Bhơ Hôồng (Đông Giang) cũng được các doanh nghiệp lớn bỏ ra hàng tỷ đồng để đầu tư. “Các sản phẩm mới đều có sự đầu tư của doanh nghiệp liên kết cùng người dân địa phương. Họ cam kết đầu tư toàn bộ, nhưng lợi ích sẽ được chia đều cho cộng đồng và không đặt lợi nhuận trong một vài năm đầu cho các khoản đầu tư ấy… thì không có lý do gì để không trở thành một sản phẩm DL mới đủ sức cạnh tranh” - ông Hài nói.

NAM KHA

NAM KHA