“Nhật ký” phế liệu...

Hoàng Tân 30/01/2013 08:46

Hành động vì một môi trường xanh, sạch, đẹp đã và đang trở thành những hoạt động thường xuyên của Hội Liên hiệp phụ nữ TP.Hội An. Và nổi bật nhất trong năm qua là chương trình ghi nhật ký phế liệu của các phụ nữ nghèo...

Những ngày cuối năm, một hoạt động hết sức ý nghĩa của Hội Liên hiệp phụ nữ Hội An là lễ trao trang thiết bị thu gom phế liệu và rác thải cho 57 phụ nữ nghèo làm nghề thu mua ve chai với số tiền 240 triệu đồng. Qua đó, các cấp hội phụ nữ Hội An cùng những hội viên của mình đã góp phần cùng dự án “Xã hội hóa công tác quản lý rác thải, sinh hoạt tại thành phố Hội An” đạt được nhiều kết quả đáng kể.

Lễ trao xe đạp, xe đẩy cho phụ nữ nghèo ở Hội An.      Ảnh: H.TÂN
Lễ trao xe đạp, xe đẩy cho phụ nữ nghèo ở Hội An. Ảnh: H.TÂN

Mỗi ngày tại Hội An có khoảng 75 tấn rác thải sinh hoạt, tuy nhiên việc thực hiện hoạt động thu gom rác chủ yếu do công ty công trình công cộng, các tổ thu gom tự quản và đội ngũ những người thu mua ve chai của địa phương thực hiện. “Với nghề thu mua ve chai, các chị đã góp phần không nhỏ vào công tác bảo vệ môi trường. Những đóng góp thầm lặng ấy đáng được ghi nhận. Ngày ngày trên các tuyến phố cổ, nhiều người đã rất ngưỡng mộ với hình ảnh của những vòng xe đạp, xe đẩy thu mua ve chai để bảo vệ môi trường...”, chị Nguyễn Thị Vân - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP.Hội An tâm sự.

Nhật ký từ Hội Liên hiệp phụ nữ Hội An ghi lại, trong năm 2012, dự án đã tập hợp được 101 phụ nữ có hoàn cảnh nghèo, khó khăn tham gia. Trong đó có 94 chị mua ve chai và 7 chị là chủ các cơ sở thu mua phế liệu. Trong năm, 16 chị cũng đã được tổ chức hỗ trợ 100 triệu đồng để phát triển các sinh kế phụ nhằm gia tăng nguồn thu nhập; 29 chị được trợ giúp xe đạp và xe đẩy với số tiền 120 triệu đồng.

Mỗi ngày các chị đều có nhật ký ghi lại công việc của mình từ thu mua bao nhiêu, phân loại rác ra sao, bán được bao nhiêu và vận chuyển như thế nào về khu vực tập kết để tái chế... Lật những trang nhật ký hằng ngày của họ, mỗi cuốn sổ với những dòng chữ nguệch ngoạc, mùi mồ hôi thấm đẫm trên từng trang giấy càng thấu hiểu hơn những cực nhọc mà công việc mang lại. Chị Dương Thị Hường (xã Cẩm Hà) chia sẻ những dòng nhật ký đầy xúc động: “Chúng tôi là những phụ nữ lao động bình thường, không đóng góp được nhiều việc có ích cho xã hội. Nhưng bằng những việc làm nhỏ bé của mình, các chị trong tổ sẽ nỗ lực tận thu nguồn phế liệu để tái chế những sản phẩm có ích và góp phần cùng cộng đồng bảo vệ môi trường cho thành phố...”.

Cùng với hoạt động của dự án, các cấp hội phụ nữ của thành phố cũng đã chung tay bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan sạch đẹp. Như tổ chức ra quân dọn vệ sinh hơn 26 ngàn công quét dọn, vận chuyển rác thải trên các trục đường chính, tụ điểm văn hóa... Phát động phong trào rác thải túi ni lông đổi hơn 1.300 giỏ nhựa, 2.000 túi vải cho nhân dân. Ngoài ra có 11/13 đơn vị xây dựng mô hình thu gom rác thải như “Sọt rác nhà ta”, “Phân loại rác tại nguồn”, “Dừa xanh”... Đến nay, có 79/79 chi hội đã ra mắt chi hội “3 sạch” gắn với thu gom rác thải và phân loại rác tại nguồn.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, hoạt động về môi trường của thành phố được 4 dự án tài trợ. Trong đó dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu GEF SGP gần 1 tỷ đồng và vốn đối ứng của thành phố hỗ trợ, cùng phối hợp với các cấp hội phụ nữ thực hiện rất hiệu quả nhiều chương trình như vốn vay ưu đãi, trao xe đạp, xe đẩy... Việc phân loại rác tại nguồn rất quan trọng. Vì vậy lực lượng lao động thu mua ve chai như các chị đã góp phần không nhỏ trong việc quản lý, phân loại rác. Các chị đã góp phần tích cực và kịp thời vào công tác bảo vệ môi trường hiện nay của thành phố.

Hoàng Tân

Hoàng Tân