Tour “hoài niệm chiến trường”
Không thiếu địa danh huyền thoại được ghi tên trên bản đồ du lịch (DL) Quảng Nam, nhưng vẫn chưa có tour “hoài niệm chiến trường” nào được mở để du khách về thăm chốn xưa…
1.Xe vừa qua khỏi dốc cầu Hà Tân, sông Ba Bến đã gặp ngay tượng đài Chiến thắng Thượng Đức dựng giữa trung tâm xã Đại Lãnh (Đại Lộc). Cậu bé Nhân tình nguyện dẫn khách lên đồi cũ, chếch về phía tây tượng đài khoảng vài trăm mét. Khu đồi xảy ra chiến sự ác liệt gần 40 năm qua chỉ còn lại những căn hầm đổ nát, dăm ba đoạn giao thông hào và sân bay dã chiến tráng nhựa loang lổ… giấu mình vào những bụi sim, mua lúp xúp, ken dày mồ mả. Hết ngược lên đồi, xuống hào sâu, Nhân lại vạch lá, phạt cây vào tận những căn hầm cũ.
Tượng đài Chiến thắng Núi Thành. Ảnh: H.X.H |
Nhân nói, không cần hướng dẫn viên thông thạo địa hình hoặc lịch sử chiến tranh cách mạng, nhiều người dân Đại Lãnh vẫn có thể kể tường tận về trận giải phóng Thượng Đức ngày 7.8.1974. Những người mang giấc mơ “hoài niệm” vẫn như còn nghe dư vang của tiếng đạn pháo và hình ảnh nữ du kích bé nhỏ tên Cúc đạp lên những hàng rào dây thép gai bùng nhùng, dẫn đường cho bộ đội Sư đoàn 340 và bộ đội địa phương tấn công phá nát hệ thống quân sự hầm ngầm kiên cố của chi khu quận lỵ Thượng Đức - một trong những căn cứ quân sự lớn nhất miền Nam Việt Nam. Thi thoảng có người ghé thăm khu di tích này, rồi đi. Nhưng có người vốn là cựu binh đã từng tham gia chiến sự giải phóng Thượng Đức như ông Nguyễn Hòa Bình (hiện là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietcombank Việt Nam) khi thăm lại chiến trường xưa đã quyết định hỗ trợ gần 8,9 tỷ đồng để trùng tu, xây dựng tượng đài Chiến thắng Thượng Đức.
Người dân địa phương dẫn khách đi thăm đồi Thượng Đức. |
Nếu trận Thượng Đức là cuộc đọ súng lịch sử của bộ đội chủ lực, để mở “cánh cửa thép” tây nam Đà Nẵng, thì trận đánh trên đồi Yên Ngựa - Núi Thành trước đó (ngày 25.5.1965) đã mở đầu phong trào “Tìm Mỹ mà đánh” trên toàn miền Nam, đưa lịch sử cách mạng Quảng Nam sang trang mới với 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Ngoài những địa danh trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp của địch như Bồ Bồ, Ngok Ta Vak, Khâm Đức, Đồi E, Prao, Cấm Dơi, Bến Giằng… thì khu căn cứ địa của Khu ủy 5, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 ở Nước Oa (Bắc Trà My), các khu di tích Phước Trà (Hiệp Đức), địa đạo Kỳ Anh (Tam Thăng, Tam Kỳ)… cũng vinh danh sự quật cường của người Quảng trong chiến tranh.
Tượng đài chiến thắng Thượng Đức. |
2.Những di tích gợi nhắc đến thời quá vãng hào hùng kia đã và đang được trùng tu, tôn tạo. Có nhiều cuộc về nguồn của giới trẻ hay những cựu binh đã không quản đường xa lặn lội trở lại chiến trường xưa. Nhưng một tour “hoài niệm chiến trường” vẫn chưa chính thức được mở, dù những chứng tích này luôn được định danh trên bản đồ DL Quảng Nam. Cơ quan quản lý du lịch vẫn thừa nhận là thiếu quá nhiều sản phẩm “đặc hiệu”, nên mở rộng biên độ phát triển lên phía tây hay đa dạng hóa điểm đến, mở các tour khám phá, thăm chiến trường xưa… để kích thích sự tò mò của du khách. Nhưng giới lữ hành lại vin vào hệ thống giao thông yếu kém hoặc nhiều dự án, kế hoạch vạch ra vẫn cứ nằm trên giấy nên không mặn mà mở tour. Rốt cuộc, đồi Thượng Đức vẫn hoang vắng, đồi Yên Ngựa vẫn lặng im, thi thoảng khách có đến cũng chỉ là đoạn kết của chuyến tìm kiếm cơ hội đầu tư nào đó. Ngay cả đường Hồ Chí Minh huyền thoại qua Quảng Nam dài 191km với những cái tên Prao, Bến Giằng, Làng Rô, Khâm Đức, Đồi E... đã tốn nhiều kinh phí cho các cuộc khảo sát, hội thảo vẫn chưa định hình được một tour DL cụ thể, trừ vài nhóm cựu chiến binh về thăm chiến trường xưa hay vài cuộc khám phá “ăn theo” lễ hội.
Khảo sát, tìm hiểu tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.Ảnh: T.DŨNG |
“Nếu tạo ra được điểm đến mới, phối hợp tốt giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân địa phương và có cách PR đi vào tâm trí khách hàng thì sẽ tạo thành thương hiệu cho sản phẩm. Từ đó, sợ gì không có khách theo những tour “thăm lại chiến trường xưa” như ý định của cơ quan quản lý và những người làm du lịch!”. (Ông ĐINH HÀI, Giám đốc Sở VH-TT& DL) |
Chính nỗi băn khoăn về tour “hoài niệm chiến trường” đã buộc cơ quan quản lý và lữ hành phải thức nhận, tìm hiểu và dự báo về tiềm năng của loại hình này. Ông Lê Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP DL dịch vụ Hội An cho biết đơn vị đã quyết định đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng, xây dựng 11 nhà ở tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để đưa khách đến lưu trú. Ba cây số đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Cà Dy (Nam Giang) cũng đang được phục hồi nguyên trạng. Tháng 6.2013, sản phẩm mới này sẽ chính thức mở cửa đón khách. Nơi ấy có đủ nhà hàng, nơi nghỉ và cả võng, hầm trú ẩn… như thời chiến. Khi phát triển, sẽ lại mở thêm bên kia sông một khu DL khác để chuẩn bị làm bước đệm cho các tour trở lại chiến trường xưa.
Ông Lê Tiến Dũng cho biết, nếu DL Quảng Nam chỉ nghĩ tới Hội An, Mỹ Sơn hay biển đảo thôi thì sẽ nghèo đi. Ngoài loại hình DL văn hóa, lịch sử, sinh thái…, nếu Quảng Nam có thêm các tour “chiến trường xưa” sẽ kéo dài thời gian lưu trú của khách. Quan niệm của công ty là không đặt vấn đề lợi nhuận trong vài năm đầu, nhưng dự báo sẽ rất hiệu quả từ nhiều năm sau. Tuy nhiên, trước tiên cơ quan quản lý phải quy hoạch và tạo dựng được sản phẩm DL đường mòn Hồ Chí Minh. Từ đó, doanh nghiệp sẽ hợp tác đầu tư để khai thác, lấy người dân làm nền tảng, tạo thu nhập cho địa phương.
Hy vọng ý tưởng phục dựng con đường Hồ Chí Minh cùng với sự tham gia tích cực của một số doanh nghiệp (khởi động từ dịp Festival Di sản Quảng Nam 2013) sẽ “mở đường” cho nhiều cuộc đầu tư khác tại các di tích lịch sử khác ở Quảng Nam, đáp ứng nhu cầu của khách hoài niệm.
NAM KHA