Chiến sĩ nơi biên giới
Những người lính biên phòng vẫn từng ngày cống hiến sức lực, tuổi xuân để bảo vệ biên cương. Các anh phải “gánh” trên vai trách nhiệm bảo vệ sự bình yên cho nhân dân và chung tay, góp sức giúp người dân vùng biên có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Các chiến sĩ biên phòng cùng bà con khai hoang làm lúa nước. |
Thầm lặng cống hiến
Những câu chuyện về các chiến sĩ bộ đội biên phòng (BĐBP) luôn được nhắc đến bởi những cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, mang lại cuộc sống yên bình cho người dân. “Người chiến sĩ biên phòng ngoài trách nhiệm giữ vững an ninh biên giới còn có nghĩa vụ giúp đỡ nhân dân nơi đơn vị đóng quân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Đó là nhiệm vụ quan trọng đối với mỗi chiến sĩ nơi đây. Bởi có dân thì có tất cả, phải gần dân mới có thể tạo nên sức mạnh. Chính vì vậy, câu khẩu hiệu của Đồn biên phòng 653 chính là: “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” - Trung tá Lê Văn Nhì - Đồn trưởng Đồn Biên phòng 653 (Nam Giang) nói.
Ở Nam Giang, nơi các đồn biên phòng đóng quân trên những nơi heo hút, đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, các chiến sĩ của đồn ngoài việc đảm bảo công tác bảo vệ lãnh thổ, giữ gìn trật tự, còn phải cùng với bà con tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống. Đó cũng là cách để người lính biên phòng sâu sát, gần gũi với nhân dân. “Đồn đóng tại xã La Êê - một trong 6 xã biên giới của huyện Nam Giang - nơi mà đồng bào Cơ Tu vẫn sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, cái ăn lúc nào cũng thiếu. Mình phải tổ chức vận động, tuyên truyền bà con bỏ những hủ tục lạc hậu, thay vào đó là những sinh hoạt có nền nếp, văn hóa, từ đó thắt chặt tình thân giữa quân và dân” - Trung tá Lê Văn Nhì chia sẻ.
Ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên cương, Đồn Biên phòng 653 đã tổ chức các đợt tuyên truyền vận động bà con về cách vệ sinh, phòng dịch, ăn chín, uống sôi, ốm đau thì phải đến trạm y tế... Trong năm 2012, Đồn 653 phối hợp với Trạm Y tế quân dân y kết hợp khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc cho gần 2.000 lượt người; phát động sâu rộng phong trào gia đình không sinh con thứ 3 và đã ra mắt câu lạc bộ không sinh con thứ 3 tại thôn A Sò với 15 đôi vợ chồng tham gia… |
Mô hình trồng lúa nước, chăn nuôi có khoa học được các chiến sĩ BĐBP nơi đây làm mẫu và hướng dẫn cho bà con làm theo, bước đầu đã gặt hái được thành công. Chiến sĩ Đồn Biên phòng 653 chia sẻ: “Trồng lúa nước là một mô hình được phát triển trong nhiều năm qua. Thời gian đầu, bà con nơi đây còn bỡ ngỡ, sau quen dần. Đến nay thì nhiều hộ đã có hạt lúa để dành. Từ đó, người dân càng tin tưởng vào BĐBP, mọi tuyên truyền, vận động của đồn về thực hiện chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước được bà con tin tưởng, làm theo”.
“Từ khi có BĐBP về đóng chân, làng mình đã thay đổi hẳn. Cái bụng không còn đói như trước nữa. Biết làm lúa rồi, có thóc để dành ở trong kho, lễ hội Tết lúa mới cũng được khôi phục. Khi bị bệnh, đã có BĐBP chữa trị, người dân không còn sợ con ma rừng như lúc trước” - già làng Zơrâm Coih nói.
Vượt khó
Nơi đóng quân là những xã biên giới, heo hút, mọi liên lạc, giao thông đều khó khăn, nên các chiến sĩ luôn mang nỗi nhớ nhà. “Nhớ vợ nhớ con lắm, nhất là mỗi khi hay tin con đau, lòng như lửa đốt. Điện thoại thì lúc được lúc không, vì ở đây sóng yếu. Con đau ốm, vợ phải một mình xoay xở với đủ thứ khó khăn khi gia đình thiếu đi bàn tay của người đàn ông. Nhưng biết làm sao được. Điều may mắn là vợ lính biên phòng luôn hiểu và thông cảm với công tác của chồng” - chiến sĩ Trần Văn Bảy tâm sự.
Chính những khó khăn đó nên chiến sĩ nơi đây luôn biết cách tự tạo ra niềm vui riêng để khỏa lấp đi những thiếu thốn về mái ấm gia đình. “Mình mới vào ngành chưa lâu, nên thời gian đầu nhớ nhà lắm. Nhưng ở đây, anh em rất đoàn kết, cùng nhau chia sẻ để vượt qua khó khăn. Đôi khi, chỉ cần một bàn cờ tướng là đã đủ cho cả mấy anh em được cười sảng khoái rồi. Cãi nhau chí chóe vì một nước cờ, nhưng lại thương nhau như thể anh em ruột thịt vậy” - chiến sĩ Nguyễn Thành Long tâm sự.
Là một trong những xã xa nhất của huyện Nam Giang, La Êê nằm giữa trùng điệp núi rừng. Con đường huyết mạch từ trung tâm huyện lên tới đây phải 80km, mất gần 3 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Chính vì vậy, lương thực rất khó khăn để vận chuyển vào. “Để khắc phục tình trạng đó, các chiến sĩ của đồn đã tăng gia sản xuất với các mô hình vườn rau sạch, trồng lúa nước, chăn nuôi. Vừa để cải thiện bữa ăn, vừa làm gương để người dân noi theo” - Trung tá Lê Văn Nhì cho biết. Cũng theo Trung tá Lê Văn Nhì, trong dịp tết cổ truyền vừa qua, đồn đã tổ chức một cái tết thật đầm ấm, với đầy đủ bánh chưng, bánh tét, thịt heo... để anh em cùng quây quần với nhau, đón một cái tết đầm ấm. “Anh em cùng hoàn cảnh với nhau, thương nhau là ở chỗ đó. Vì nghĩa vụ, trách nhiệm, những chiến sĩ của đồn phải luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đó cũng là cách để làm cho gia đình của mình tự hào về những người con đang cống hiến sức xuân cho Tổ quốc”.
NGUYỄN DƯƠNG