Lưu dấu Chàm
Trước tượng thần tài lộc độc nhất ở Hội An, câu chuyện “nguồn vốn phong phú” về du lịch trong xứ Trung kỳ được nhắc nhớ với những di sản và vốn liếng văn hóa Chăm rất ấn tượng…
Ca công trên cõi trời
Trong Bảo tàng Lịch sử văn hóa Hội An (số 7 Nguyễn Huệ, Hội An) có một bức tượng đặt ở góc tây bắc, tìm thấy từ năm 1989 tại khu vực lăng Bà Lồi (thôn 6, xã Cẩm Thanh). Ông Trần Văn An, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, kể: “Chúng tôi phát hiện tượng được thờ tại chính điện của lăng, sơn phết nhiều màu, mặt hơi tròn, cổ to, có đeo một chuỗi tràng hạt. Sau khi bóc lớp xi măng bên ngoài, bức tượng lộ ra hình dáng vị nam thần Chămpa được xác định là thần Kubera - thần tài lộc trong tư thế đứng nhưng không còn nguyên vẹn”.
- Dấu tích Đại Chiêm hải khẩu thời vương quốc Champa tại Cửa Đại - Hội An. |
Theo thần thoại Ấn Độ, thần tài lộc Kubera là thần chủ của những Gandhara, tức là ca công trên cõi trời, thường ca hát nhảy múa với các thiên nữ Apsara và Yaksa. Tượng chế tác bằng sa thạch cứng, màu xám; lưng tựa vào bệ đá, mặt nhìn thẳng, râu dài, tay đeo tràng hạt, chân đứng khép thẳng. Tượng có chiều cao tổng thể 120cm, trong đó bệ tượng cao 39cm. Căn cứ những đặc điểm về tiếu tượng học, các nhà nghiên cứu nhận định tượng thuộc phong cách Trà Kiệu muộn, có niên đại khoảng nửa sau thế kỷ X.
Theo lời kể của các bậc cao niên, thời trước Lùm Bà là vùng đất hoang vu, cư dân xung quanh chẳng ai dám qua lại. Một hôm, có người dân phát hiện tại đây một bức tượng “từ dưới đất trồi lên” và cho đó là tượng thần nên huy động mọi người góp công, của xây dựng ngôi lăng để thờ, gọi là lăng Bà hay lăng Bà Lồi. Từ đó, tháng giêng hằng năm, nhân dân đều tổ chức cúng tại lăng, cầu cho mưa thuận gió hòa, xóm làng yên vui, người người được khỏe mạnh. Các đợt thám sát, khai quật khảo cổ học tại khu vực này cũng đã phát hiện chân móng của hai công trình kiến trúc Chăm có niên đại vào khoảng thế kỷ X. Căn cứ vào cấu trúc bình diện, các nhà nghiên cứu nhận định đó là chân móng của hai ngôi tháp Chăm. “Rất có thể, tượng thần Kubera được phát hiện là bộ phận cấu thành của một trong hai ngôi tháp Chăm này” - Võ Hồng Việt, cán bộ khảo cổ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, nói.
- Tượng thần tài lộc Kubera. (Ảnh tư liệu) |
Trầm tích
“Tượng thần Kubera, cùng với tượng voi ở miếu thờ trước đình Xuân Mỹ và vũ công tiên thiên Gandhara ở miếu Thần Hời - Hội An, đã cho thấy trình độ điêu luyện của điêu khắc Chămpa, minh chứng sinh động về bức tranh văn hóa Chăm tại Hội An trong thời kỳ vương quốc Champa xưa”. (Ông TRẦN VĂN AN, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An) |
Trong khảo cứu về Hội An viết vào đầu thế kỷ XX, bác sĩ Albert Sallet - nhà nghiên cứu dân tộc học người Pháp tại xứ Trung kỳ đã đề cập một số tác phẩm điêu khắc Chăm nằm ở tòa Công sứ Hội An và tại một ngôi chùa thờ bà Chúa Lồi ở Sơn Phô, nhưng hiện không còn nữa.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy, trong sách “Xứ Trung kỳ” công bố tại Paris năm 1931, Albert Sallet đã mô tả đặc biệt về thung lũng các vua thánh của quần thể phế tích Chăm ở Mỹ Sơn. Những trầm tích văn hóa Quảng cũng được khơi mạch trong hàng loạt biên khảo, như: “Lưu dấu Chàm trong truyền thống dân gian và tín ngưỡng của người An Nam tại Quảng Nam”, “Hội An xưa”, “Núi Bà Nà”, “Yến sào và tổ của chúng”... Chính Albert Sallet cũng là người đầu tiên đã nói đến “những nguồn vốn phong phú về du lịch trong xứ Trung kỳ”.
Cách đây gần 2 thập kỷ, giáo sư Ogura Sadao - một chuyên gia về sử học nổi tiếng ở Nhật Bản - cũng từng cho rằng: “Người Nhật Bản quan tâm đến Hội An không phải chỉ vì ở đấy có khu phố cổ, nơi ghi lại những dấu ấn về mối giao thương chính thức giữa Việt Nam và Nhật Bản từ thế kỷ XVI. Vấn đề chúng tôi muốn biết thêm, là nền văn hóa của dân tộc Chăm đã hình thành và tồn tại như thế nào trong suốt 10 thế kỷ hoặc có thể lâu hơn nữa, từ thời cổ đại”.
QUỐC HẢI