Phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII: Tiếp tục tập trung chất vấn lãnh đạo ngành giáo dục
(QNO) - Chiều 22.3, phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp tục với phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, phiên chất vấn dành cho người đứng đầu ngành giáo dục nước nhà nóng ngay từ những phút đầu. Các đại biểu đã nêu ý kiến chất vấn về các nhóm vấn đề còn tồn tại, yếu kém của ngành giáo dục gây bức xúc cho cử tri và dư luận cả nước trong thời gian qua. Đó là vấn đề chất lượng giáo dục đào tạo ngày càng đi xuống đáng báo động, tình trạng sinh viên ra trường nhưng không có việc làm hoặc làm việc trái với ngành học; tình trạng cho mở trường đại học tràn lan gây lãng phí về nguồn nhân lực và vật lực cũng như sự yếu kém chất lượng đào tạo của những trường này; những tiêu cực trong ngành giáo dục, căn bệnh thành tích và tình trạng xuống cấp của đạo đức học đường; chính sách thực hiện xã hội hóa giáo dục, kế hoạch phân bổ các nguồn vốn đầu tư cho giáo dục; việc chậm triển khai thực hiện hỗ trợ đối với giáo viên, học sinh mầm non theo quy định; công tác quản lý in ấn sách giáo khoa có nhiều sai sót trong thời gian qua; có hay không sự phân biệt gây bất bình đẳng giữa các trường công lập và ngoài công lập; công tác phân ban, phân luồng ở các cấp học, quản lý chỉ tiêu tuyển sinh, vấn đề dạy thêm, học thêm. Ngoài ra, các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về các giải pháp thực hiện đối với Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo” của Bộ GDĐT lần này; trong đó bày tỏ quan tâm về có hướng ưu tiên khâu đột phá thực hiện cũng như hướng hỗ trợ cho các vùng khó khăn, miền núi, đồng bào dân tộc khi thực hiện triển khai thực hiện Đề án này…
Giải trình ý kiến chất vấn của các đại biểu, Bộ tưởng Bộ GĐĐT Phạm Vũ Luận đã thẳng thắn nhìn nhận những mặt tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý cũng như đáp ứng các đòi hỏi trong sự nghiệp trồng người của ngành; đồng thời nhận trách nhiệm trước các vấn đề mà cử tri và các đại biểu đã nêu ra tại phiên chất vấn. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định ngành giáo dục đã và đang nghiêm túc lắng nghe, ghi nhận và tranh thủ các ý kiến đóng góp tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm của các tầng lớp nhân để từng bước khắc phục những tồn tại, yếu kém, khuyết điểm đối với hoạt động của ngành. Với chức năng quản lý về giáo dục, Bộ đang gấp rút hoàn thiện Luật giáo dục để trình cơ quan có thẩm quyền thông qua để sớm triển khai trong toàn ngành, hi vọng Luật giáo dục được triển khai thì những vấn đề bức xúc, tồn tại lâu nay trong ngành giáo dục sẽ được chấn chỉnh, tạo được niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
Phát biểu kết thúc hai phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định không khí chất vấn và trả lời chất vấn của hai vị lãnh đạo cao nhất của ngành tòa án và ngành giáo dục đã diễn ra trong không khí cầu thị, nghiêm túc, trách nhiệm, thẳng thắn, tập trung vào các vấn đề liên quan mà cử tri và dư luận cả nước quan tâm. Đồng thời lưu ý, ngành toà án cần lưu ý thực hiện 8 chỉ tiêu nêu trong nghị quyết của Quốc hội; tăng cường công tác phối hợp với các ngành liên quan trong công tác tư pháp; tập trung thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện xử lý, chấn chỉnh đối với những cán bộ ngành vi phạm pháp luật… Ngành giáo dục cần tập trung hoàn thiện Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục- đào tạo” để trình cơ quan có thẩm quyền thông qua để sớm được triển khai, tăng cường công tác quản lý hoạt động xuất bản sách giáo khoa, tài liệu phục vụ hoạt động giáo dục, có các giải pháp quyết liệt khắc phục, chấn chỉnh căn bệnh thành tích, tiêu cực; rà soát điều chỉnh nội dung chương trình học tập, khắc phục tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, chú trọng xây dựng chương trình dạy tiếng Việt cho con em Việt kiều đang sống ở nước ngoài…
NGUYÊN ĐOAN