Thị trấn bên sông
Thị trấn Tiên Kỳ (huyện Tiên Phước) nằm bên sông Tiên hiền hòa thơ mộng, nhanh chóng đổi thay khi cầu sông Tiên nối liền đôi bờ. Sau 38 năm được sống trong cảnh hòa bình xây dựng, thị trấn bên sông đã có diện mạo mới với những gam màu tươi sáng...
Diện mạo mới
Tiên Phước là vùng đệm giữa đồng bằng và miền núi ở phía tây đất Quảng. Chảy ngang qua miền quê bán sơn địa, con sông Tiên đã chia cắt huyện Tiên Phước làm hai vùng; thị trấn Tiên Kỳ nằm ở mạn bắc sông Tiên. Do bị con sông Tiên ngăn chia cách trở nên việc đi lại giữa các xã trong huyện cũng như giữa vùng Nam - Bắc Trà My với đồng bằng gặp rất nhiều khó khăn trong mùa mưa lũ. Vì thế, 20 năm sau ngày giải phóng, nền kinh tế - xã hội của huyện Tiên Phước nói chung, thị trấn Tiên Kỳ nói riêng, vẫn chậm phát triển. Năm 1995, cầu sông Tiên được xây dựng mới đã tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu hàng hóa giữa các nơi trong huyện cũng như giữa vùng đồng bằng với miền núi. Và thị trấn bên sông nhanh chóng thay da đổi thịt. Nhà tầng mọc lên. Phố xá được mở rộng ra ngõ Tiên Mỹ và hướng Tiên Châu.
Việc làm ăn buôn bán của người dân thị trấn Tiên Kỳ “thuận buồm xuôi gió” hơn từ khi có cây cầu vĩnh cửu làm bằng bê tông cốt thép dự ứng lực được bắc ngang qua sông Tiên. Diện mạo mới với những gam màu tươi sáng của thị trấn bên sông không ngừng được điểm tô để trở thành “phố núi” sầm uất. Ông Lưu Văn Chính - cán bộ hưu trí ở khối phố Bình Phước, vui mừng nói: “Tiên Kỳ thực sự mang dáng dấp phố thị khi có cây cầu bắc qua sông Tiên. Hàng hóa giao lưu thuận lợi nên người dân phố thị Tiên Kỳ “ham” làm ăn buôn bán và ngày càng giàu lên. Mấy năm qua, chính quyền địa phương đã đầu tư kinh phí chỉnh trang đô thị khiến thị trấn bên sông làm ngỡ ngàng những khách vãng lai”. Mới đây, đề án quy hoạch chung xây dựng thị trấn Tiên Kỳ và vùng phụ cận được UBND tỉnh phê duyệt trùng với dự án tuyến đường tránh Nam Quảng Nam đã mở ra một ước vọng mới cho những người dân Tiên Phước về một phố thị đổi thay.
Vận hội mới
Theo đề án quy hoạch chung, thị trấn Tiên Kỳ và vùng phụ cận sẽ trở thành đô thị trung tâm phía tây của tỉnh theo mô hình cấu trúc mở, đa trung tâm. “Phố thị Tiên Kỳ sẽ phát triển dọc hai bờ sông Tiên theo hướng hiện đại nhưng vẫn có bản sắc riêng. Tổng thể đô thị Tiên Kỳ được lồng ghép với đặc thù kiến trúc cảnh quan, đặc điểm lịch sử phát triển của đô thị với các chiến lược mang tính đột phá. Ý tưởng phác thảo của chúng tôi là thị trấn bên sông sẽ phát triển theo cấu trúc đa trung tâm, trung tâm chính là trung tâm hiện hữu, các trung tâm mới sẽ hình thành lan tỏa theo các trục giao thông chính”, ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, cho hay. Nhiều chuyên gia khi tham gia xây dựng dự án đều đồng tình ủng hộ với quy hoạch của địa phương và điều đó có thể trở thành hiện thực vào năm 2025. Bởi động lực phát triển chính của đô thị là sự hình thành của tuyến đường Nam Quảng Nam sẽ trở thành đường xuyên Á và sự lớn mạnh của các khu kinh tế lớn trong khu vực như Khu Kinh tế mở Chu Lai, Dung Quất, cảng biển quốc tế… Thị trấn Tiên Kỳ phát triển theo hướng dịch vụ hậu cần cho các khu kinh tế lớn này.
Theo thuyết minh ý tưởng của dự án quy hoạch chung xây dựng thị trấn Tiên Kỳ đến năm 2025, phần trung tâm sẽ tiếp tục chỉnh trang, cải tạo, xây dựng mới vài khu dân cư. Khu vực này dự kiến sẽ phân bố dân cư với mật độ cao, mô hình nhà ở kết hợp thương mại - dịch vụ, đan xen trong các khu thương mại và hành chính của đô thị tạo nên nhịp sống sinh động, hài hòa giữa cũ và mới. Phần trung tâm phía nam ở khu vực suối Bình An hiện nay sẽ được chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp. Khu vực này giữ nguyên mô hình hiện trạng của dân cư. Phần đất còn lại bố trí các nhóm nhà ở với mật độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu ở mới phục vụ Khu công nghiệp Bình Yên. Khu vực phía bắc bố trí dân cư theo các trục đường mới hình thành, đồng thời chỉnh trang các nhóm dân cư cũ dọc các trục đường gắn với các khu công cộng của đô thị. Một bộ phận dân cư ven các trục đường chính kết hợp với thương mại - dịch vụ được phân bố với mật độ cao, bộ phận còn lại kết hợp kinh tế vườn ở mật độ thấp, mỗi lô đất có diện tích lớn với sân vườn tạo các mảng xanh trong đô thị. Và cuối cùng là phần trung tâm phía tây sẽ để dành cho việc kết hợp dịch vụ - du lịch với chất lượng cao cấp, ưu tiên phát triển mô hình du lịch homestay kết hợp với khu vực dân cư, vườn cây ăn quả, vùng đồi núi nhằm giữ chân du khách và là trạm dừng chân cho khu vực đầu mối.
Theo ông Hường Văn Minh, dự kiến đến 2015 sẽ hoàn thành một số công trình cơ bản như cầu Sông Tiên 2, tuyến đường ven sông Tiên đoạn đấu nối cầu Sông Tiên 1 và 2 trên cơ sở lồng ghép đường Nam Quảng Nam, đường ĐT 616 và đường tránh lũ nối nội thị với đường tránh Nam Quảng Nam. “Công trình đường ven sông Tiên mới thực hiện được một phần do khó khăn về kinh phí. Dự toán cho công trình kè này được UBND tỉnh phê duyệt là 158 tỷ đồng, nhưng đến nay mới tập trung làm mái kè từ cầu Sông Tiên 1 đến thôn Bình Phước để tránh sạt lở với kinh phí 55 tỷ đồng”, ông Dương Văn Thủ - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện cho biết. Sau 38 năm quê hương được giải phóng, vận hội mới đã và đang mở ra với Tiên Kỳ - thị trấn bên sông.
VƯƠNG HẰNG SA