Mưu sinh ở biên giới

Ký sự của Minh Hải 04/02/2013 09:17

Trời biên giới những ngày cuối năm chìm trong cái lạnh chừng 10 độ, sương mù dày đặc. Thế nhưng tại cửa khẩu Nam Giang, từ 6 giờ sáng hàng chục chiếc xe máy chở đến hàng tạ hàng hóa các loại, từ rau xanh, cá, gà vịt... đã chuẩn bị hành trình sang nước bạn Lào. Họ đã vượt hơn 150km từ miền xuôi lên đây và còn tiếp tục...

Xuống hàng, kiểm tra và tiếp nhiên liệu trước khi xuất cảnh.
Xuống hàng, kiểm tra và tiếp nhiên liệu trước khi xuất cảnh.

Tất tả

16 giờ chiều, vừa từ biên giới về, chưa kịp nghỉ ngơi, đổ vội đống phế liệu thu mua ở dọc đường, hai vợ chồng anh Nguyễn Đức và chị Lê Thị Tuyên ở (xã Đại Hồng, Đại Lộc) lại chở nhau rong ruổi khắp vườn, nhà trong xã để tìm mua rau xanh, gà vịt… Đến 21 giờ đêm mới về tới nhà, ăn vội miếng cơm lại vội soạn hàng hóa chất lên xe chuẩn bị lên đường. Điện thoại anh Đức reo vang: “Bên anh xong chưa, gặp nhau ở Bến Giằng nhé” - một người cùng đi hàng với vợ chồng anh Đức thúc giục. Hai vợ chồng chị Tuyên người cho thức ăn vào chiếc cà mèn, gói ghém cẩn thận rồi quay sang ôm 2 đứa con hôn và căn dặn các con lo ăn ngủ học hành rồi chuẩn bị lên đường”.

Chị Tuyến nhắc tôi: “Nhà báo có găng tay, khăn choàng và áo ấm chưa? Không có thứ này thì lạnh cóng, đi không nổi đâu. Đường khó đi, anh bám theo sát theo tôi nghe, lỡ có trục trặc dễ xử lý”. Đồng hồ vừa điểm 0 giờ. Lúc này, bên kia cầu Bến Giằng, đoàn xe 6 chiếc chất đầy hàng hóa chờ sẵn. Nhìn ai mặt cũng bịt kín, không thể phân biệt được nam hay nữ, chỉ dùng đèn làm tín hiệu. Tuyến đường từ Bến Giằng lên cửa khẩu Nam Giang vắng lặng, chìm trong màn sương lạnh, chỉ có tiếng xe máy gầm vang dội vào vách núi. Sáu giờ sáng, cả đoàn đã tới cửa khẩu, xuống hàng, kiểm tra lại xe, tiếp nhiên liệu.

Bôn ba xuôi ngược kiếm tiền như vợ chồng anh Đức, chị Phan Thị Mỹ (xã Đại Hồng) vừa bơm xe vừa tâm sự: “Tài sản gia đình chỉ có hai sào ruộng nên không đủ sống. Trước kia chồng làm thợ hồ, nhưng gia đình vẫn khó khăn, từ ngày chuyển qua nghề này đỡ khó hơn. Thấm thoắt vậy đã gần 5 năm rồi”. Nhìn nét mặt chai sạm vì giá lạnh, sương gió đường xa như thấm vào họ. Tôi hỏi vui chị Trần Thị Thúy: “Chị cứ đi mãi thế này, ông xã ở nhà lạnh cóng?”. Chị cười đôn hậu: “Ừa, nói thiệt có khi hơn cả tháng chưa gần gũi nhau, thời gian đâu có… Xót ruột thương chồng con đêm hôm lạnh lẽo nhưng cũng phải cố để nuôi con”.

Những người không ngủ

Tại cửa khẩu Nam Giang, hàng ngày hàng trăm phương tiện, lượt người qua lại, riêng những người bán hàng là được cán bộ cửa khẩu quen mặt. Hiểu nỗi đường xa vất vả, họ được ưu tiên làm thủ tục xuất cảnh nhanh nhất. Trung úy Nguyễn Thế Nhân, Trạm phó Trạm Kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang chia sẻ: “Họ là bà con nghèo, bươn chải cực nhọc, nên mình phải có trách nhiệm giúp đỡ. Hơn nữa, ở cửa khẩu này, người qua lại nhiều, nhưng chỉ có những người này gắn bó với nghề, nên quen mặt như người nhà.” Trung úy Nhân cho biết thêm, có khoảng 30 người chuyên chở hàng sang nước bạn Lào để bán, tất cả là người Đại Lộc, hầu hết phụ nữ, họ chia làm 2 tốp, mỗi ngày đi một chuyến, bất kể mưa hay nắng. Họ bán hàng cho công nhân công trình thủy điện, phần còn lại bỏ sỉ tại chợ huyện Đắc Chưng.

Nhìn đồng hồ, chị Tuyên vừa ngáp vừa bảo tôi: “7 giờ rồi, nhà báo chạy qua trước làm thủ tục nhập cảnh đi, bọn tui quen rồi, làm nhanh lắm, không thì nhà báo theo chân không kịp đó!”. Anh Đức cũng hối với theo: “Hàng tươi nhập cho công trình thủy điện Xê Ka Mán nên phải có mặt sớm để họ nấu ăn cho công nhân”… Từ cửa khẩu nước bạn Lào vào thủy điện chỉ 20km, nhưng có gần 10km đường dốc, lầy lội, phải mất gần hai tiếng rưỡi đồng hồ mới vào tới nơi. “Sao hôm nay vào trễ thế, chín rưỡi rồi, sao nấu kịp đây?” - người nhận hàng than phiền. Chị Mỹ nhỏ nhẹ: “Chị thông cảm, bữa ni sương mù nhiều quá, không đi nhanh được, bọn em đi cả đêm mà vẫn bị trễ đó chị”. Nhìn cảnh các chị vừa nhanh tay chất hàng, miệng tranh thủ nhai mì tôm lót dạ, quần áo lấm lem bùn đất, những cặp mắt đỏ hoe vì mất ngủ khiến tôi chạnh lòng. “Nhà báo có đói bụng không? Làm miếng mì tôm, treo trên xe đó, cứ tự nhiên đi” - anh Đức nói.

Trong lúc chờ công nhân nghỉ trưa đổi phế liệu về bán, mọi người tranh thủ chợp mắt, anh Đức tâm sự: “Nhà báo thấy nghề bọn tui cực không? Thời buổi ni kiếm được đồng tiền đâu có dễ. Mệt rã cả người, cơm để sẵn trong cà mèn, bụng cồn cào mà nuốt đâu nổi. Giờ lại chờ công nhân mang phế liệu mua về kiếm thêm chút ít, chứ về xe không thì lãng phí quá”. Một chuyến đi của họ nếu chỉ về không thì lời chừng 500 nghìn đồng, nếu may mắn thu mua được ít phế liệu thì có khi cũng được gần triệu đồng. Một tuần họ đi chừng 5 chuyến. “Nay cận tết rồi, tranh thủ đi vài chuyến nữa là công nhân nghỉ tết. Mà mình thì trăm thứ cần. Nào tiền quần áo cho con, tiền ăn học, rồi bốn bên nội ngoại tùm lum…” - anh Đức tâm sự. Chị Mỹ góp lời anh Đức: “Hai vợ chồng anh cùng đi cũng đỡ lo, lỡ có buồn ngủ cũng có người thay đổi, còn bọn tui chỉ một mình, nhiều lúc vừa chạy xe vừa ngủ gật lúc nào không hay, vậy mà năm 2006 đến chừ đó…?”. Tui còn lo hai bên cha mẹ già yếu, hai con đang học đại học, mỗi tháng phải gửi cho hắn mỗi đứa ít nhất 1 triệu đồng. Nhờ ông trời cho mình sức khỏe, không thì biết răng?” - Chị Thúy tâm sự.

Tiếng còi báo hiệu hết giờ làm việc ở công trình thủy điện vang lên. Tiếng cười nói của công nhân như làm tỉnh giấc mọi người. Ai nấy bật dậy tranh thủ mua phế liệu rồi vội vàng chất lên xe. Vài ngày nữa thôi, tết con rắn đến rồi. Cầu mong yên vui đến với họ, những cung đường vạn dặm sẽ gần lại hơn để cuộc mưu sinh của họ bớt nhọc nhằn.

Ký sự của Minh Hải

Ký sự của Minh Hải