Phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản

Quốc Hưng 27/02/2013 08:16

Từ ngày 25 - 27.2, tại TP. Cần Thơ diễn ra hội nghị thường niên lần thứ 24 Hội đồng quản lý mạng lưới các trung tâm nuôi trồng thủy sản vùng châu Á - Thái Bình Dương (NACA) nhằm đẩy mạnh hợp tác, phát triển bền vững trong lĩnh vực này.

Hiện nay, sản lượng nuôi trồng thủy sản tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm đến 90% toàn thế giới, góp phần quan trọng trong việc gia tăng thu nhập cho hàng chục triệu người sống phụ thuộc vào nghề này cũng như đem lại giá trị kinh tế lớn lao cho nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên trong những năm gần đây, sản lượng và chất lượng nguồn thủy sản tại nhiều nơi bị tổn hại nghiêm trọng vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Do vậy, vấn đề hợp tác, trao đổi cũng như chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các nước trong khu vực nhằm phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản được khu vực hết sức quan tâm.

Nuôi trồng thủy sản góp phần gia tăng thu nhập cho người dân khu vực. (Ảnh từ dfo-mpo.gc.ca)
Nuôi trồng thủy sản góp phần gia tăng thu nhập cho người dân khu vực. (Ảnh từ dfo-mpo.gc.ca)
NACA là tổ chức đa quốc gia bao gồm 18 thành viên trong khu vực liên kết với mục đích tăng cường hỗ trợ cho sự phát triển nông thôn thông qua việc nuôi trồng thủy sản bền vững, hướng đến mục tiêu cải tiến tăng năng suất, chất lượng, đa dạng sản phẩm và tăng thu nhập cho các hộ nuôi trồng thủy sản góp phần tăng trưởng kinh tế cho mỗi quốc gia thành viên. Hiện nay, NACA thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển trong khu vực; hỗ trợ tăng cường cơ cấu tổ chức, trao đổi công nghệ và phát triển chính sách cho quản lý nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản bền vững.

Tại hội nghị, NACA cho biết, thủy sản là nguồn thực phẩm quan trọng được phục vụ trong các bữa ăn hằng ngày của con người, có giá trị nguồn dinh dưỡng cao cũng như mang lại giá trị kinh tế rất lớn. Tại khu vực, mức tiêu thụ thủy sản trung bình hiện nay khoảng 29kg/người/năm. Do đó, với đà gia tăng dân số khu vực cũng như nhu cầu tiêu dùng thủy sản ngày càng cao, ước tính tới năm 2050, nhu cầu thực phẩm thủy sản cho toàn khu vực sẽ tăng lên khoảng 30 - 40 triệu tấn cá mỗi năm. Cũng theo NACA, do nguồn thủy sản trong tự nhiên dần cạn kiệt và mất dần khả năng tái tạo nên trong thời gian này, nhiều nước tập trung phát triển ngành nuôi trồng thủy sản. Mặc dù sản lượng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng nhanh, với tốc độ tăng trưởng là 11,4% trong giai đoạn 2006 - 2010 nhưng hiện nay, ngành thủy sản vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn để tiến tới phát triển bền vững.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thị trường bất ổn, các tiêu chuẩn và yêu cầu của quốc tế về an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm… ngày càng cao, các đoàn đại biểu đến từ những quốc gia thành viên đã thảo luận và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành ngay tại hội nghị. Đó là khu vực thực hiện triển khai hiệu quả chương trình kiểm soát chất lượng con giống, kiểm soát dịch bệnh, cảnh báo môi trường, quy hoạch không gian vùng nuôi, bảo vệ sức khỏe vật nuôi thủy sản, đa dạng sinh học và kiểu gen, thích ứng biến đổi khí hậu, bình đẳng giới và các thông tin liên lạc phục vụ giáo dục, đào tạo.
Trong năm 2012, sản lượng nuôi trồng thủy sản của Việt Nam đạt tổng sản lượng 3,2 triệu tấn, chiếm 55% tổng sản lượng thủy sản, tăng 6,8 % so với năm 2011 (trong đó sản lượng tôm là 500 nghìn tấn và cá tra là 1.190 triệu tấn ). Nỗ lực đó góp phần đưa Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về sản lượng nuôi trồng thủy sản và là 1 trong 10 quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu thủy sản. Vì vậy, Việt Nam cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên thuộc NACA để triển khai các chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

Quốc Hưng

Quốc Hưng