Đừng tiếp tay cho dịch bệnh
Để ngăn chặn dịch bệnh trên gia súc gia cầm, nhất là dịch heo tai xanh hiện nay, không chỉ cần các cơ quan chức năng vào cuộc mà ngay với người tiêu dùng (NTD), cần phải thay đổi những thói quen như mua thịt không cần dấu kiểm dịch, không rõ nguồn gốc…
Mặc dù UBND tỉnh đã công bố dịch heo tai xanh nhưng mấy ngày đầu xảy ra dịch, một số chợ trên địa bàn tỉnh vẫn còn có tiểu thương buôn bán thịt heo. Theo ông Nguyễn Văn Hoàng - Trưởng phòng Dịch tễ (Chi cục Thú y tỉnh), khi mua phải thịt gia súc bị bệnh về sử dụng, chính NTD lại làm lây lan mầm bệnh sang đàn gia súc nuôi tại gia đình, gây thiệt hại kinh tế. Nguy hiểm hơn, một số bệnh có thể lây truyền từ gia súc, gia cầm sang người, gây hại đến sức khỏe và tính mạng NTD. Việc mua thịt chưa được kiểm dịch đã vô tình tiếp tay, khuyến khích những cơ sở kinh doanh bất chính.
Dù cơ quan chức năng đã khuyến cáo tác hại của việc giết mổ, sử dụng thịt gia súc, gia cầm bị bệnh và nghiêm cấm việc mua thực phẩm từ động vật bị bệnh nhưng vì lợi nhuận, khi gia súc bị bệnh, nhiều hộ chăn nuôi vẫn lén lút bán cho các chủ lò mổ. Trong năm 2012, các địa phương đã phối hợp cùng ngành nông nghiệp sắp xếp lại hệ thống các cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh, từ con số gần 800 cơ sở nay xuống còn dưới 230 cơ sở được phép giết mổ. Mặc dù các đội liên ngành tỉnh, huyện thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh nhưng nhiều cơ sở đã bị đình chỉ theo quy hoạch vẫn lén lút giết mổ. Hoạt động giết mổ của các cơ sở không được kiểm soát chính là nơi lưu cữu, lây lan mầm bệnh vật nuôi và nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Chị N.T.D., một người kinh doanh thịt tại chợ Tam Đàn (huyện Phú Ninh) cho biết, không có khách hàng nào yêu cầu thịt phải có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y; có người còn không biết dấu kiểm dịch như thế nào (!?). Vì thế, chị N.T.D. chỉ cần lấy thịt ở các lò mổ nào rẻ, không nhất thiết phải có sự kiểm dịch của cơ quan chức năng.
Việc phòng chống dịch bệnh vật nuôi có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mọi người và sự phát triển kinh tế của xã hội. Vì vậy, đây không chỉ là trách nhiệm của ngành thú y mà của tất cả mọi người. Để loại bỏ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không đạt chuẩn và nói không với thịt bẩn, NTD phải thay đổi thói quen sử dụng thịt không có dấu kiểm soát. Và đó cũng là cách bảo vệ sức khỏe cho chính mình.
Phương Nam