Nhóm 5 nước có nền kinh tế mới nổi thành lập ngân hàng chung

NAM VIỆT 27/03/2013 09:03

(QNO) - Hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 5 nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới - BRICS (gồm: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi) diễn ra tại thành phố cảng Durban (Nam Phi) vào hôm nay 27.3. Sự kiện nổi bật nhất  tại hội nghị lần này là các nước thành viên đã nhất trí thành lập một ngân hàng phát triển chung của 5 quốc gia thành viên.

BRICS chiếm đến 43% dân số thế giới (khoảng 3 tỷ người), 20% GDP toàn cầu (khoảng 13.900 tỷ USD). Trong 2 thập niên qua, BRICS luôn dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Chỉ tính riêng trong năm 2012, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 4%, trong khi tăng trưởng GDP của nhóm các nền kinh tế phát triển (G-7) chỉ 0,7%.

Các nhà lãnh đạo thành viên của BRICS tại hội nghị thượng đỉnh 2012.
Các nhà lãnh đạo thành viên của BRICS tại hội nghị thượng đỉnh 2012.

Báo cáo xu hướng đầu tư toàn cầu của Liên hiệp quốc công bố trước thềm khai mạc hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này cho thấy, chỉ trong vòng một thập kỷ qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khối BRICS đã tăng gấp 3 lần so với thập kỷ trước, đạt 263 tỷ USD vào năm 2012, chiếm 20% FDI toàn thế giới. Đầu tư trực tiếp của BRICS vào các nước khác tăng từ 7 tỷ USD năm 2000 lên 126 tỷ USD năm 2012.

Từ tiềm lực kinh tế nêu trên và trước yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, tại hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2012 (tổ chức ở thủ đô New Delhi - Ấn Độ) đã đưa ra ý tưởng chung về việc thành lập một ngân hàng phát triển chung của toàn khối. Và tại hội nghị lần này, các nước thành viên đã cụ thể hóa ý tưởng với việc nhất trí thành lập Ngân hàng Phát triển BRICS với vốn đầu tư ban đầu khoảng 50 tỷ USD.

Giáo sư Gilmar Masieiro, chuyên gia kinh tế trường Đại học tổng hợp Sao Paulo (Brazil) cho biết: “Những lợi ích của Ngân hàng Phát triển BRICS là rất rõ ràng. Các nước đang phát triển hiện đều có chung một vấn đề là thiếu vốn. Do đó, ngân hàng này ra đời sẽ giúp cung cấp nguồn vốn cần thiết để thúc đẩy thương mại quốc tế”. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tham vọng của BRICS là tham gia tích cực hơn vào quá trình thành lập trật tự tài chính và kinh tế thế giới công bằng hơn để thoát khỏi sự thống trị của các nước lớn, đặc biệt là ảnh hưởng quyết định của Mỹ đối với Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Các lãnh đạo BRICS cũng tuyên bố sẽ thành lập quỹ dự trữ ngoại tệ với 240 tỷ USD huy động ban đầu để đối phó khủng hoảng tài chính.

Cũng tại hội nghị này, BRICS cũng nhất trí tạo lập Hội đồng Kinh doanh thường trực nhằm thúc đẩy thành lập Hội đồng Kinh doanh của BRICS. Thành phần của Hội đồng này gồm 5 đại diện từ mỗi nước.


NAM VIỆT

NAM VIỆT