Hết lòng vì người bệnh

HOÀNG LY - ĐOÀN ĐẠO 28/03/2013 08:48

Các cán bộ, nhân viên của Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam (gọi tắt là Trung tâm), đóng chân tại xã Tam Ngọc, huyện Phú Ninh đã lấy tình yêu thương làm sức mạnh, hết lòng chăm sóc bệnh nhân.

Hộ lý Lê Thị Ánh bón cơm cho một bệnh nhân tâm thần bị bại liệt.
Hộ lý Lê Thị Ánh bón cơm cho một bệnh nhân tâm thần bị bại liệt.

Trăm nỗi vất vả

Ca trực của anh Lê Văn Quảng - Tổ trưởng tổ quản lý mỗi ngày bắt đầu từ trước 6 giờ, sớm hơn lịch làm việc một tiếng đồng hồ. Anh cho biết, đây là thói quen chung của các cán bộ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân tâm thần chứ không chỉ riêng mình. “Đến sớm để giúp đồng nghiệp ở ca trực trước gọi bệnh nhân dậy tập thể dục, hướng dẫn họ đánh răng, cho ăn sáng. Lúc đó, chúng tôi tranh thủ giao ban ca trực để vào việc luôn”. Anh Quảng tâm sự: “Mình công tác ở Trung tâm đã gần 10 năm. Lúc mới vào đây, mình không thể tránh khỏi cảm giác “sợ”, vì phải sống giữa cả trăm bệnh nhân tâm thần, có thể tấn công mình bất cứ lúc nào khi họ phát bệnh. Giờ thấy quen, lại… yêu nghề này”.

Những tưởng công việc quản lý bệnh nhân tâm thần là hướng dẫn lao động trị liệu, vui chơi giải trí, ăn ngủ… sẽ đơn giản, nhưng khi “ở cùng” các cán bộ quản lý một ngày, mới biết rằng: chẳng phải ai cũng làm được công việc này. Anh Quảng chia sẻ: “Phải hết sức nhẹ nhàng trong thuyết phục bệnh nhân thực hiện mỗi công việc, dù là đơn giản nhất. Chuyện bệnh nhân rượt đánh người chăm sóc mình không phải là hiếm. Bản thân mình cũng đôi lần bị bệnh nhân xé áo, hành hung. Biết là nguy hiểm, nhưng nghề nghiệp của mình có… đặc thù này mà. Vả lại, ai đã chọn công tác ở Trung tâm thì phải có lòng vị tha và sự cảm thông”. Góp vào câu chuyện, ông Nguyễn Xuân Hậu - Phó Giám đốc Trung tâm cho hay: “Mới đầu giờ làm việc hôm nay, tôi chứng kiến cảnh một cán bộ bị bệnh nhân rượt chạy “té khói”. May mà các cán bộ khác can ngăn kịp thời. Công việc của cán bộ, nhân viên ở đây luôn ở trong tâm thế bị động, nếu không có tâm huyết thì chẳng làm được đâu. Bệnh nhân cứ la hét suốt ngày, ai lạ đến đây chỉ một ngày thôi là nhức đầu, mệt mỏi”.

Làm việc từ ngày thành lập Trung tâm đến nay, chị Lê Thị Ánh luôn làm tròn trách nhiệm của một hộ lý với trăm bề vất vả. “Hồi mới vào làm việc, ở với trăm bệnh nhân tâm thần, chị cũng thấy sợ. Nhưng vì mình gần gũi giúp đỡ trong sinh hoạt nên họ cũng quý mình lắm. Công việc của hộ lý ở Trung tâm có những vất vả khó nói thành lời, đặc biệt là chăm sóc bệnh nhân nữ”. Chị Ánh kể về những lần vất vả dọn dẹp khi bệnh nhân đại tiện xong vứt tung tóe, đập phá đồ đạc. Hay khi bệnh nhân không chịu ăn uống, các chị phải dỗ dành bón từng muỗng, rồi chuyện dỗ cho bệnh nhân ngủ…

Hạnh phúc

Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam hiện nuôi dưỡng 155 bệnh nhân tâm thần, đa số là tâm thần mãn tính. Chuyện bệnh nhân đánh bệnh nhân, đánh cán bộ, nhân viên thường xuyên xảy ra nên Trung tâm phân công trực theo ca 24/24 giờ để tránh các hành vi nguy hiểm và trường hợp bệnh nhân bỏ trốn.

Nhiều năm liền, Trung tâm và nhiều cán bộ, nhân viên được Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh, ngành LĐ-TB&XH khen tặng là điển hình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Anh Quảng kể về món quà anh nhận được giống như chuyện cổ tích: “Năm 2008 có một bệnh nhân tên Hiệp quê ở Trà Dương (Bắc Trà My) vào Trung tâm với chứng trầm cảm trầm trọng. Lúc đó, Hiệp là một trong những bệnh nhân quậy phá nhất ở đây. Cũng giống như cách đối xử với bao bệnh nhân khác, tôi nhẹ nhàng tiếp cận Hiệp bằng những lời hỏi han chân tình. Và rồi Hiệp cũng kể về hoàn cảnh của mình. Do làm ăn thất bại, Hiệp phát bệnh ở thể nhẹ. Thêm chuyện vợ con bỏ đi, Hiệp suy sụp tinh thần nhanh chóng và bệnh tình nặng hơn. Trong 2 năm Hiệp điều dưỡng, điều trị ở Trung tâm, tôi tâm sự với em hằng đêm bằng sự đồng cảm, kể những chuyện ấm áp về tình người để em thấy cuộc sống này còn ý nghĩa. Giờ thì Hiệp đã hết bệnh ra về, xây dựng cuộc sống mới với một cô giáo ở Quảng Ngãi. Thỉnh thoảng, Hiệp về thăm tôi và các cán bộ khác, không quên mang theo quà cho bệnh nhân ở Trung tâm”. Anh Quảng còn cho biết, nhiều người khỏi bệnh trở về hòa nhập cộng đồng vẫn thường đến thăm anh ở nhà riêng, chia sẻ câu chuyện của cuộc sống. “Hạnh phúc nghề nghiệp của chúng tôi là vậy!” – Anh Quảng chia sẻ.

Nhìn chị Ánh bón từng muỗng cơm cho một bệnh nhân tâm thần bị bại liệt, chúng tôi cảm giác như chị đang chăm chính người thân của mình. “Mình yêu thương bệnh nhân như chính người nhà, sẽ nhận lại được sự yêu thương gấp bội từ người bệnh. Bây giờ con cái đã ổn định công việc nên tôi dành hết thời gian cho việc chăm sóc các bệnh nhân ở đây” - chị Ánh cho hay. Chị còn chia sẻ, ca trực nào cũng dành thời gian trò chuyện, tâm sự với người bệnh, bởi đây là liều thuốc quan trọng giúp họ vượt qua bệnh tình. Chị bảo: “Chưa bao giờ tôi có ý định tìm một nghề khác cho đỡ vất vả hơn theo như nhiều người từng khuyên. Và công việc của tôi là dùng tình cảm để giúp họ hết bệnh về hòa nhập với gia đình, xã hội”.

Ngày lại ngày, những cán bộ, nhân viên Trung tâm vẫn âm thầm dùng tình cảm của mình kết hợp với nhiều phương pháp trị liệu giúp bệnh nhân tâm thần khỏi bệnh, với ước mong có ngày họ được tái hòa nhập cộng đồng. Dù Trung tâm còn nhiều khó khăn thiếu thốn, cán bộ, nhân viên ở đây vẫn chăm lo đầy đủ từng viên thuốc, bữa ăn, giấc ngủ cho bệnh nhân một cách chu đáo, và chưa bao giờ nề hà hay than thở về công việc của mình.

HOÀNG LY - ĐOÀN ĐẠO

HOÀNG LY - ĐOÀN ĐẠO