400 năm, hai tấm lụa vàng
Mấy cụ già thắp nhang vái xin ông bà cho mở gia phả rồi nhẹ nhàng kính cẩn lấy trong ống thư ra. Không dễ cánh cửa nhà thờ tộc mở, trừ khi có chuyện hệ trọng, vì trước mặt sẽ là 2 sắc phong lưu giữ 400 năm năm hé lộ thông tin về các vị quan giữ biển…
Họ Phạm ở làng An Lương xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên) trải mấy năm trăm từ thuở mở đất lập làng đã đi biển. Ông Phạm Văn Lương nói: “Con cháu các đời nối nhau làm biển và thay nhau giữ gia phả kể từ năm 1821. Càng về sau, chữ Hán chữ Nôm càng ít người biết, nên cứ cất giữ đó mà chả ai biết trong ấy viết gì. Đến năm 1994, tôi mang qua Hội An thuê người dịch. Từ đó, ngoài chuyện tên tuổi các vị, chi, phái, ông bà con cháu qua các đời… thì chúng tôi mới biết tộc mình có mấy vị làm quan to của triều đình, có cả sắc phong vua ban”.
Sắc phong ban tặng tộc Phạm thời Minh Mạng.Ảnh: MỘC MIÊN |
Hai sắc phong bằng lụa vàng đã ngả màu, riêng dấu triện đỏ tươi. Nội dung chính là khen tộc Phạm đã có 2 vị quan lớn có công với triều đình là Hoàng triều Đô úy Phó quân cơ Phạm Văn Đường; Hoàng triều Thủy sư Chưởng vệ tam tứ ngũ đẳng Phạm Văn Cục. Ông Đường là cha ông Cục. Điểm đặc biệt của một trong 2 sắc phong này, là vua ban sắc khen cả bà Tam phẩm Chánh phu nhân Nguyễn Thị Hốt, với lý do bà đã có công lo lắng gia đình để chồng (ông Phạm Văn Đường) yên tâm phò vua giúp nước. Lại khen bà có công nuôi con (ông Phạm Văn Cục) khôn lớn, học hành đàng hoàng, nối nghiệp cha làm đến chức Thủy sư (chỉ huy lính thủy). Sắc phong ban tặng ngày 1.10 năm Minh Mạng thứ 21 (Tân Sửu 1841) khen bà Hốt có câu: “Đức thục trường lưu bất hủ chi danh”.
Mộ Thủy soái Chưởng vệ đại tướng quân Phạm Quang Trận được dời về nghĩa trang gia tộc. |
Sắc phong không ghi rõ, nhưng gia phả họ Phạm lại có nêu thêm một người nữa làm đến chức đứng đầu lực lượng lính thủy: Thủy soái Chưởng vệ đại tướng quân Phạm Văn Trận. Theo ông Phạm Văn Lương, cụ Trận chính là người lập gia phả của tộc, vì thời điểm đó cụ là tộc trưởng. Hài cốt, bia mộ khắc tên cụ Trận được lập ở Huế, sau mới đưa về an táng tại nghĩa trang gia tộc. Ông Lương tâm sự: “Có nhờ dịch các tài liệu chữ Hán này, chúng tôi mới biết được cha ông xưa đã đi biển, làm nên chức tước to, có công lớn với triều đình. Giữ gìn gia phả, sắc phong ni khổ lắm. Thời chống Pháp và chống Mỹ, chúng tôi gửi vào chùa Thanh Lương. Năm 1967, giặc cày trắng vùng ni, tôi thuê người mang sang bên Cẩm An. Ai ngờ 3 ngày sau, Mỹ thả bom san phẳng chùa”…
Hai tấm lụa như báu vật của con cháu tộc Phạm, sau mấy trăm năm tao loạn mà bây giờ nét chữ vẫn còn sắc nét. Mấy năm qua, chuyện tư liệu về chủ quyền biển đảo cứ nóng lên từng ngày. Khi tôi đặt câu hỏi về giá trị các tư liệu được người dân gìn giữ, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ (người chuyên nghiên cứu văn hóa biển tại Quảng Ngãi) trầm tư: “Chúng ta hãy sớm kêu gọi các dòng tộc hiến tặng tư liệu biển đảo. Bởi suốt miền Trung từ Huế đến Bình Thuận đều có người từng là chỉ huy, binh phu đi Hoàng Sa. Sau đó, phải có một cơ quan đứng ra tập hợp, nghiên cứu, phân loại theo tiến trình lịch sử một cách khoa học. Đây cũng là tư liệu để ta khẳng định với thế giới về chủ quyền biển đảo. Hãy cứu những gì còn sót lại, bởi quá muộn rồi!”. Trên thực tế, nhiều gia tộc do lo ngại chuyện “giữ đồ của phong kiến” nên đã đốt hết những sắc phong ghi dấu rõ ràng về một thời cha ông họ từng tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Rời làng An Lương, chúng tôi vẫn chưa quên hình ảnh ông già Lương vuốt ngay ngắn tấm lụa rồi xếp lại, trang trọng đặt lên bệ thờ, lẩm nhẩm: “Những báu vật này, tộc họ đã giữ được hơn 400 năm rồi”…
MỘC MIÊN