Đối phó với thiên tai
Trung tâm điều phối về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thảm họa (AHA) mở lớp đào tạo Hệ thống giám sát và ứng phó thảm họa thiên tai (DMRS) từ ngày 1 - 3.2 tại Jakarta (Indonesia) nhằm ứng phó với thiên tai đang diễn biến phức tạp tại khu vực Đông Nam Á (ASEAN).
Hệ thống DMRS được đặt tại thủ đô Jakarta, Indonesia. |
Mục đích khóa đào tạo nhằm nâng cao hiệu quả cũng như phối hợp hoạt động của Cơ quan quản lý, đối phó và giảm nhẹ thiệt hại thảm họa thiên tai quốc gia (NDMO) các nước thành viên. Tại đây, 24 cán bộ quản lý thảm họa thiên tai quốc gia ASEAN trên toàn khu vực hiểu các kỹ năng cần thiết về DMRS, cũng như việc đào tạo cán bộ thuộc NDMO để sử dụng hiệu quả DMRS. DMRS sử dụng nền tảng kỹ thuật cảnh báo thảm họa thiên tai của Trung tâm Thảm họa Thái Bình Dương, đang được sử dụng rộng rãi tại Mỹ, Mỹ Latinh và trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương. DMRS có thể cung cấp các thông tin cho các nhà quản lý thảm họa thiên tai với thời gian thực gần nhất về những nguy cơ trước và sau khi xảy ra các thảm họa thiên tai như động đất, sóng thần và bão nhiệt đới.
Giám đốc điều hành Trung tâm AHA, ông Said Faisal cho biết, DMRS được lắp đặt tại trụ sở của trung tâm ở Jakarta và đưa vào sử dụng trong tháng 1.2013. Việc kết nối với các NDMO cho phép trung tâm tối đa hóa khả năng hỗ trợ của mình giúp các nước thành viên ASEAN một cách đầy đủ và hiệu quả trong chuẩn bị và ứng phó với các thảm họa thiên tai. Vì ngoài giám sát, nó còn có phần mềm với khả năng đánh giá tác động tích hợp và phân tích. Trong tương lai, hệ thống DMRS không chỉ xác định chính xác vị trí tâm chấn mà còn cung cấp tất cả thông tin cần thiết hỗ trợ xử lý các nguy cơ trước mắt, bao gồm tốc độ và các khu vực bị ảnh hưởng như trường học, bệnh viện, sân bay. Trung tâm Giảm nhẹ thiên tai được đặt ở mỗi nước thành viên ASEAN sẽ tiếp nhận và phân tích thông tin này.
Việc ASEAN đưa DRMS vào hoạt động đánh dấu một cột mốc hợp tác quan trọng giữa Trung tâm Thảm họa Thái Bình Dương với các nước ASEAN trong lĩnh vực giảm thiểu rủi ro thảm họa thiên tai. Đây là một trong những vấn đề quan tâm của ASEAN bởi chỉ tính riêng trong năm 2012, khu vực này phải gồng mình đối phó với những trận lụt lội thường xuyên, gây tổn thất rất lớn về người và của, tác động đến kinh tế quốc gia. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới, các nước trong khu vực chịu thiệt hại nặng nề phải kể đến là Indonesia với GDP trung bình mỗi năm đã mất đi 1,2% vì thiên tai, Việt Nam - 1,8%, Myanmar - 1,9%, Campuchia và Lào là 1,7%...
Trên thực tế, Việt Nam được đánh giá cao về các chương trình phòng chống, giảm thiểu tác động của thiên tai. Cụ thể như chương trình trồng rừng ngập mặn tại nhiều khu vực ven biển để có thể giảm thiểu những tác động bất lợi của thiên tai như bão tố, nước biển dâng. Ngoài ra, không chỉ ở trung ương mà cả cấp địa phương cũng dự nguồn kinh phí cho chương trình chống biến đổi khí hậu, tuyên truyền cho người dân những thông tin liên quan. Song, thảm họa thiên tai vẫn để lại hậu quả nghiêm trọng và Việt Nam còn nhiều việc phải làm để ứng phó và kiểm soát thiên tai
Cùng với nỗ lực hợp tác đối phó với thiên tai, vào tháng 11.2012, ASEAN đã ra mắt Trung tâm Tăng cường ứng phó với thiên tai nhằm quản lý, xử lý và giảm nhẹ thiên tai cũng như hoạt động cứu trợ, phục hồi và tái thiết sau thảm họa. Trong đó, Trung tâm Điều phối cứu trợ nhân đạo tại thủ đô Indonesia và các Văn phòng điều phối đặt tại mỗi nước thành viên ASEAN sẽ đảm trách công việc cứu trợ và những nhiệm vụ liên quan.
QUỐC HƯNG