Người “dám cho đi”
Ở tuổi bát tuần, ông vẫn giữ được sự mẫn tiệp. Thời gian hình như không cản được tốc độ di chuyển và khả năng làm việc dẻo dai, bền bỉ của ông - một người nguyện sống để “dám cho đi”. Ông là Nguyễn Châu – nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank).
Bước chân mạnh mẽ
“Không có con đường nào trải thảm ngay từ bước đầu tiên. Mọi giá trị đều được tạo ra từ sự nỗ lực hết mình, tinh thần lạc quan cầu tiến và một niềm tin vững vàng”- Dường như câu nói ấy được đúc rút trong sáu mươi năm trải nghiệm cuộc đời, khi chàng thanh niên trẻ Nguyễn Châu rời quê nhà (xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước), để lại đàn con 8 đứa nheo nhóc cho vợ chăm sóc.
Những ngày đầu, khi chưa xác định được mình sẽ làm gì, ông chỉ biết rằng cần phải học nhiều và học nhanh hơn nữa để có thể sớm thực hiện vai trò của người cha, người chồng trong gia đình và thỏa khát vọng được học, được mở mang tri thức. Cùng lúc, ông học ba trường khác nhau. “Lúc đó, học làm công chức nhưng gần như ở trong một cái lều vá trước đụp sau, cơm không dám ăn bởi để dành tiền gửi về cho vợ nuôi con” - ông Châu nhớ lại.
Chạy đua với thời gian để được mở mang tri thức nhưng ông Châu cũng không hề nghĩ mình học chỉ để thực hiện tham vọng cá nhân. Bởi ông cảm thấy việc học còn để có kiến thức phụng sự cho đời, với quan niệm “cái tôi lớn nhất là cái tôi được cống hiến”. Vậy nên, ông muốn dành tất cả thời gian, trí tuệ, tâm huyết cho nghề dạy học, nhưng rồi bước ngoặt cuộc đời đưa ông bước vào thương trường. Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông cùng bạn bè góp vốn lập Hợp tác xã Cơ khí Đồng Tâm, do ông làm chủ nhiệm, sau này được đổi tên là Công ty cổ phần Cơ khí Đồng Tâm. Năm 1989, ông là một trong những thành viên sáng lập Trung tâm tín dụng Gò Vấp. Sau này, ông tiếp tục ủng hộ sáng kiến hợp nhất 4 tổ chức HTX tín dụng thành Ngân hàng Sacombank – Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh. Với tài năng, trách nhiệm và tầm nhìn chiến lược, ông được bầu chọn vào Ban kiểm soát và từ năm 2004 là Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank. Cả quãng thời gian dài cống hiến cho mô hình kinh tế tài chính được xem là đột phá của thời bấy giờ, hình thành nên thương hiệu Sacombank, nhưng ông khiêm tốn nhận mình “chỉ là hạt cát nhỏ”. Đến bây giờ, ông vẫn giữ thói quen học, đọc mọi lúc mọi nơi, đặc biệt hình thành thói quen chỉ dành 4 tiếng mỗi ngày để ngủ, 3 giờ sáng dậy làm việc.
Dám cho đi
“Với tay ra, bạn luôn chạm được vào người khác, bằng một cách nào đó. Nhất là khi những việc bạn đang làm mang đến những điều tốt đẹp hơn người khác thì hãy vì chính bạn và vì người khác nhiều hơn”. (Ông Nguyễn Châu, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank) |
Đứng trước ông Châu, ấn tượng với những người trẻ là sự thân thiện, gần gũi hiếm thấy. “Ở chú Châu, không hề có sự xa cách, “làm màu” dù ở bất cứ cương vị nào. Mỗi khi trong công việc có áp lực, mình lại tìm đến nói chuyện với chú Châu. Lần nào cũng vậy, tinh thần trở nên thoải mái hơn, thấy bình tâm và có hứng thú bắt tay lại với công việc ngay”, Nguyễn Vũ Luân – nhân viên Ngân hàng Sacombank, chia sẻ. Giúp các bạn trẻ như vậy là vì ông Châu “cố hết sức để giúp các bạn trẻ một công việc phù hợp với năng lực cá nhân và nhu cầu của tổ chức. Tôi chỉ giúp mở ra một cơ hội, một cánh cửa tương lai cho các bạn. Quy luật đào thải trong cuộc sống không loại trừ bất cứ ai, nếu tự thân bạn đó không cố gắng hơn”. Có lẽ đó là lý do để ông Nguyễn Châu khởi xướng và phát động trong toàn thể cán bộ nhân viên của hệ thống ngân hàng Sacombank về cách sống “Dám cho đi”…
Không chỉ đơn giản là người khởi xướng và cổ xúy cho cách sống tích cực, thân thiện trong công ty, ông còn thực hiện nó một cách nhuần nhuyễn như tự thân được hình thành trong máu. Và đó cũng là cách mà ông thực hiện nghĩa vụ, tình cảm của người con với quê nhà Tiên Phước. Còn nhớ cách đây gần mười năm, ông đã bỏ tiền túi của mình đầu tư xây dựng mới trường THCS Lê Đình Chinh với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng. Ông Châu cũng là mạnh thường quân của Giải thưởng Huỳnh Thúc Kháng xuyên suốt nhiều năm qua… “Mỗi khi gặp trường hợp học sinh vượt khó học giỏi, người đầu tiên chúng tôi nghĩ tới là ông Nguyễn Châu. Chưa bao giờ ông từ chối lời đề nghị giúp đỡ. Có nhiều em sinh viên được ông cấp học bổng hằng tháng từ lúc chập chững ngồi ghế giảng đường đến lúc tốt nghiệp đại học. Ngày nay, có được tấm lòng như ông, thật quý báu!”, thầy Phạm Hữu Thức – Hiệu trưởng trường THPT Phan Châu Trinh (huyện Tiên Phước) cho hay.
VƯƠNG HẰNG SA