Quyết liệt giảm nghèo
Trong năm 2013, toàn tỉnh quyết tâm giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 15%. Để đạt được mục tiêu trên và giúp các hộ thoát nghèo bền vững, ngay từ năm, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc với quyết tâm cao.
Nhân dân vùng cao luôn nhận được sự quan tâm đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN |
Với sự nỗ lực chung của cả tỉnh, công tác xóa đói, giảm nghèo trong năm 2012 đã có bước chuyển biến tích cực, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của Quảng Nam hiện vẫn cao hơn mức bình quân cả nước. Vì vậy, tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2013 do UBND tỉnh vừa tổ chức tuần qua, vấn đề giảm nghèo tiếp tục được thảo luận sôi nổi.
Đồng hành với người nghèo
Tại hội nghị, các cấp, ngành, địa phương đã nghiêm túc mổ xẻ nguyên nhân, đánh giá các tồn tại, hạn chế trong công tác giảm nghèo trên địa bàn thời gian qua. Đi cùng với đó là các cơ chế, các giải pháp thực hiện quyết liệt với sự quyết tâm, nỗ lực của những người có trách nhiệm đối với công tác này trong năm 2013. Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, xác định nhiệm vụ giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2012, cả hệ thống chính trị của địa phương đã nỗ lực vào cuộc với quyết tâm cao. Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 8%. “Để đạt được mục tiêu đặt ra trong năm nay, bên cạnh sự phối hợp vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, trách nhiệm của các ban ngành, địa phương, tỉnh cần xây dựng cơ chế phân loại hộ nghèo để đánh giá đúng hoàn cảnh từng đối tượng. Làm được điều này chúng ta sẽ có sự hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp nhằm giúp các hộ thoát nghèo, đồng thời loại bỏ được những đối tượng nghèo có thái độ chây ỳ, ỷ lại, so bì, bình quân chủ nghĩa” - ông Minh nói.
Là địa phương miền núi cao, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nên huyện Bắc Trà My càng chú trọng công tác giảm nghèo trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, Trần Anh Tuấn cho biết, thời gian qua, địa phương triển khai hiệu quả nhiều chương trình đồng hành với người nghèo, cung cấp cụ thể các địa chỉ cần “cầm tay chỉ việc” để các ngành, đoàn thể phối hợp hỗ trợ, giúp đỡ. Nhờ đó, từ 61,23% năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo địa phương giảm xuống còn 51,85% vào năm 2012. “Năm 2013, địa phương xây dựng cơ chế nếu trong năm hộ nào thoát nghèo thì sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng để có thêm điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Về lâu dài, tỉnh cần quan tâm cùng giải bài toán việc làm nhằm giải quyết thời gian lao động nông nhàn và tận dụng hiệu quả nguồn nguyên vật liệu tại chỗ để đưa công tác giảm nghèo của địa phương được bền vững hơn” - ông Tuấn chia sẻ.
Ông Đào Bội Thuyên - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức bày tỏ, thời gian qua, cây cao su đã phát huy được hiệu quả, là cây xóa nghèo của địa phương. Nhờ nhận được sự hỗ trợ, quan tâm đầu tư nên cây cao su góp phần tích cực vào việc giải quyết lao động, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Tỷ lệ hộ nghèo của các xã vùng cao của huyện như Sông Trà, Phước Trà giảm mạnh. “Thực tế tỷ lệ hộ nghèo còn cao như hiện nay là do một bộ phận nhân dân có tư tưởng “muốn được nghèo” để được hưởng các chính sách hỗ trợ. Chúng ta mới chỉ đánh giá chỉ tiêu hộ nghèo trên tiêu chí thu nhập mà chưa xét đến các yếu tố khác. Do đó cần xây dựng cơ chế phân loại hộ nghèo với các chỉ tiêu về mức thu nhập, hoàn cảnh gia đình… để có hướng hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp, đúng đối tượng” - ông Thuyên phát biểu.
Quyết liệt giảm nghèo
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh, dù năm 2012, Quảng Nam không hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế; tuy nhiên các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân trên địa bàn được chú trọng thực hiện tốt hơn so với các năm trước. Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng với những cơ chế hỗ trợ, giúp đỡ đối với hộ nghèo trong thời gian qua, không có lý do gì tỷ lệ hộ nghèo của địa phương vẫn cao gần gấp đôi tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước. Ở cơ sở, hơn ai hết lãnh đạo các địa phương nắm rõ nhất các trường hợp hộ nghèo, gặp khó khăn, bất hạnh; hộ nào chây ỳ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ mà không chịu thoát nghèo. Từ đầu năm nay, các địa phương cần nghiêm túc, rà soát đánh giá lại hoàn cảnh, nhận thức của từng hộ nghèo để báo cáo cho tỉnh. Nếu vì thiếu tư liệu sản xuất, vốn, kỹ thuật thì Nhà nước tiếp tục quan tâm hỗ trợ để giúp các hộ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Nếu hộ nào thuộc đối tượng nghèo vì tuổi già, neo đơn, gặp bất hạnh thì cần có hướng hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh nói: “Chúng ta kiên quyết thanh loại những hộ “không chịu thoát nghèo”, mang nặng tư tưởng trông chờ, bình quân chủ nghĩa. Bên cạnh đó, mỗi hộ phấn đấu thoát được nghèo sẽ được nhận thêm cơ chế hỗ trợ thiết thực từ tỉnh. Các địa phương làm tốt công tác giảm nghèo cũng sẽ được ưu tiên khuyến khích các điều kiện để phát triển”.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh nhấn mạnh, năm nay toàn tỉnh quyết tâm tập trung các nguồn lực cho công tác giảm nghèo, xem chỉ tiêu phấn đấu giảm nghèo của HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 6 vừa qua là pháp lệnh xóa nghèo trong công tác lãnh đạo, điều hành các nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, của ngành của năm 2013. Các đề án, kế hoạch cho công tác này đã được xây dựng, vì vậy các địa phương cần chủ động, linh hoạt triển khai lồng ghép các chương trình hỗ trợ để giảm nghèo nhanh và bền vững.
NGUYÊN ĐOAN