Lính thợ "tay ngang"
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở khu vực biên giới, nơi đâu cũng thấy bóng dáng của những chiến sĩ “quân hàm xanh” tất bật, xông xáo giúp nhân dân dựng nhà, san nền, làm đường, dù các anh chỉ là những người lính làm thợ hồ “tay ngang”.
Thiếu tá Nguyễn Đức Thuấn giúp gia đình ông Blong Nhiếc, thôn Agnil (xã A Xan) xây công trình vệ sinh.Ảnh: Q.VŨ |
Lành nghề nhất trong số những chiến sĩ “quân hàm xanh” làm thợ hồ “tay ngang” của Đồn Biên phòng A Xan (Tây Giang) có lẽ là Thiếu tá Nguyễn Đức Thuấn. Hai năm trở lại đây, ngoài nhiệm vụ trinh sát, anh Thuấn còn kiêm thêm “nghề” thợ hồ. Trong ba lô xuống công tác ở địa bàn các xã dọc biên giới, lúc nào anh cũng thủ sẵn một cái bay, một bàn xoa và cây thước nhôm. Hễ thấy nhà nào đang xây dựng là anh vào làm giúp. Anh bảo: “Ở đây, đồng bào không kén thợ, việc gì cũng cộng đồng trách nhiệm nên thấy mình giúp là họ mừng. Cứ rứa làm miết chừ thành quen. Cũng là thợ “xịn” rồi nghe!”. Đội quân thợ hồ “tay ngang” của Đồn Biên phòng A Xan còn có Trung úy Hùng, Trung úy Tuyến, Thiếu úy Trọng... Hầu như mặt bằng nào khi quy hoạch, xây dựng mới đều có mặt các anh giúp sức.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở khu vực biên giới Quảng Nam, ra quân rầm rộ nhất có lẽ là huyện biên giới Tây Giang. Ở đây đảng bộ, chính quyền nói là bà con ủng hộ, sẵn sàng hiến đất, tự nguyện giải tỏa ruộng vườn để làm đường và quy hoạch lại khu tái định cư. Bù lại người dân được hỗ trợ xây dựng nhà, có điện thắp sáng kéo về đến tận mỗi hộ, đường sá liền mạch từ 4 xã vùng cao về đến phố huyện, con cái được học hành trong những ngôi trường khang trang. Vì vậy, những lính thợ “tay ngang” của Đồn Biên phòng A Xan thường xuyên có dịp được trổ tài xây dựng.
Thượng tá Trần Đắc Đồng - Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Xan cho hay: “Khi Tây Giang triển khai xây dựng nông thôn mới, đơn vị đã chỉ đạo cho đoàn thanh niên thành lập các tổ thợ hồ có quân số dao động từ 7 - 10 đồng chí để giúp dân”. Chỉ mới 2 năm hoạt động mà các tổ thợ này đã san ủi hàng chục nền nhà, làm hàng trăm công trình vệ sinh và đường giao thông liên thôn.
Những bàn tay hằng ngày quen cầm súng vẫn thành thạo trát vữa, xây tường thẳng tắp. Giữa núi rừng biên cương trùng điệp, cánh lính thợ “tay ngang” góp phần làm cho tình cảm quân dân ngày càng thêm bền chặt. Và với các anh, được giúp dân cũng là một phần không thể thiếu trong nhiệm vụ giữ gìn bình yên bờ cõi. Bởi, khi người dân hiểu được tình cảm của BĐBP, họ sẽ đồng tình ủng hộ và cùng chung tay xây dựng biên giới hòa bình, ấm no và ngày càng phát triển.
TRẦN VŨ