Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp

TRỊNH DŨNG - MỸ DUNG (thực hiện) 15/02/2013 09:51

Khát vọng định vị thương hiệu bao trùm, dẫn đường cho doanh nghiệp theo đuổi niềm đam mê kinh doanh hơn là những bi quan do khó khăn nhất thời. Cái gì tạo nên sự khác biệt và kế sách thực hiện để có được một hình ảnh Quảng Nam hay lợi thế cạnh tranh từng sản phẩm của vùng di sản là điều mà các doanh nghiệp Quảng Nam thao thức.

Không một địa phương nào có thể sở hữu tất cả thế mạnh trong nhiều ngành sản xuất. Mỗi địa phương chỉ có thể có một vài loại hoặc thậm chí phân khúc của một loại hàng hóa nào đó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mà nó đem lại lợi ích lớn nhất cho địa phương. Năng lực để tạo dựng nên thương hiệu sản phẩm doanh nghiệp hay của cả vùng vẫn là chuyện làm đau đầu cơ quan quản lý.

Trên thực tế, về mặt kinh tế, danh tiếng đặc trưng của một vùng đất hay địa phương thường gắn với tên tuổi của những tập đoàn lớn, những sản phẩm có thương hiệu mạnh trên thế giới. Nhưng nơi nào tận dụng lợi thế so sánh (sản phẩm thô, dựa vào tài nguyên và lao động giá rẻ) để xuất khẩu hàng hóa thì cũng chỉ có thể mang lại sự bất ngờ trong vài năm đầu, sau đó đều rơi vào khó khăn, thua thiệt. Bài học rút ra ở nhiều nước là phải tạo dựng năng lực cạnh tranh về cơ sở hạ tầng, chất lượng nhân lực, môi trường kinh doanh lành mạnh…, tạo các phân khúc có giá trị tăng cao và xây dựng các thương hiệu riêng biệt. Không nhất thiết phải nhiều, quy mô lớn mà chính chất lượng của một dịch vụ nổi trội nào đó đánh đúng vào tâm trí khách hàng, để mỗi khi nhắc tới đều không thể bỏ qua. Việc duy trì những sản phẩm truyền thống tạo sự khác biệt cũng phải được đầu tư rất nhiều về trí tuệ, từ công nghệ đến kiểu dáng và được bảo vệ về sở hữu trí tuệ. Tất cả, từ mặt hàng truyền thống hay sản phẩm dịch vụ hiện đại thì sự khác biệt của sản phẩm và dịch vụ phải là kết quả của sự đầu tư lâu dài, kiên trì chứ không thể là kết quả của một phong trào hay một chiến dịch ăn xổi ở thì.

 Con đường đi đến một thương hiệu mạnh cần sự đầu tư dài hơi, công phu, thấu hiểu khách hàng. Thương hiệu như chiếc chìa khóa bảo vệ, minh chứng cho uy tín, niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm của doanh nghiệp. Sự lựa chọn của người tiêu dùng khiến doanh nghiệp phải cạnh tranh. Trong cuộc đua mà người tiêu dùng là giám khảo thường xuyên đó, nhiều thương hiệu có đẳng cấp đã lớn mạnh, nhiều doanh nhân trưởng thành. Sự lựa chọn của người tiêu dùng là nguồn vốn to lớn cho doanh nghiệp phát triển. Nếu doanh nghiệp nghiêm túc đặt mình trước áp lực và tận lực đáp ứng được mong đợi của người tiêu dùng thì nguồn vốn ấy sẽ là vô hạn.

Quan trọng hơn hết, xây dựng thương hiệu cá nhân hay cho cả vùng Quảng Nam, không chỉ là nỗ lực đơn lẻ của một cá nhân hay doanh nghiệp mà là sự tổng hòa nỗ lực kiên trì từ tư duy chiến lược đến hành động cụ thể của bộ máy công quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
Hy vọng từ sự thức nhận của doanh nghiệp về một con đường ngàn dặm sẽ được bắt đầu từ những bước chân nhỏ để hình thành nên “thương hiệu” Quảng Nam…

Nguyễn Quang Việt, Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam:

“Cần sản phẩm chiến lược khai thác được thế mạnh địa phương”

Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam xác định trách nhiệm liên kết cộng đồng doanh nhân trong việc xúc tiến hỗ trợ thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ để thúc đẩy sự phát triển thương hiệu doanh nghiệp trên địa bàn. Trong bối cảnh khó khăn chồng chất, để doanh nghiệp “chết” thì hiệp hội có tồn tại cũng không có ý nghĩa. Vì vậy, năm 2013, hiệp hội sẽ tham mưu với UBND tỉnh đề nghị Chính phủ tiếp tục giảm tiền thuê đất, giảm lãi suất, giảm phí và thuế các loại, tiếp cận vốn vay ngân hàng... để giải cứu doanh nghiệp. Nhưng, để có được thương hiệu hữu dụng trên bản đồ thương giới, doanh nghiệp phải có sản phẩm dịch vụ chiến lược phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Đặc biệt là khai thác các sản phẩm dịch vụ thế mạnh của địa phương như: công nghiệp ô tô, dịch vụ, du lịch và nghỉ dưỡng, sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm đặc trưng về Quảng Nam…

 Một điều quan trọng khác là để xây dựng nên thương hiệu vững bền, khả năng tự chủ của doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Một doanh nghiệp mạnh khỏe không thể đi bằng đôi chân yếu ớt, chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, công nghệ lạc hậu, quản trị doanh nghiệp theo kiểu gia đình, sản phẩm dịch vụ không phù hợp với thị trường…

Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty CP ô tô Trường Hải:

“Văn hóa doanh nghiệp xây nền cho thương hiệu”

Trung tâm sản xuất của Thaco là Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải với diện tích 500ha và gần 4.000 công nhân, chúng tôi luôn làm việc với một niềm tin mãnh liệt là sẽ đánh thức tiềm năng của vùng đất anh hùng này, sẽ tạo nên một thương hiệu lớn mạnh mà khi nhắc đến Thaco người ta nghĩ ngay đến Quảng Nam.

Hơn 15 năm hình thành và phát triển, văn hóa doanh nghiệp của chúng tôi không tách rời văn hóa vùng miền và dân tộc. Lồng ghép vào đó là văn hóa kỷ luật của ngành công nghiệp ô tô trên thế giới. Với nguyên tắc 8 chữ T (Tận tâm, Tôn trọng, Trung thực, Trung tín, Trí tuệ, Tận tình, Tự tin, Thuận tiện),  Thaco đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh và đã định hình bản sắc văn hóa riêng. Văn hóa doanh nghiệp thể hiện qua từng nhân sự của Thaco theo tiêu chí năng lực (chuyên môn, quản trị) đặc biệt là thái độ làm việc, đồng thời thể hiện qua sản phẩm mà Thaco góp mặt trên thị trường, luôn đặt nhu cầu của người tiêu dùng lên trên hết.

Bắt đầu từ con người, Thaco chú trọng xây dựng một tập thể lớn mạnh, đoàn kết trước mọi khó khăn. Thực tế, tính cách con người và văn hóa Quảng Nam đã dạy cho chúng tôi rất nhiều điều, trong đó có bài học về sự tận tâm, tận tình và luôn tự tin với trí tuệ của mình. Chỉ một thời gian ngắn thôi, những người nông dân chân lấm tay bùn đã trở thành những công nhân lành nghề và có nhiều ý tưởng sáng tạo cho công ty. Họ đã cùng chúng tôi vượt qua “cơn bão” khó khăn bằng tấm lòng chân tình, sự chịu thương chịu khó của người Quảng Nam. Chúng tôi luôn cảm ơn họ đã cho Thaco bài học về nghị lực và sự sẻ chia lúc gian nan.

Lê Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An:

“Liên kết xây dựng thương hiệu du lịch chung”

Vì sao Quảng Nam hay miền Trung có rất nhiều sản phẩm tốt nhưng vẫn bị lép vế với giới kinh doanh khách sạn hay lữ hành Bắc và Nam? Đó là vì sản phẩm Quảng Nam tiếp thị cho khách thì rất nhiều nhưng chưa kết nối được, mạnh ai nấy làm. Kiểu làm riêng lẻ như vậy sẽ không có cách gì quảng bá hay xây dựng nổi một thương hiệu điểm đến hấp dẫn. Vì vậy, cách tốt nhất là tạo ra sự liên kết giữa các nhà có sản phẩm với giới lữ hành để tạo thành nhóm sản phẩm thì mới đủ tiềm lực để cạnh tranh, tạo thành thương hiệu chung cho hình ảnh du lịch Quảng Nam. Nếu sự điều phối tốt, xây dựng hoàn chỉnh và marketing tốt, thì sản phẩm sẽ mạnh rất nhiều lần.

Muốn tiếp tục phát triển, Hội An phải thay đổi. Nếu không mở rộng thêm các dịch vụ thì e rằng sẽ chậm chân, tiếp tục điệp khúc “tham quan Hội An ngủ Đà Nẵng” thì thương hiệu phố cổ cũng sẽ dần nhạt đi và khó có thể trở thành thương hiệu lớn. Không phải cứ đầu tư khách sạn cho nhiều là được mà phải có dịch vụ đi kèm. Thử nghĩ, khách ở dài ngày, nếu chỉ có tắm biển, lang thang phố mà không có dịch vụ gì thêm để sinh hoạt vui chơi thì chắc chắn sẽ dẫn đến sự nhàm chán. Hiện chỉ có sản phẩm phố cổ là tốt còn dịch vụ xung quanh gần như không có gì.

Nếu du lịch Quảng Nam chỉ nghĩ tới Hội An - Mỹ Sơn thôi thì sẽ rất nghèo nàn. Cần mở rộng không gian, loại hình du lịch từ sinh thái, lịch sử, văn hóa, cộng đồng…Có thể những đầu tư ấy không lời trong một vài năm đầu, nhưng lâu dài sẽ rất hiệu quả. Doanh nghiệp có thể chưa đặt vấn đề lợi nhuận mà nên nêu cao trách nhiệm cộng đồng, kết hợp tạo ra chuỗi du lịch khép kín, để khách có thêm nhiều lựa chọn.

Cuối cùng, những doanh nghiệp có nền tảng dễ tìm thấy cơ hội phát triển thương hiệu ngay trong thời suy thoái hay khủng hoảng. Tự chủ được tài chính sẽ tạo sức mạnh giúp họ chủ động lựa chọn kế hoạch đầu tư, mở rộng hay phân khúc thị trường, kể cả sự linh hoạt trong việc đàm phán giá cả với khách hàng để phát triển. Đó cũng là lý do vì sao công ty chúng tôi vẫn tăng đến 20% doanh số, lợi nhuận và cổ tức năm 2012 xấp xỉ 27%.

Trịnh Diễm Vy, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Cửa Đại:

“Cổ xúy hương vị Việt”

Ẩm thực các nước châu Á đang tiến một bước rất xa, trong đó có món ăn Việt. Món Việt có sự hài hòa giữa gia vị và khí vị, nhưng nhiều người vẫn chưa đánh giá cao, chưa nhìn nhận đúng vị trí và vai trò của ẩm thực Việt trong đời sống. Một người đầu bếp có thể quảng bá hình ảnh quê hương mình thông qua món ăn, bắc nhịp cầu giao lưu và hội nhập quốc tế.

 Nấu ngon chỉ là điều kiện cần, còn 99% điều kiện khác nữa mới tạo thành một thương hiệu kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực. Đó là cả quá trình sàng lọc khắt khe bởi thời gian và quan niệm của thực khách. Không bao giờ có sự quảng bá nào nhanh để có thể tạo ra một thương hiệu mà chính là thời gian để cho sản phẩm chất lượng của bạn đứng vào trái tim người tiêu dùng. Ẩm thực phải được trình diễn, chế biến và cả sự lý giải phân tích một cách khoa học cộng với các tri thức dân gian, mang vị ngon và cả giá trị tinh thần thì mới có ý nghĩa thực sự.

Bạn nên hiểu trong món ăn luôn có sự cân bằng, hài hòa, tương tác của các thành phần và vai trò thiết yếu của thảo dược tự nhiên, nét độc đáo của mùi vị, nguyên vật liệu để tạo nên một món ăn Việt chân thật với chất lượng hàng đầu, đòi hỏi tay nghề, sự đam mê và cả sự thấu hiểu khách hàng. Phục vụ một bữa ăn ngon cũng có nghĩa là bạn thể hiện sự tôn trọng với mọi người quanh mình. Niềm đam mê đó sẽ truyền tới mọi người, từ thích thú, bất ngờ trước cách thức chế biến và cả giá trị văn hóa tiềm ẩn trong từng món ăn. Ẩm thực mang tính hội nhập rất cao. Việc tạo nên nét riêng cho mỗi món ăn Việt cũng là cách cổ xúy cho tinh hoa văn hóa Việt. Nếu tất cả được bày biện ra dưới bàn tay khéo léo thì giá trị của hương vị Việt Nam không chỉ là vật chất mà là cả kho tàng tri thức, tinh hoa văn hóa Việt trở thành một thứ thương hiệu mang cả hồn phách của dân tộc.

Phan Xuân Thanh, Giám đốc Công ty CTC:

“Chất lượng, uy tín đẩy thương hiệu bùng nổ”

CTC là một doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận ra đời từ nguồn vận động các tổ chức khác nhau, lấy lợi nhuận để tái đầu tư cho cộng đồng, làm gió để khơi lửa từ tro than của doanh nghiệp, mong muốn đưa đến sự thay đổi nhận thức và tạo sự lan tỏa chiều sâu về đào tạo nhân lực, góp phần hướng đến một thương hiệu chung cho Quảng Nam.

Một người làm thương hiệu thì chi phí sẽ cao, tốn nhiều thời gian và có thể sẽ không làm nổi, nhưng nếu cả cộng đồng cùng làm một thương hiệu chung để quảng bá thì sức mạnh sẽ gia tăng và thành công hơn rất nhiều. Điều này rất cần những doanh nghiệp xã hội góp sức.

Một trong những nguyên tắc cơ bản đầu tiên trong bán hàng là phải tái đầu tư cho cộng đồng. Nếu doanh nghiệp nào quên điều đó thì sẽ không thể nào có sự phát triển bền vững. Doanh nghiệp nào thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội thì sức lan tỏa còn mạnh hơn là sự quảng cáo cho những mục tiêu ngắn hạn. Đừng chỉ nghĩ đơn giản xây dựng thương hiệu trên những hình thức PR hay tài trợ vì đó chỉ là những show diễn nhất thời, sớm muộn gì cũng sẽ bị quên lãng. Doanh nghiệp âm thầm xây dựng những sản phẩm chất lượng và uy tín thì chắc chắn thương hiệu đến một lúc chín muồi sẽ bùng nổ.

TRỊNH DŨNG - MỸ DUNG (thực hiện)

TRỊNH DŨNG - MỸ DUNG (thực hiện)