Thám hiểm rừng Mỹ Sơn

Nam Kha 09/03/2013 08:51

Những điểm đến không xa lạ, nhưng cung đường chinh phục đầy bất trắc lại ẩn chứa nhiều điều thú vị. Hành trình thám hiểm rừng Mỹ Sơn ngược đỉnh Răng Mèo có đủ loại hình thổ nhưỡng và nhiều cảm xúc…
1.Sau đêm trú mưa tại nhà mái lá của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nơi sườn đồi, sáng ra mưa gió vẫn đầy trời nhưng những người thám hiểm đều quyết định lên đường. Theo các tài liệu địa lý, thung lũng nhỏ Mỹ Sơn nằm trên địa bàn chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng ven biển miền Trung với đại ngàn Trường Sơn. Ở vị thế cuối cùng của hệ bán sơn địa, Mỹ Sơn nằm giữa bốn bề là những dãy núi giăng dài, khép kín cao với sườn dốc đứng. Lòng thung lũng tương đối bằng phẳng được cấu tạo bằng phù sa cổ và phù sa mới, bị chia cắt bởi những khe hẹp của dấu vết các dòng suối. Vì thế, trên suốt hành trình, chẳng có gì lạ khi đoàn thám hiểm đã gặp tất cả loại hình thổ nhưỡng, từ núi đá, dốc cao trơn tuột đến đầm lầy ẩm ướt…

Vượt qua đầm lầy, có người sợ vắt, đỉa phải nhờ cõng hộ.
Vượt qua đầm lầy, có người sợ vắt, đỉa phải nhờ cõng hộ.

Rẽ theo lối nhỏ lấp đầy cây cỏ cạnh con đường lát đá vào thánh địa đã gặp ngay khoảng đất đầy bùn lầy. Đi thêm vài phút là gặp con đường ngược dốc, nhỏ hẹp chỉ đủ cho bàn chân đặt xuống dưới những tán cây rừng thâm u. Thảm thực vật ở đây mang đặc trưng của rừng nhiệt đới với nhiều tầng thực vật, cây cổ thụ, dây leo quấn quýt… với nhiều kỳ hoa dị thảo. Dọc đường thám hiểm, tất cả đều lặng im, có người thoáng chút lo sợ. Thoáng thấy những vết chân heo rừng. Thi thoảng có tiếng động vụt qua hoặc lạo xạo trên vòm lá rồi lặn mất giữa không gian bí ẩn. Đôi lúc đi lại gặp cây dầu rái (Dipterocarpus alatus), một loài cây cho nhựa mà người Chăm xưa sử dụng khá phổ biến trong các công trình kiến trúc ở Mỹ Sơn. Anh Võ Văn Xoa (Phó ban Quản lý du lịch cộng đồng Mỹ Sơn) cầm gậy dò đường, liên tục phạt rựa vào cây rừng, dây leo chắn ngang đường và hát.

Ngược lòng suối thám hiểm rừng sâu.
Ngược lòng suối thám hiểm rừng sâu.

Sau nửa giờ xuyên qua cánh rừng thiếu ánh sáng, lại gặp thêm một đầm lầy. Mưa đã tạnh, mặt trời soi chút ánh nắng hiếm hoi xuống vũng đầm, cũng là lúc mọi con mắt ngước nhìn rõ chung quanh thung lũng. Phía đông xa là dãy Hòn Rương với những tảng đá lớn, vuông vức trên sườn núi, nằm rải rác như những chiếc rương thiên nhiên để lại. Xế góc đông bắc là ngọn núi hình dáng tròn trịa mang tên Hòn Sọ, phủ đầy cây cối với sườn lộ ra nhiều tảng đá màu xám, nằm nghiêng như muốn xô đổ về thung lũng. Phía bắc thung lũng là dãy núi Hòn Ngang, thấp nhất trong hệ thống núi vây quanh Mỹ Sơn, giăng như bức thành chắn phía bắc. Phía tây là dãy Mỏ Cày, mang hình chiếc cày khổng lồ đặt nằm ngang giữa trời đất.

2.Đoàn người ngược theo dãy núi uốn cong hình cánh cung với nhiều lớp núi cao khác nhau ở phía nam. Anh Xoa nói không mấy người leo nổi lên nơi cao nhất chính phương nam là đỉnh núi Răng Mèo, cao 715m, với mũi nhô về phía đông mang dáng hình chim thần Garuda khổng lồ theo huyền tích người Chăm sải cánh vươn ra biển. Còn hình mũi đá nhọn tựa chiếc răng nhô ra, người ta liên tưởng gọi đó là đỉnh Răng Mèo. Nơi sườn núi thoai thoải, có những vạt đất tương đối bằng phẳng, còn lưu dấu một ngôi đền thờ xưa nên người dân địa phương còn gọi núi này là Hòn Đền. Câu chuyện về đỉnh Răng Mèo, nơi cao nhất trên vùng núi Mỹ Sơn, còn có thêm tên gọi Núi Chúa, luôn là nỗi khát khao chinh phục, tìm gặp của nhiều người. Ngọn núi này được nhìn thấy từ xa, mây phủ mờ và ẩn chứa bao huyền tích. Ấy vậy mà ngay cả khi đứng giữa lưng chừng núi, muốn tìm đường lên vẫn cứ thấy xa xôi, khó khăn và rờn rợn sống lưng.

Trèo lên núi qua sườn đá trơn.
Trèo lên núi qua sườn đá trơn.
Anh Trần Đình Phương, Trưởng phòng kinh doanh Công ty CP Du lịch Trà Kiệu cho biết, chuyến khảo sát đầu tiên này sẽ mở đường tour xuyên rừng cho du khách đến với du lịch cộng đồng tại Mỹ Sơn sẽ chính thức khai trương vào ngày 14.3 năm nay.

Dăm phút nghỉ xả hơi, lấy lại sức bên con suối trong vắt ngang đường, vẫn còn dấu vết tro than của bếp lửa ai đó lưu lại, là tiếp tục hành trình khó khăn hơn. Đoàn người phải vạch cây rừng, leo lên trạm thủy điện Mỹ Sơn được xây dựng từ 20 năm trước giờ đã bị bỏ hoang, chỉ còn lại những lưu ký bằng than trên tường gạch đổ vỡ của những người thám hiểm đã từng đi qua. Từ trạm thủy điện, phải tuột xuống dốc, đu bám cây rừng và bò trên mặt đá trơn tuột, dưới kia là vực sâu… men theo suối để lại ngược lên đỉnh. Dự định trèo lên đỉnh Hòn Đền không thể thực hiện được vì trời lại trở mưa. Không ai dám đánh đu số phận mình trên những sườn đá hiểm trở, kể cả người dẫn đường. Cả đoàn đành băng qua những mỏm đá nhỏ, quay trở lại trạm thủy điện, tìm đường lên hang ông Hoàng Văn Lai. Nơi này vốn là một trong những căn cứ địa của những người kháng chiến, một “tọa độ chết” hứng không biết bao nhiêu bom đạn của Mỹ thời chiến tranh, trở thành di tích lịch sử cách mạng trong lòng dân địa phương.

Hơn 5 tiếng đồng hồ, những người thám hiểm nghiệp dư đã trở lại thung lũng. Nhiều người khách tham quan Mỹ Sơn bất ngờ nhìn thấy đám người đầy bùn đất, bẩn và ướt hết người chui ra từ một vòm cây ven rừng đã buộc miệng nói đây là một kiểu du lịch… hành xác. Nhưng có trải qua những cảm giác từ chuyến xuyên rừng, khám phá đến tận cùng vẻ đẹp của rừng núi theo kiểu trekking mới có thể lý giải vì sao lại “hành xác” như vậy! Nhiều người khi ngồi giữa giữa thung lũng Mỹ Sơn ăn tô mì Quảng thơm ngon vẫn không hiểu tại sao mình có thể vượt qua nỗi sợ hãi hoặc cảm giác chông chênh, gian nan cho một lần leo núi, nhưng vẫn hẹn một ngày đẹp trời khác lại tìm đường đến tận đỉnh núi thiêng kia.

Nam Kha

Nam Kha